Dân Việt

Làng nghề gạch, gốm đỏ lâu đời và độc đáo nhất miền Tây đang được đầu tư như thế nào?

Huỳnh Xây 16/11/2024 12:01 GMT+7
Làng nghề gạch, gốm đỏ tại huyện Mang Thít (làng nghề gạch, gốm đỏ lâu đời và độc đáo nhất miền Tây) đang được tỉnh Vĩnh Long nỗ lực đầu tư để trở thành biểu tượng mới trong chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế dịch vụ.

Làng nghề gạch, gốm đỏ tại huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long có tuổi đời trên 100 năm tuổi, được đánh giá là làng nghề gạch, gốm đỏ lâu đời và độc đáo nhất miền Tây.

Làng nghề gạch, gốm đỏ lâu đời và độc đáo nhất miền Tây đang được đầu tư như thế nào? - Ảnh 1.

Làng nghề gạch, gốm đỏ tại huyện Mang Thít (làng nghề gạch, gốm đỏ lâu đời và độc đáo nhất miền Tây). Ảnh: M.T

Trước đây, có những lúc, số lượng lò gạch tăng mạnh lên khoảng 2.280 lò. Còn ngành sản xuất gốm cũng có trên 12.000 lao động tham gia sản xuất, với hàng nghìn mẫu mã, sản phẩm khác nhau, các sản phẩm gốm Vĩnh Long đã có mặt ở khắp các quốc gia trên thế giới…

Với sản lượng sản xuất gần 50 triệu sản phẩm/năm, doanh thu bình quân của các doanh nghiệp ngành gạch gốm ước khoảng 700 tỷ đồng/năm và dần trở thành thế mạnh của tỉnh, nổi tiếng với thương hiệu "Gốm đỏ Vĩnh Long".

Đặc biệt, có thời điểm ngành sản xuất gạch, gốm đỏ chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh Vĩnh Long, đóng góp ngân sách tỉnh khá lớn, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao đời sống người dân tại địa phương.

Làng nghề gạch, gốm đỏ lâu đời và độc đáo nhất miền Tây đang được đầu tư như thế nào? - Ảnh 2.

Phối cảnh làng nghề gạch, gốm đỏ lâu đời và độc đáo nhất miền Tây trong đồ án quy hoạch vừa được UBND tỉnh Vĩnh Long duyệt.

Tuy nhiên, do chi phí sản xuất gia tăng, công nghệ lạc hậu cùng với đó là nhu cầu thị trường giảm nên nghề sản xuất gạch, gốm đỏ ở Vĩnh Long rơi vào suy yếu. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã có hơn 1.250 lò gạch, gốm bị phá dỡ, hiện số lò gạch gốm trên địa bàn tỉnh còn lại khoảng hơn 850 lò.

Trước tình hình trên, tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều hoạt động với hy vọng "hồi sinh" làng nghề gạch, gốm đỏ hơn 100 năm tại huyện Mang Thít.

Gần đây nhất là ngày 15/11 vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng làng nghề gạch, gốm đỏ trở thành biểu tượng mới trong chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế dịch vụ, cụ thể là khu du lịch trọng điểm của tỉnh, định hướng là khu du lịch quốc gia.

Làng nghề gạch, gốm đỏ lâu đời và độc đáo nhất miền Tây đang được đầu tư như thế nào? - Ảnh 3.

Tỉnh Vĩnh Long nỗ lực đầu tư vào làng nghề gạch, gốm đỏ tại huyện Mang Thít.

Theo đồ án quy hoạch được phê duyệt, nơi đây có quy mô 3.060 ha thuộc địa bàn các xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh (huyện Mang Thít) và được chia thành 9 phân khu.

Trong đó, trọng tâm là khu nông nghiệp sinh thái gắn với khu lò gạch, gốm đỏ với quy mô hơn 1.000 ha. Còn lại là các phân khu phát triển dịch vụ - du lịch, nghỉ dưỡng, khu dân cư đô thị, nông thôn với diện tích hơn 2.000 ha.

Hiện tổng dân số khu vực lập quy hoạch khoảng 20.000 người, dự kiến đến năm 2030 là 34.200 người. Trong đó, dân sở tại khoảng 23.000 người, còn lại là lao động, du khách. Đến năm 2045, nơi đây có gần 62.000 người, trong đó gần 50% là du khách, lao động.

Tỉnh Vĩnh Long cũng đang kêu gọi khoảng 3.500 tỷ đồng vốn xã hội hóa đầu tư vào làng nghề gạch, gốm đỏ lâu đời và độc đáo nhất miền Tây.

Tối nay 16/11, tại huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long sẽ tổ chức lễ khai mạc "Festival Gạch, gốm đỏ - Kinh tế xanh" với quy mô cấp khu vực ĐBSCL.

Sự kiện tạo điều kiện để tỉnh Vĩnh Long xúc tiến, quảng bá những tiềm năng, lợi thế, khai thác du lịch làng nghề sản xuất gạch, gốm đỏ Mang Thít. Đồng thời kỳ vọng sẽ hun đúc, khơi gợi thêm tình yêu làng nghề truyền thống, tin tưởng, khát vọng giữ nghề, làm giàu bền vững từ làng nghề của cộng đồng địa phương, của các doanh nghiệp trong ngoài tỉnh.

Festival Gạch, gốm đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long có các hoạt động chính như: hội chợ, triển lãm công thương, nông nghiệp, du lịch với quy mô 700-800 gian hàng; các hoạt động hội nghị, hội thảo, hội thi của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, văn hoá, thể thao và du lịch, liên quan đến kinh tế xanh và phát triển bền vững; không gian trưng bày, không gian trải nghiệm tìm hiểu làng nghề sản xuất gạch, gốm; tổ chức công diễn và xác lập kỷ lục Việt Nam 102 món ăn từ tàu hũ ky và dùng kèm tàu hũ ky đầu tiên tại Việt Nam.