Dân Việt

Kỷ niệm 70 năm ngày đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc: Những ký ức đặc biệt

Hữu Dụng 15/11/2024 09:32 GMT+7
Dù 70 năm đã trôi qua nhưng tình cảm và trách nhiệm của miền Bắc, trong đó có Thanh Hóa, đối với đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc vẫn mãi mãi khắc ghi trong lịch sử dân tộc ta, là biểu tượng về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

300 ngày đón 45 chuyến tàu "đặc biệt"

Cuối tháng 8/1954, sau đúng 1 tháng ký Hiệp định Giơnevơ, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị, trong đó nêu rõ: "Cần tổ chức một cuộc tuyên truyền, giáo dục một cách sâu rộng cho cán bộ và đồng bào ở địa phương về nghĩa vụ đón tiếp bộ đội, thương binh, cán bộ và đồng bào miền Nam ra...

Kỷ niệm 70 năm ngày đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc: 70 năm nghĩa nặng tình sâu - Ảnh 1.

Kỷ niệm 70 năm ngày đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc: 70 năm nghĩa nặng tình sâu.

Phải làm cho cán bộ và nhân dân nhận thấy việc đón tiếp và giúp đỡ này là một nghĩa vụ và cũng là một vinh dự của mình. Cần có thái độ ân cần, chăm sóc, giúp đỡ như đối với anh chị em ruột thịt, càng không phải là có thái độ ban ơn, mà chính là phải có thái độ đối với những người có công đối với Tổ quốc, có công với bản thân mình và đã cùng mình chiến đấu gian khổ lâu nay"...

Có thể nói, đây không chỉ là đợt chuyển quân thông thường, mà còn là đợt chuyển quân mang trong đó những chủ trương, chính sách về quản lý, đãi ngộ, sử dụng và bồi dưỡng - đào tạo đội ngũ cán bộ, vừa góp phần cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước sau này.

Kỷ niệm 70 năm ngày đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc: 70 năm nghĩa nặng tình sâu - Ảnh 2.

Những kỷ vật của đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954.

Thời điểm lịch sử ấy, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa vinh dự là địa phương đầu tiên được Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Thực hiện nhiệm vụ của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ giao, bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, Thanh Hóa đã tổ chức đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tại các địa điểm: Sầm Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa... Địa điểm đầu tiên đón tiếp là Lạch Hới, xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, việc đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam đã diễn ra chu đáo, thân tình, với tình cảm ruột thịt Bắc - Nam một nhà.

Kỷ niệm 70 năm ngày đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc: 70 năm nghĩa nặng tình sâu - Ảnh 3.

Nơi đây trưng bày gần 400 tài liệu, tư liệu hiện vật, kỷ vật và hình ảnh quý, có giá trị liên quan đến quá trình đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc sinh sống, học tập, công tác và làm việc trên đất Bắc từ năm 1954, được Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa sưu tầm trong nhiều tháng qua.

Trong thời hạn 300 ngày sau khi Hiệp định Geneva có hiệu lực (tính từ tháng 9/1954 đến tháng 5/1955), tỉnh Thanh Hóa đã đón 45 chuyến tàu "đặc biệt", chở 47.346 cán bộ, chiến sĩ; 1.775 thương binh; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình. Nhân dân Thanh Hóa, trực tiếp là nhân dân Sầm Sơn đã tổ chức đón tiếp, chăm sóc, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đời sống của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết.

Ngoài ra, lúc bấy giờ Thanh Hóa còn chỉ đạo Ty Thương binh mượn nhà dân để thành lập và tổ chức 12 trạm đón tiếp. Ngành y tế đã xây dựng một trạm cấp cứu tại Sầm Sơn, 2 trạm y tế đặt ở 2 xã Hoằng Quang và Hoằng Lộc (Hoằng Hóa), xây bệnh xá ở xã Thiệu Đô (Thiệu Hóa) để kiểm tra sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam. Cùng với việc chuẩn bị cơ sở vật chất đón tiếp, tỉnh đã chỉ đạo các huyện ủng hộ bằng vật chất để giúp đỡ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết.

Ký ức không thể nào quên

Đã 70 năm đã trôi qua, nhưng với với ông Trần Trí Trác (SN 1936) nguyên cán bộ phụ trách thanh niên xã Quảng Tiến) thì ký ức về những ngày Nam Bắc sum vầy ấy vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí ông.

Kỷ niệm 70 năm ngày đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc: 70 năm nghĩa nặng tình sâu - Ảnh 4.

Đã 70 năm đã trôi qua, nhưng với với ông Trần Trí Trác (SN 1936) nguyên cán bộ phụ trách thanh niên xã Quảng Tiến) thì ký ức về những ngày Nam Bắc sum vầy ấy vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí ông.

"Thời điểm đó khi hay tin xã Quảng Tiến là một trong những điểm đón đồng bào miền Nam ra Bắc tập kết. Hay tin bà con ai cũng phấn khởi,  địa phương đã huy động hàng ngàn ngày công lao động, xây dựng các cơ sở để đón tiếp. Lúc đó cả xã như đại công trường, người san lấp mặt bằng, dựng cột kèo, nhà tạm, người thì đào mở rộng đường ra cảng Lạch Hới. Bà con ai cũng làm việc khẩn trương, chu đáo để đón tiếp đồng bào miền Nam", ông Trác nhớ lại.

Cũng theo ông Trác, ngày ấy luồng ra biển bé, những chiếc tàu biển lớn của Liên Xô, Ba Lan không cập được cảng mà phải đậu ngoài khơi, khi ấy địa phương phải huy động 15-20 tàu, thuyền đánh cá áp mạn, trung chuyển đưa người vào bờ. "Tôi vẫn nhớ những ngày tháng 10 năm ấy biển động, gió lớn, có thời điểm nhiều ngày thuyền đánh cá không thể cập được mạn tàu mà phải chờ lặng gió mới ra được. Có những người bị say sóng, sau khi lên bờ được bà con Quảng Tiến chăm sóc tận tình như người trong gia đình", ông Trác kể.

Kỷ niệm 70 năm ngày đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc: 70 năm nghĩa nặng tình sâu - Ảnh 5.

Biểu tượng con tàu tập kết ra Bắc ở phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá.

Là những người trực tiếp tham gia Đội thiếu nhi "Chim Hòa Bình" tỉnh Thanh Hóa để đón tiếp đồng bào miền Nam tập kết, bà Nguyễn Thị Nhủ (ở TP Sầm Sơn) vẫn không thể nào quên dù thời điểm đó bà mới có 14-15 tuổi. Trong ký ức của bà, lúc đó đội thiếu nhi của bà có nhiệm vụ ra bãi để chờ đón các anh bộ đội, các em, các bạn học sinh miền Nam xuống tàu, rồi hô to khẩu hiệu "hoan hô các đồng bào, cán bộ, chiến sĩ các em học sinh miền Nam ra Bắc","Miền Nam thành đồng Tổ quốc muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm! Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!"...

"Tôi nhớ nhất hình ảnh khi đồng bào miền Nam xuống tàu, có một bà má lấy trong túi áo ra một gói màu đen trao cho anh bộ đội và dặn rằng trong gói đất này quyện tình Nam Bắc ngàn đời không quên. Lúc đó tôi rất xúc động, nghẹn ngào", bà Nhủ nhớ lại.

Kỷ niệm 70 năm ngày đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc: 70 năm nghĩa nặng tình sâu - Ảnh 6.

Ông Trần Văn Ấm đã có 70 năm sống trên đất Bắc.

Năm nay đã 92 tuổi, nhưng ông Trần Văn Ấm đã có 70 năm sống trên đất Bắc, trong đó ông gần như gắn trọn đời mình với mảnh đất xứ Thanh. Dù quê hương Quảng Nam vẫn luôn trong tim, nhưng với ông Thanh Hóa cũng là máu thịt khi gia đình, vợ con giờ đều sinh sống ở đất này.

"Những ngày đầu mới ra Bắc, không đêm nào tôi không nhớ về quê nhà, nhiều lúc nhớ bố mẹ, anh, chị em ruột lúc tiễn mình lên đường, nước mắt cứ trào ra. Ngày làm việc còn đỡ nhớ, đêm về nỗi nhớ cứ trào dâng. Nên anh em chúng tôi thường có câu "Ngày Bắc – đêm Nam" là vậy"- ông Ấm trải lòng.

Nỗi nhớ quê như phần nào được khỏa lấp, khi tại nơi công tác ông Ấm quen biết và nên duyên vợ chồng với bà Xuân (quê ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An), rồi lần lượt có với nhau 5 người con (1 trai, 4 gái). "Sau khi lấy vợ, gia đình tôi về Nông trường Bãi Trành làm việc. Thời bấy giờ, vùng đất này toàn rừng núi, cuộc sống rất khó khăn, nhưng chúng tôi luôn nhận được nhiều tình cảm yêu thương, sẻ chia, đùng bọc của bà con nơi đây. Tình làng, nghĩa xóm, tình cảm đồng chí, đồng đội luôn keo sơn, mật thiết", ông Ấm kể lại.

Kỷ niệm 70 năm ngày đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc: 70 năm nghĩa nặng tình sâu - Ảnh 7.

Khu lưu niệm đồng báo, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc được tỉnh Thanh Hoá khởi công ngày 28/8/2022.

Ông Hoàng Bá Nghiên (SN 1928) quê gốc xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) sau khi tập kết ra Bắc cũng ở lại gắn bó với mảnh đất Thanh Hóa. Hiện, ông đang sinh sống tại thị trấn Bút Sơn (huyện Hoằng Hóa).

Ông tham gia cách mạng chống Pháp từ rất sớm, tháng 10/1954, ông cùng đồng đội từ Quảng Nam theo tàu thủy của Ba Lan ra Bắc và đóng quân tại phà Ghép, huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa). Tại Thanh Hóa, trong những lần làm nhiệm vụ, ông bị thương nhiều lần và theo đoàn an dưỡng về đóng quân tại huyện Hoằng Hóa.

Kỷ niệm 70 năm ngày đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc: 70 năm nghĩa nặng tình sâu - Ảnh 8.

Đây là công trình có ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa sâu sắc, là biểu tượng sinh động của tình đoàn kết hai miền Bắc - Nam.

Trên đất Hoằng Hóa, ông gặp và nên duyên với bà Lê Thị Tụng (thôn Tế Độ, xã Hoằng Phúc, nay là thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa) có với nhau 5 mặt con (2 trai, 3 gái). "Sau thời gian an dưỡng, sức khỏe ổn định tôi chuyển về công tác tại Ban Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa. Tới năm 1968, theo yêu cầu của tổ chức, tôi trở lại chiến trường tham gia đánh Mỹ. Ngày miền Nam giải phóng, tôi tiếp tục tham gia nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia", ông Nghiên kể.

Năm 1982, ông Nghiên rời chiến trường trở về Quảng Nam công tác, lúc về hưu ông quyết định trở lại Thanh Hóa để gần gia đình, vợ con. "Quảng Nam là nơi "chôn nhau, cắt rốn", thế nhưng Hoằng Hóa là nơi nuôi dưỡng, hun đúc tôi nên người, là nơi có vợ con và những người thân thương gắn bó máu thịt nên tôi quyết định trở lại Thanh Hóa sống những năm tháng cuối đời"- ông Nghiên tâm sự.

Kỷ niệm 70 năm ngày đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc: 70 năm nghĩa nặng tình sâu - Ảnh 9.

Khu lưu niệm được xây dựng ngay chính bến tàu tập kết năm xưa, gồm 3 phân khu, trong đó khu A rộng khoảng 13.600 m2 được coi là trung tâm với tượng đài hình con tàu và bức phù điêu lớn hình cánh cung.

Dù 70 năm đã trôi qua nhưng tình cảm và trách nhiệm của nhân dân miền Bắc, trong đó có nhân dân tỉnh Thanh Hóa đối với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và các thế hệ học sinh miền Nam tập kết ra Bắc mãi mãi khắc ghi trong lịch sử dân tộc ta, khẳng định chân lý "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một"; là biểu tượng sinh động về nghĩa tình đồng bào, đồng chí yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh; là bài học kinh nghiệm quý báu về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.