Dân Việt

Căn bệnh nguy hiểm khiến 7 triệu người Việt mắc, 55% biến chứng nặng

Diệu Linh 15/11/2024 06:07 GMT+7
Đái tháo đường là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao, biến chứng nguy hiểm nhưng nhiều người lại chưa có ý thức phòng ngừa.

Trẻ hóa căn bệnh khiến 7 triệu người Việt đang mắc

Tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, tại bệnh viện đã ghi nhận số ca mắc đái tháo đường  gia tăng và ngày càng trẻ hóa. 

Trung bình mỗi tháng, khoa Nội tổng hợp của bệnh viện quản lý ngoại trú hơn 3000 bệnh nhân đái tháo đường, điều trị nội trú cho khoảng 350 bệnh nhân, chủ yếu là đái tháo đường type 2, bao gồm cả phát hiện mới, biến chứng đái tháo đường và điều trị các bệnh lý khác trên nền bệnh nhân đái tháo đường.

img

Điều dưỡng viên khoa Nội tổng hợp kiểm tra đường huyết cho bệnh nhân. Ảnh BVCC

Như trường hợp của bệnh nhân N.Đ.T (41 tuổi) ở phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long. Người bệnh ở nhà thường xuyên mệt mỏi, ngủ khó dậy, khát nước, tiểu nhiều, sút cân nhanh trong thời gian ngắn. Đến viện thăm khám, làm xét nghiệm phát hiện chỉ số đường huyết 16 mmol/l, cao gấp nhiều lần người bình thường.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc đái tháo đường type 2. Qua 1 tuần điều trị tích cực, đến nay sức khỏe bệnh nhân tiến triển tích cực, đường huyết được kiểm soát ổn định.

Bác sĩ Đỗ Thị Ngân, Phó khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Quảng Ninh) cho biết: “Độ tuổi phổ biến mắc đái tháo đường type 2 là từ 50 – 60 tuổi, thế nhưng hiện nay rất nhiều bệnh nhân mới ngoài 30 tuổi, thậm chí chúng tôi đã từng phát hiện, điều trị cho những trường hợp mới 14, 15 tuổi đã bị tiểu đường Type 2. 

Điều này đồng nghĩa với việc người bệnh càng có nhiều năm phải chung sống với bệnh, nguy cơ tiến triển nặng, thời gian dẫn đến biến chứng sớm hơn và tỷ lệ biến chứng nhiều hơn so với đái tháo đường ở người lớn tuổi, gây suy giảm chất lượng cuộc sống. Đây là vấn đề đáng lo ngại bởi nguy cơ trong cộng đồng vẫn còn nhiều người bệnh đái tháo đườngkhông được phát hiện”.

img

Bác sĩ CKI Đỗ Thị Ngân thăm khám cho bệnh nhân đái tháo đường. Ảnh BVCC

Theo bác sĩ Ngân, khoa Nội tổng hợp đã tiếp nhận điều trị rất nhiều bệnh nhân bị các biến chứng nguy hiểm do đái tháo đường gây ra, trong đó có không ít bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy thận phải lọc máu suốt đời hoặc nhiều bệnh nhân đái tháo đường phải đối mặt với nguy cơ tàn phế vì hoại tử chi.

Như trường hợp của bà C.T.T bị suy thận lọc máu chu kỳ, đái tháo đường type 2 biến chứng hoại tử chi, đã phẫu thuật cắt cụt chân phải cách đây 2 tháng. Đợt này vào viện do nhiễm khuẩn huyết cùng tình trạng đau tức, hoại tử khô ngón, bàn chân trái.

Bác sĩ Ngân cho biết, đái tháo đường là một bệnh lý mạn tính tiến triển dần theo thời gian. Nếu không được kiểm soát, căn bệnh này có thể gây ra nhiều biến chứng mạn tính nguy hiểm, như: tim mạch (tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, hội chứng mạch vành cấp…); 

Biến chứng thận (viêm cầu thận, suy thận mạn…), mắt (bệnh lý võng mạc), thần kinh ngoại vi, tắc mạch chi gây hoại tử..., làm suy giảm chất lượng cuộc sống người bệnh. Thậm chí gây ra biến chứng cấp tính hôn mê nguy hiểm tính mạng.

img

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân đái tháo đường type 2 bị biến chứng nặng. Ảnh BVCC

Người dân vẫn chưa đánh giá đúng nguy cơ của căn bệnh đái tháo đường

Theo số liệu của Liên đoàn đái tháo đường thế giới, năm 2021 số người mắc bệnh đái tháo đường trên toàn cầu ở con số 537 triệu người.

Dự đoán số người mắc bệnh sẽ tăng lên 643 triệu vào năm 2030 và tới mức 783 triệu vào năm 2045. Thống kê cho thấy trên 70% người mắc đái tháo đường đang sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình do sự tăng lên nhanh chóng của việc tiêu thụ thực phẩm giàu năng lượng, lối sống ít vận động.

Còn theo Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng gần 7 triệu người mắc đái tháo đường, trong đó có 55% bệnh nhân đái tháo đường týp 2 đã xuất hiện biến chứng về tim mạch, về mắt, thần kinh và về thận.

Biến chứng đái tháo đường không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống...

Để được chẩn đoán bệnh đái tháo đường sớm và điều trị kịp thời, bác sĩ Ngân khuyến cáo người dân cần chủ động đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm, bởi căn bệnh này diễn biến âm thầm, có thể gặp ở mọi đối tượng và ngày càng trẻ hóa. 

img

Bàn chân bị hoại tử do biến chứng của bệnh đái tháo đường. Ảnh BVCC

"Nếu thấy có bất kì triệu chứng bất thường, như: khát nước, đi tiểu nhiều lần, mệt mỏi, ăn nhiều nhưng gầy sút cân không rõ nguyên nhân, vết thương lâu lành, mờ mắt… cần đến cơ sở y tế để được xét nghiệm đường huyết, khám sàng lọc và phát hiện sớm, điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra", bác sĩ Ngân nhấn mạnh. 

Theo bác sĩ Ngân, để giảm nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 cần duy trì lối sống lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất, ngủ đủ giấc, dinh dưỡng đa dạng, hạn chế rượu bia, thuốc lá và các thức ăn đồ uống nhiều đường, chế biến sẵn... 

Đối với những người mắc bệnh đái tháo đường cần được chăm sóc và hỗ trợ điều trị liên tục để kiểm soát bệnh và phòng tránh các biến chứng; đồng thời tích cực vận động, xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, uống thuốc đều đặn và đúng giờ. 

Người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hay sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc thay thế thuốc kiểm soát đường máu, đi khám định kỳ để kiểm soát đường huyết ổn định, giúp người bệnh chung sống hòa bình với căn bệnh này.