Theo dữ liệu của TradingEconomics và Oilprice, giá dầu thô thế giới lại trượt dốc không phanh, loại dầu thô WTI giao ngay tại thị trường Mỹ ở mức 66,96 USD/thùng, giảm hơn 1,7 USD/thùng, giảm hơn 2,58% theo ngày. Tương tự, giá dầu Brent giao dịch quanh mức 71 USD/thùng, giảm 1,5 USD/thùng, giảm hơn 2%.
Như vậy, đây là phiên thứ 5 kể từ ngày 11/11 đến nay giá giao dịch dầu WTI suy giảm. Điều này phản ánh thực tế sau bầu cử Mỹ giá dầu thô chịu tác động mạnh từ chính sách của chính quyền Mỹ đối với nhu cầu dầu thô.
Cụ thể, giá dầu thô giảm do giá đồng USD tăng nhẹ, khiến các mặt hàng được tính bằng USD như dầu trở nên đắt hơn đối với người nắm giữ các loại tiền tệ khác và có xu hướng gây sức ép lên giá.
Nhu cầu dầu thô tại Mỹ và Trung Quốc suy giảm, trong khi OPEC dự kiến tăng sản lượng khai thác 1,4 triệu thùng/ngày trong năm sau. Điều này khiến giá dầu thô tương lai giảm khá mạnh.
Trước đó, ngày 9/11, giá dầu thô các loại giao dịch tại chốt phiên tuần trước suy giảm rất mạnh gần 2 USD/thùng. Sự thay đổi của thị trường dầu thô thế giới cho thấy những phản ứng ban đầu của các nhà đầu tư trước các chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump được cho sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung thế giới khi các công ty khoan dầu cắt giảm sản lượng.
Bên cạnh đó, giá dầu thô suy giảm do đồng USD mạnh hơn sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, nhiều chuyên gia dự đoán ông Trump sẽ có nhiều chính sách mạnh về thắt chặt nhập cư bất hợp pháp từ Mexico, chống gian lận thương mại, giảm thâm hụt với các đối tác nhập khẩu vào Mỹ… Điều này khiến cho đồng USD tăng giá mạnh từ sau bầu cử Mỹ, khiến giá dầu thô trên thị trường trở nên thất thường trong mấy ngày gần đây.
Theo thông tin mới nhất, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã cắt giảm dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm nay và hạ luôn dự báo cho năm tới, khiến thị trường dầu thế giới lặng sóng.
Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới từ ngày 31/10/2024 - 06/11/2024 chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: xung đột tại khu vực Trung Đông, OPEC+ hoãn kế hoạch tăng sản lượng khai thác dầu, xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina vẫn tiếp diễn,… Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua có diễn biến tăng, giảm tùy từng mặt hàng.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 31/10/2024 và kỳ điều hành ngày 07/11/2024 là: 79,970 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 2,064 USD/thùng, tương đương tăng 2,65%); 85,500 USD/thùng xăng RON95 (tăng 1,852 USD/thùng, tương đương tăng 2,21%); 90,910 USD/thùng dầu hỏa (tăng 2,664 USD/thùng, tương đương tăng 3,02%); 90,693 USD/thùng dầu điêzen 0,05S (tăng 4,419 USD/thùng, tương đương tăng 5,12%); 464,355 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 2,357 USD/tấn, tương đương giảm 0,51%).
Giá xăng dầu trong nước hôm nay 16/11: Giảm sâu
Ngày 7/11, liên Bộ Công Thương - Bộ Tài chính có quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Theo quyết định này, giá bán lẻ xăng dầu các loại đồng loạt tăng mạnh từ 15 giờ ngày 7/11 và được áp dụng cho đến hết ngày 14/11.
Theo đó, mức giá xăng dầu hiện hành cụ thể:
- Giá xăng E5 RON92 bán lẻ không quá 19.744 đồng/ lít;
- Giá xăng RON 95 III bán lẻ giá hơn 20.854 đồng/ lít.
- Dầu diesel bán lẻ không cao hơn 18.917 đồng/lít;
- Dầu hỏa bán lẻ không cao hơn 19.294 đồng/lít;
- Dầu mazut 180CST 3.5S bán lẻ 16.394 đồng/kg.
Với việc giá dầu thô thế giới giảm mạnh, nằm đáy ở 3 đến 4 phiên liên tiếp tuỳ loại từ đầu tuần cho đến nay, theo dự đoán của giới chuyên gia và doanh nghiệp giá xăng dầu trong nước có thể sẽ giảm trong phiên điều chỉnh định kỳ vào chiều nay 15 giờ ngày 14/11. Mức giảm tương ứng có thể là từ 300 đồng/ lít/kg tuỳ loại nếu không sử dụng các Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.