Những ngày cuối năm 2024, chúng tôi ngược lên xã miền núi Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Phải mất 1 tiếng rưỡi, chúng tôi vượt hơn 120km đường dốc ngoằn nghèo mới tới được xã biên giới này.
Đón chúng tôi, ông Hoàng Trọng Đức – Chủ tịch UBND xã Trường Sơn nói rằng: "Đường lên xã Trường Sơn đã bê tông hóa nên còn dễ di chuyển chứ đường đi vào bản Sắt khó khăn lắm, đặc biệt vào mùa mưa, đường đi đầy bùn lầy, trơn trượt".
Quả thật, quãng đường từ trung tâm xã Trường Sơn vào bản Sắt chừng 10km, không quá xa nhưng để vượt qua con đèo dốc, trơn trượt quả thật rất vất vả, bánh xe máy nhiều lúc bám đầy bùn đất, kẹt cứng không thể di chuyển được. Muốn đi thì phải dừng lại, gỡ bớt bùn đất trong bánh xe mới tiếp tục hành trình để vào bản.
Đến nơi, khung cảnh bản Sắt yên bình hiện lên với những căn nhà sàn làm chủ yếu bằng tôn với phần mái xanh đậm hòa quyện với màu xanh của núi rừng bao bọc xung quanh.
Trò chuyện với phóng viên Dân Việt, ông Hoàng Trọng Đức – Chủ tịch UBND xã Trường Sơn chia sẻ: "Bản Sắt có địa hình "lòng chảo", thường xuyên ngập lụt mỗi mùa mưa lũ tới, nhiều lần nước dâng cao khiến nhà dân ngập trong nước lũ. Đặc biệt, trận lũ lịch sử tháng 11/2020 đã khiến ngọn núi phía sau bản Sắt sạt lở nặng, đe dọa an toàn về tính mạng, tài sản của người dân".
Trước tình huống sạt lở này, tỉnh Quảng Bình đã khẩn trương triển khai xây dựng khu tái định cư bản Sắt an toàn, xanh – sạch – đẹp. Khu vực được chọn để xây dựng khu tái định cư bản Sắt có địa hình khá bằng phẳng với diện tích quy hoạch 3ha, thuận lợi để người dân bản Sắt vừa định cư lâu dài, vừa dễ dàng sản xuất lúa nước, trồng rừng, bảo đảm an ninh lương thực. Đến giữa năm 2021, toàn bộ các công trình tại bản Sắt hoàn thành và đưa vào sử dụng trước mùa mưa lũ.
Hiện, bản Sắt hiện có 34 hộ với 152 nhân khẩu, toàn bộ là đồng bào Bru - Vân Kiều. Hệ thống công trình được xây dựng tại khu tái định cư bản Sắt gồm 34 căn nhà mới cho các hộ dân và một khu nhà 2 tầng, đây là điểm trường học kết hợp nhà tránh lũ cộng đồng.
Ông Nguyễn Linh (80 tuổi) ở bản Sắt vui vẻ nói: "Dòng họ tôi nhiều đời sinh sống ở bản Sắt này rồi, sợ nhất là mùa mưa lũ, nước ngập, sạt lở rất nguy hiểm. Khi được Đảng, Nhà nước quan tâm, xây dựng khu tái định cư tránh khỏi vùng thiên tai, tôi mừng lắm. Đến nơi ở mới, nhà được xây kiên cố trên khu đất bằng phẳng, sạch đẹp. Dân làng tập trung gần nhau rất vui, gắn kết và quây quần".
Ông Nguyễn Văn Muôn - Trưởng bản Sắt cho hay, bản Sắt bây giờ đây đã khoác lên mình màu áo mới. Người dân bản Sắt đã vững tâm "an cư lạc nghiệp", không còn thấp thỏm nỗi lo trước mỗi mùa mưa lũ về. Tuy nhiên, cuộc sống của bà con hiện tại vẫn còn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là chưa có điện lưới phục vụ sinh hoạt.
"Ở bản Sắt, chỉ có vài ba hộ mua được các tấm năng lượng mặt trời để dùng, đến tối hầu như chỉ dám bật đèn điện chiếu sáng, còn tivi để không, nhiều nhà, tivi bụi phủ vì không được sử dụng tới. Một số nhà khác phải dùng bình ắc quy, mỗi lần sạc phải chạy khoảng 10km, đến trung tâm xã mới có nơi cắm sạc" – ông Muôn nói.
Do bản Sắt chưa có điện lưới nên việc học hành của học sinh cũng lắm gian nan. Các cháu học sinh phải tận dụng học bài vào ban ngày, còn tối đến, ánh sáng yếu từ một số bóng đèn năng lượng mặt trời không thể giúp các em nhìn ra con chữ.
Theo Trưởng bản Sắt Nguyễn Văn Muôn, việc không có điện lưới, không sóng điện thoại và con đường vào bản bùn đất, trơn trượt ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và việc phát triển kinh tế của người dân. Bà con nơi đây hằng ngày mong mỏi sớm có điện lưới và một con đường bê tông bằng phẳng để rút ngắn thời gian đi vào bản.
Ông Hoàng Trọng Đức – Chủ tịch UBND xã Trường Sơn chia sẻ, năm 2016, bản Sắt được đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời, tuy nhiên đến năm 2019 đã hư hỏng nặng, từ năm 2020 thì hoàn toàn không còn sử dụng được nữa.
"Từ năm 2021 đến nay, chúng tôi có nhiều tờ trình đề nghị cấp trên đầu tư dự án điện lưới quốc gia về 6 bản trên địa bàn xã. Tuy nhiên, đến bây giờ vẫn chưa được bố trí nguồn kinh phí cũng như chưa được khảo sát để lập dự án đầu tư công trình điện lưới quốc gia đối với 6 bản này" – ông Đức nói.