Trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh, 10 tháng qua, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt với mức tăng hơn 26%. Các hoạt động dịch vụ cũng nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng ổn định, kéo theo doanh thu lưu trú ăn uống, du lịch lữ hành tăng đáng kể.
Quảng Ninh đã đón 16,7 triệu lượt khách từ đầu năm đến nay, trong đó khách quốc tế đạt 3 triệu lượt; tổng doanh thu du lịch hơn 40.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, một số sản phẩm du lịch phục vụ thị trường khách du lịch cao cấp triệu phú, tỷ phú bước đầu triển khai… Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản dần được khôi phục, đặc biệt ưu tiên tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ phục hồi sản xuất bị thiệt hại nặng nề sau bão.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Sau 10 tháng, có đến 21/33 chỉ tiêu theo Kịch bản tăng trưởng mới điều chỉnh là chưa đạt tiến độ đề ra (83%). Thu nội địa không đạt tốc độ thu bình quân, chỉ đạt 78% dự toán. Tỷ lệ giải ngân 10 tháng đầu năm 2024 vốn đầu tư công đến ngày 28/10 mới chỉ đạt 35% kế hoạch giao đầu năm. Thu hút FDI đến nay mới đạt 68,2% kế hoạch năm (kế hoạch năm là 3 tỷ USD), thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách tính mới đạt bằng 31,3% kế hoạch năm (kế hoạch năm là 61.500 nghìn tỷ đồng).
Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 2 con số của năm thứ 10 liên tiếp, Quảng Ninh đã điều chỉnh một số chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý IV và cả năm 2024.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng GRDP của năm 2024 được điều chỉnh giảm 0,86 điểm % xuống còn 10,03%.
Trong đó giá trị tăng thêm các khu vực kinh tế: Khu vực I: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,04%, giảm 4,52 điểm % so với KB 2257; Khu vực II: Công nghiệp - xây dựng tăng 8,73%, tăng 0,13 điểm % so với KB 2257; Khu vực III: Dịch vụ tăng 14,14%, giảm 1,8 điểm % so với KB 2257; Thuế sản phẩm tăng 7,93%, giảm 0,71 điểm % so với KB 2257.
Chỉ tiêu Tổng thu ngân sách nhà nước vẫn giữ nguyên và đạt 55.600 tỷ đồng. Nhưng trong đó, tỉnh điều chỉnh giảm thu ngân sách nội địa từ 42.600 tỷ đồng xuống còn 38.600 tỷ đồng; tăng thu xuất nhập khẩu từ 13.000 tỷ đồng lên thành 17.000 tỷ đồng. Tổng khách du lịch ước đạt 19 triệu lượt khách, và nâng tổng thu du lịch từ 39.550 tỷ đồng lên thành 46.460 tỷ đồng…
Để có thể đạt được mục tiêu cả năm như thế, thì áp lực tăng trưởng của quý IV là rất lớn. Theo đó, quý IV, Quảng Ninh phải đạt được tốc độ tăng trưởng GRDP là 15,38%. Trong đó, khu vực II và III sẽ phải gánh đỡ cho khu vực I đã bị thiệt hại nặng do bão số 3.
Cụ thể, Khu vực II: Công nghiệp - xây dựng tăng 16,46%; Khu vực III: Dịch vụ tăng 15,82%; Thuế sản phẩm tăng 16,21%. Còn Khu vực 1 dự kiến không tăng trưởng, tính chung quý IV sẽ giảm (-1,4%).
Thu ngân sách nhà nước trong quý cuối cùng của năm 2024 này phải đạt 15.121 tỷ đồng. Phân bổ cho thu ngân sách nội địa là 12.006 tỷ đồng; thu xuất nhập khẩu đạt 3.115 tỷ đồng.
Tổng lượng khách du lịch đạt 3,36 triệu lượt khách với tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 9.605 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đạt 970 triệu USD. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt 32.907 tỷ đồng.
Trong chỉ đạo điều hành, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh cho biết, UBND tỉnh đã yêu cầu phải tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp sớm hoàn thành đầu tư dự án, bổ sung các sản phẩm mới theo đúng tiến độ. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc hỗ trợ nhà đầu tư sớm đưa vào vận hành nhà Nhà máy ô tô Thành Công trong quý IV/2024; và khởi công nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh trong quý VI/2024.
Cùng với đó, Quảng Ninh tiếp tục đổi mới và tăng cường hoạt động xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư vào KCN, KKT, đảm bảo thu hút thêm được 1,2 tỷ USD trong các tháng còn lại, đảm bảo hoàn thành mục tiêu thút vốn FDI của năm 2024. Trong đó, KCN Sông Khoai thu hút khoảng 315 triệu USD, KCN Bắc Tiền Phong là 127 triệu USD, KCN Texhong Hải Hà là khoảng 440 triệu USD…
Trong lĩnh vực công nghiệp, Sở Công Thương có trách nhiệm hỗ trợ ngành than đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, cấp phép khai thác các mỏ: Đèo Nai - Cọc Sáu, Tân Yên, khai thác xuống sâu mỏ Hà Ráng, Tay Bắc Khe Chàm, Đông Quảng La…
Đối với khu vực dịch vụ, Quảng Ninh đẩy mạnh kích cầu du lịch; hoàn thiện đưa vào khai thác 39/62 sản phẩm du lịch mới. Trong các tháng cuối năm, Quảng Ninh tăng cường công tác quản lý thương mại, đảm bảo các giải pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Rà soát tình hình hoạt động tại các cửa khẩu, lối mở biên giới trên địa bàn tỉnh...
Để tăng tốc du lịch những tháng cuối năm, Quảng Ninh cũng có các sản phẩm du lịch trải nghiệm mới mẻ, phát huy giá trị cảnh quan, phong tục tập quán của các huyện, thị miền Đông của tỉnh; du lịch biên giới ở Móng Cái; nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch quốc tế.
"Dù Quảng Ninh bị thiệt hại lớn do bão số 3, nhưng chúng tôi vẫn tăng cường những giải pháp để đảm bảo thu ngân sách theo chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao. Tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm xác định dựa vào 2 động lực chính là du lịch và công nghiệp chế biến chế tạo. Đảm bảo để vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số, cố gắng phấn đấu năm 2024 từ 10 đến 10,03%", ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh.