Cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Lima, Peru ngày 15/11 là cuộc gặp trực tiếp 3 bên lần đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Biden, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba, người nhậm chức vào tháng 10.
Ông Biden đã cảnh báo về một kỷ nguyên biến động chính trị sắp tới: "Chúng ta hiện đã đến thời điểm có sự thay đổi chính trị quan trọng".
Ông cho biết đây có thể là cuộc họp cuối cùng của ông với nhóm ba bên mà ông đã xây dựng trong năm qua, nhưng ông nói thêm rằng quan hệ đối tác này "được xây dựng để lâu dài. Đó là hy vọng và kỳ vọng của tôi".
"Tôi thực sự tin rằng sự hợp tác của các quốc gia chúng ta sẽ là nền tảng cho hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong nhiều năm tới" - ông Biden phát biểu khi cuộc họp ba bên bắt đầu.
Ba quốc gia cũng cam kết thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác với Philippines trên nhiều lĩnh vực quan trọng bao gồm cảng, năng lượng và giao thông vận tải, theo tuyên bố chung được công bố sau cuộc họp.
Sau cuộc họp, ba nước đã công bố thành lập Ban thư ký ba bên được thiết kế để chính thức hóa mối quan hệ tay ba mới được ra mắt năm ngoái tại hội nghị thượng đỉnh ở Trại David.
Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan phát biểu với các phóng viên đi cùng Biden hôm thứ Năm: "Chúng tôi sẽ tập trung vào việc đảm bảo rằng chúng tôi đã thể chế hóa quan hệ ba bên để nó sẽ trở thành một đặc điểm lâu dài trong chính sách của Mỹ".
Sullivan cho biết ông cũng kỳ vọng dự luật này sẽ tồn tại qua nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.
"Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng điều này sẽ tiếp tục dưới chính quyền tiếp theo - mặc dù tất nhiên, họ sẽ đưa ra quyết định của riêng mình", ông nói.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh chương trình nghị sự "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump đe dọa phá vỡ các liên minh của Mỹ như đã từng xảy ra trong nhiệm kỳ đầu tiên ông nắm quyền.
Cam kết của Trump đối với công việc ba bên là một câu hỏi mở trong khu vực do cách tiếp cận "Nước Mỹ trên hết", cũng như do nghi ngờ về sự hỗ trợ tài chính và quân sự của Mỹ cho các đồng minh truyền thống và động thái ngoại giao của riêng ông đối với Triều Tiên trong nhiệm kỳ bốn năm đầu tiên.
Việc Triều Tiên triển khai quân đến Nga để hỗ trợ cuộc chiến của Nga ở Ukraine, cũng như chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và triển vọng mờ nhạt về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ với Hàn Quốc đang làm gia tăng căng thẳng ở châu Á.
Quan hệ giữa Mỹ và Bắc Kinh dự kiến sẽ trở nên đối đầu hơn sau lễ nhậm chức của tổng thống đắc cử Donald Trump vào ngày 20/1, với lời hứa tăng thuế quan mạnh có thể làm tê liệt nền kinh tế Trung Quốc.
Việc khiến Hàn Quốc và Nhật Bản hợp tác được coi là một trong những thành tựu ngoại giao của nhiệm kỳ tổng thống bốn năm sắp kết thúc của ông Biden. Hai nước có lịch sử lâu dài về sự cay đắng lẫn nhau bắt nguồn từ chế độ thực dân khắc nghiệt của Nhật Bản đối với Triều Tiên trong giai đoạn 1910-1945.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào thứ Sáu, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba và Tổng thống Biden cũng sẽ có cuộc gặp riêng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hội nghị thượng đỉnh APEC.