Bản đồ mỏ khoáng sản ở Bắc Kỳ, nguồn: TTLTQGI
Các mỏ than của Bắc Kỳ đã tạo nên khối tài sản khổng lồ cho Đông Dương, với nguồn tài nguyên vô tận.
Những người đầu tiên phát hiện ra nguồn than đá tuyệt vời này tại vịnh Hạ Long vào năm 1865 và bắt tay vào khai thác, chính là người Trung Quốc.
Nhưng chính các cuộc thăm dò nghiêm túc và quyết đoán của Fuch vào năm 1882 và của Sarran vào năm 1886 mới thực sự thu hút sự quan tâm của các nhà công nghiệp Pháp.
Ngay từ năm 1884, hoạt động khai thác đã được triển khai, và mặc dù do thiếu đầu ra nên khởi đầu gặp không ít khó khăn nhưng cuối cùng thành công cũng đã tới.
Đến nay [năm 1928 - ND], vùng mỏ than Hạ Long và Đông Triều trở thành mỏ có trữ lượng lớn nhất, phát triển theo hình vòng cung từ phía Đông Tiểu khu Móng Cái cho tới phía Tây Phả Lại, dài 180km, với tổng diện tích khoảng 23.000 ha.
Mỏ than lộ thiên ở Hòn Gai, nguồn: TTLTQGI
Hiển nhiên là nguồn của cải dồi dào dưới lòng đất Đông Dương đã kéo theo lượng đơn xin thăm dò ngày càng gia tăng.
Số lượng đơn xin khai thác mỏ quặng có hiệu lực từ ngày 01/01/1927 lên tới 3.424. Về nhiên liệu, đã có 91 đơn xin nhượng quyền khai thác than các loại (than gầy, than bitum [than mỡ] hay than á bitum và than nâu) trên diện tích 134.674 ha.
Vùng mỏ than tại vịnh Hạ Long được thừa hưởng vị trí đắc địa. Hầu hết ở khắp mọi nơi, việc khai thác đều được thực hiện ở ngoài trời, theo từng giai đoạn.
Các lớp được nhóm thành hai hệ tầng: hệ tầng Hà Tu và hệ tầng Nagotna. Hệ tầng đầu tiên được hưởng lợi từ 4 lớp, một trong số đó được gọi là Lớp lớn. Chúng tôi đã tìm thấy lớp này ở Cẩm Phả với độ dày nhiên liệu hữu ích là 150 m.
Một tuyến đường sắt dài 13 km đã được thiết lập để vận chuyển than về Hòn Gai. Một số hầm mỏ khác như Ngã Hai và Mông Dương, sản phẩm sàng lọc tại chỗ được trực tiếp chuyển tới khách hàng hoặc đưa tới lưu giữ ở ngay cảng Hòn Gai, với trang thiết bị hoàn hảo.
Vận chuyển than đá ở Hòn Gai, nguồn: TTLTQGI
Vùng mỏ Kế Bào được cấp phép khai thác vào năm 1888, cho sản lượng than gầy dồi dào. Mỏ Đông Triều, nằm trên hai dãy núi cao cùng tên và ngăn cách với lưu vực sông Kỳ, chứa nhiều lớp than antraxit. Chính tại mỏ Phấn Mễ, được biết đến từ năm 1910, người ta đã tìm thấy than bitum, trong khi than á bitum được khai thác tại Phủ Nho Quan và Chi Nê.
Ở Bắc Kỳ còn có nhiều mỏ than nâu nhỏ thuộc kỷ thứ ba. Những bãi khai thác chính như Đồng Giao, Tuyên Quang, Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng và Đông Hồ mới được cấp phép từ cuối năm 1920 có trữ lượng vô cùng dồi dào.
Tổng sản lượng than đá tại Đông Dương tăng từ 700.000 tấn vào năm 1920 lên tới 1.363.000 tấn vào năm 1925 trước khi giảm 73.000 tấn vào năm 1926. Tuy nhiên, trong năm 1926, doanh số bán than và xuất khẩu tăng mạnh, từ 668.100 tấn vào năm 1925 lên tới 857.000 tấn vào năm 1926. Chỉ trong năm 1925, lượng than đá khai thác vượt 180.000 tấn.
Than gầy - Vùng mỏ than vịnh Hạ Long, từ Kế Bào đến cảng Courbet, với hai mỏ, (hai mỏ còn lại đang tạm dừng khai thác) cho sản lượng 887.781 tấn, trị giá 115.670.000 phơ răng.
Vùng mỏ than Đông Triều, tính từ cảng Courbet đến Đông Triều, khai thác từ vô số mỏ của mình 358.851 tấn, trị giá 38.162.000 phơ răng, cộng thêm 280.000 tấn của mỏ than Nông Sơn (Trung Kỳ).
Như vậy tổng sản lượng than gầy là 1.246.632 tấn, trị giá 153.832.000 phơ răng.
Than bitum và than á bitum - Các mỏ Phấn Mễ, Chi Nê và Phủ Nho Quan cung cấp 38.029 tấn nhiên liệu, trị giá 6.674.000 phơ răng.
Than nâu - Các khu khai thác Cao Bằng, Tuyên Quang, Đông Hồ, Đồng Giao cho sản lượng 5.598 tấn, trị giá 827.000 phơ răng.
Trong tổng số này, tính đến năm 1926, 710.193 tấn than gầy đã được xuất khẩu trực tiếp sang nước ngoài, với trị giá 78.760.000 phơ răng.
Xưởng luyện kim Tà Sa, Tĩnh Túc, Cao Bằng của Công ty Thiếc và Volfram Bắc Kỳ, nguồn: TTLTQGI
Như chúng ta thấy, Đông Dương là xứ xuất khẩu khoáng sản cũng như than đóng bánh lớn. Các nước nhập khẩu chính là Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Xiêm La, Singapore, Đông Ấn Anh, Quảng Châu Loan, Pháp, Bỉ và các thuộc địa của Pháp.
Nếu so sánh kim ngạch xuất khẩu của quý 1 năm 1927 với cùng kỳ năm trước, có thể thấy mức giảm mà chúng tôi đề cập trên đây chỉ là tạm thời. Trên thực tế, lượng than thô xuất khẩu được ghi nhận trong quý 1 năm 1927 là 207.532 tấn so với 171.109 vào năm 1926 và than đóng bánh đánh dấu sự phục hồi tốt với 11.728 tấn thay vì 8.693 tấn.
Đối với sản lượng dư thừa, năm 1926, chỉ riêng Bắc Kỳ đã tiêu thụ tới 400.000 tấn nhiên liệu để phục vụ các phương tiện vận tải đường biển và đường sông, đường sắt, các ngành kỹ nghệ.v.v..
Những kết quả tuyệt vời này là nguồn động viên quý báu đối với các công ty nhượng quyền. Ở khắp mọi nơi, họ tích cực cải tiến trang thiết bị, tăng vốn và thăm dò những mỏ quặng mới.
Ngoài ra, họ còn tiến hành cải tiến phương pháp khai thác, thiết lập các cơ sở ở bên ngoài và không ngừng mở rộng hệ thống đường sá, bằng cách kéo dài tuyến đường sắt, hoặc hiện đại hóa các bến cảng. Như chúng ta thấy trong bài viết này, cơ hội đang rộng mở.
Những điều kiện thuận lợi trong việc khai thác đã tạo điều kiện cho phần lớn các mỏ Đông Dương, cuộc cạnh tranh với các đối thủ cũng trở nên dễ dàng hơn, đảm bảo cho thuộc địa châu Á to lớn này vai trò vượt trội trên các thị trường công nghiệp.
(Cắt từ báo Le Petit Niçois, 07/3/1928, hồ sơ 5134, phông Phủ Toàn quyền Đông Dương, bảo quản tại TTLTQGI).