Dân Việt

Hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Cần Giờ đang chuyển đổi số ra sao?

An Hải 16/11/2024 06:00 GMT+7
Dù vị trí địa lý khá xa trung tâm TP.HCM nhưng huyện Cần Giờ vẫn đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong việc chuyển đổi số. Điều này đóng góp rất lớn vào mục tiêu phát triển xã nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương.

Huyện Cần Giờ chuyển đổi số ra sao?

Mới đây, Thường trực HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát UBND huyện Cần Giờ về việc triển khai, thực hiện chủ đề năm 2024 "Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội" .

Báo cáo với Đoàn giám sát, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng cho biết, để thực hiện hiệu quả nghị quyết 98 về chuyển đổi số, huyện Cần Giờ đã đề ra 9 giải pháp trọng tâm và 33 nhiệm vụ cụ thể.

Về thực hiện phát triển kinh tế số, UBND huyện xây dựng các phần mềm số hóa dữ liệu nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, dựa trên ứng dụng công nghệ Hệ thống Thông tin Địa lý (GIS) của Thành phố trong chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản.

Hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Cần Giờ đang chuyển đổi số ra sao? - Ảnh 1.

Huyện Cần Giờ đã số hóa thông tin về 738 phương tiện khai thác thủy sản. Ảnh: H.G

Theo đó, huyện tiếp tục nâng cấp và cập nhật các tiện ích, công cụ phục vụ truy xuất dữ liệu và đánh giá an toàn thông tin hệ thống phần mềm bản đồ số hóa; thực hiện số hóa thông tin về 738 phương tiện khai thác thủy sản và gần 2.000 hộ nuôi trồng thủy sản.

Thực hiện nguồn nhân lực số, UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06. Đến nay, huyện đã thành lập 77 tổ công nghệ số cộng đồng với 216 thành viên tại các xã, thị trấn. Tất cả thành viên đều được trang bị kiến thức cơ bản về nhận thức chuyển đổi số và trang bị kỹ năng cơ bản về ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo máy tính và kỹ năng an toàn thông tin trên môi trường Internet.

Thực hiện phát triển xã hội số, UBND huyện Cần Giờ triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn huyện. Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức, lan tỏa thông tin tích cực và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ từ người dân, các tổ chức, doanh nghiệp và các đơn vị kinh doanh…

Tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành và đơn vị trong việc sử dụng và khai thác hiệu quả dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử trên địa bàn huyện.

Nông thôn mới kiểu mẫu, bắt buộc phải chuyển đổi số

Kế hoạch thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn vùng nông thôn TP.HCM đến năm 2025 nhấn mạnh nội dung chuyển đổi số.

Riêng huyện Cần Giờ, UBND Thành phố đặt mục tiêu đến hết năm 2025 phải có 3/6 xã đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu. Để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, theo UBND TP.HCM cần làm tốt kinh tế số, xã hội số và hạ tầng số.

Hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Cần Giờ đang chuyển đổi số ra sao? - Ảnh 2.

Người dân huyện Cần Giờ ra quân nhặt rác, dọn sạch bờ biển. Ảnh: A.H

Đối với mô hình về kinh tế số, cần có sự chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện để được hướng dẫn, hỗ trợ trong triển khai thực hiện. Chọn ít nhất 1 đến 2 mô hình có sử dụng công nghệ, trong các lĩnh vực để phục vụ công tác quản lý nhà nước tại địa phương; hoặc các mô hình phát triển kinh tế xã hội được ứng dụng đồng bộ công nghệ trong một lĩnh vực sản xuất, dịch vụ…

Đối với mô hình về xã hội số, cần tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức cho cán bộ xã, ấp trong việc sử dụng nền tảng số để tuyên truyền đến người dân. Tập trung công tác thông tin tuyên truyền cho người dân về nâng cao hiệu quả sử dụng nền tảng số, phục vụ các công việc hàng ngày của người dân.

Đồng thời tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức cho người dân, doanh nghiệp về kỹ năng quảng bá, giới thiệu, kinh doanh, mua bán các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, nền tảng số; kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin; thanh toán trực tuyến…

Đối với mô hình về hạ tầng số, cần rà soát, thành lập và triển khai các nhóm, tổ công nghệ số cộng đồng tương tác, tương trợ lẫn nhau trong ấp. Chủ động làm việc với các công ty truyền thông để đầu tư nâng cấp hạ tầng thông tin liên lạc, đường truyền internet, các trạm thu, phát sóng điện thoại trên địa bàn. Rà soát, thực hiện gắn mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số đối với 100% nhà ở, hộ gia đình trên địa bàn.