Phát biểu tại Chương trình gặp mặt doanh nhân chuyên đề tháng 11, ông Đào Quang Khải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, Bắc Ninh là địa phương có mật độ dân số cao, hạ tầng giao thông thuận lợi cho giao thương hàng hóa. Những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, hệ thống các chợ trên địa bàn tỉnh được đầu tư phát triển khá toàn diện từ tỉnh đến cơ sở, tuy nhiên trong công tác hoàn thiện, khả năng đáp ứng, văn minh thương mại vẫn còn một số bấp cập, tồn tại.
Trên tinh thần đối thoại không có khoảng cách, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải đề nghị các doanh nghiệp tích cực đưa ra giải pháp mới, sáng tạo để cùng chia sẻ cách hiểu, cách làm hay nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác, kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh, mang lại lợi ích cho chính bản thân doanh nghiệp và lợi ích chung của tỉnh.
Đa số chợ có quy mô nhỏ, chưa có chợ đầu mối
Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 106 chợ (bao gồm 1 chợ hạng 1, 12 chợ hạng 2, 93 chợ hạng 3), với chức năng chủ yếu là bán lẻ hàng hóa thiết yếu và thực phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày của nhân dân. Đa số chợ có quy mô nhỏ, chưa có chợ đầu mối thực hiện chức năng bán buôn, thu gom và phát luồng hàng hóa.
Thời gian qua, công tác đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, nhiều chợ được xây mới hoặc nâng cấp, cải tạo, chuyển đổi mô hình hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng thu ngân sách nhà nước như: Chợ Châu Cầu, chợ Trung tâm Phố Mới (Quế Võ), chợ Nam Sơn, chợ Trung tâm thị trấn Gia Bình, chợ Trung tâm thị trấn Thứa, chợ Ngã Tư Dâu (Thuận Thành)….
Tại các chợ sau khi chuyển đổi mô hình quản lý đã dần đi vào nề nếp, tình hình hoạt động của các tiểu thương ổn định, thu hút được lượng người dân thăm quan mua sắm hàng hóa ổn định và tăng theo thời gian. Bên cạnh đó, công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy được quan tâm, cải tiến đáng kể.
Tuy nhiên, phần lớn các chợ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được đầu tư từ nhiều năm trước, trong khi việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp không được thường xuyên, liên tục, cùng với đó là công tác thu hút các nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng hạ tầng các chợ xuống cấp, nhất là các chợ do nhà nước đầu tư, quản lý), tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Có một số chợ công tác cháy chữa cháy không đảm bảo đã phải dừng hoạt động như Chợ Nhớn, chợ Chờ. Điển hình là vụ việc cháy xảy ra tại chợ Đọ, thành phố Bắc Ninh ngày 13/7/2022 đã gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng….
Không chỉ có vậy, một số chợ đã đầu tư xây dựng nhưng không hiệu quả hoặc hiệu quả không cao, ít tiểu thương vào họp trong khi đó tình trạng họp chợ không đúng nơi quy định chưa được giải quyết triệt để, gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường...
Trong số 106 chợ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đang hoạt động có 91 chợ do nhà nước đầu tư, quản lý và 15 chợ do doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, quản lý, khai thác. Như vậy, tính đến thời điểm này, tỉnh Bắc Ninh mới chỉ có 14% số chợ do doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý khai thác chợ.
Tại chương trình gặp mặt, đại diện một số doanh nghiệp, HTX kinh doanh chợ phản ánh, do chi phí đầu tư xây dựng dự án chợ rất lớn, phải huy động nguồn vốn nhiều, trong việc quản lý, khai thác, kinh doanh các công trình chợ, nhất là khu vực nông thôn không mang lại nhiều lợi nhuận, thời gian thu hồi vốn chậm nên khó thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư có năng lực.
Đồng thời, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại một số dự án nói chung còn vướng mắc, kéo dài như chưa thống nhất mức giá đền bù… điều này ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư dự án chợ. Những khó khăn, vướng mắc nêu trên đang là rào cản đối với các nhà đầu tư chợ, kìm hãm sự phát triển hệ thống chợ của tỉnh Bắc Ninh.
Tháo gỡ khó khăn, xây dựng mô hình chợ phù hợp, hiệu quả
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Vương Quốc Tuấn - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị các sở, ban ngành chú trọng vào câu hỏi trọng tâm để hướng dẫn phương án tháo gỡ theo từng phần trách nhiệm của mỗi đơn vị mình.
"Điển hình như mô hình chợ Nhớn truyền thống hiện nay đã phải đóng cửa 2 năm, người dân và tiểu thương buôn bán gặp rất nhiều khó khăn do phải kinh doanh trong khu vực tạm bợ, manh mún không an toàn. Vậy để chuyển đổi phương thức, hoạt động quản lý đầu tư thì Sở Công Thương, UBND TP. Bắc Ninh và các cấp cần tham mưu phương án nào để tháo gỡ trong việc thanh lý tài sản đã hết khấu hao, cấu kiện, cơ sở vật chất không được đảm bảo…" - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nêu vấn đề.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định, hệ thống chợ ở thời điểm hiện nay cũng như về sau có vai trò quan trọng trong đời sống dân sinh, phát triển thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Việc UBND tỉnh Bắc Ninh lựa chọn chủ đề về phát triển và quản lý chợ vì thực tiễn qua quá trình theo dõi, đánh giá, các mô hình hoạt động chợ trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi phải có những hướng dẫn, biện pháp cụ thể trong việc tháo gỡ khó khăn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị, từ nay đến hết ngày 30/12/2024, tất cả các huyện, thị xã, thành phố phải hoàn thành việc xây dựng kế hoạch tổng thể về phát triển, củng cố hệ thống chợ trên địa bàn của địa phương mình, trên cơ sở rà soát tổng thể hiện trạng hệ thống các chợ đang hoạt động, nguồn lực đầu tư. Cùng với kế hoạch chung của địa phương, từng chợ cũng cần có kế hoạch chuyển đổi, thời gian, mô hình hoạt động cho phù hợp, hiệu quả.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh giao Sở Công Thương tiếp thu ý kiến của các đại biểu, chậm nhất đến ngày 25/11/2024 có văn bản trả lời cụ thể; công khai số điện thoại đường dây nóng của Sở Công Thương và đăng tải trả lời ý kiến của doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh và Sở Công thương, gửi cho UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp.
Trước đó, ngày 8/10/2024, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Văn bản số 3823 giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương triển khai thực hiện Nghị định số 60/2024/NĐ-CP ngày 5/6/2024 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ để khắc phục những khó khăn vướng mắc trong quá trình phát triển và quản lý chợ như xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống chợ trên địa bàn đến năm 2030 để xác định mục tiêu, vị trí, thời gian, nguồn vốn đầu tư chợ; giao UBND cấp huyện rà soát hạ tầng chợ, công bố hạng chợ, xây dựng phương án xóa bỏ các điểm kinh doanh tự phát, lấn chiếm hàng lang, lề đường, không đảm bảo về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường…
Bắc Ninh đưa ra nhiều danh mục dự án chợ để thu hút đầu tư
Tại kỳ họp thứ 21- khoá XIX, diễn ra ngày 27/9/2024, HĐND tỉnh Bắc NInh đã thông qua Nghị quyết số 333 phê duyệt danh mục 19 khu đất thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, trong đó có Dự án đầu tư chợ Tẩy huyện Gia Bình.
Tại Quyết định số 423/QĐ-UBND ngày 6/8/2024 của UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã phê duyệt danh mục dự án thu hút đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2024, định hướng năm 2030 gồm 167 dự án, trong đó có dự án chợ Khắc Niệm (TP Bắc Ninh) chợ Đầu mối Thuận Thành, chợ tại xã Việt Đoàn (Tiên Du), chợ tại xã Đức Long (Quế Võ), Chợ tại xã Thái Bảo (Gia Bình)...