Tiếp tục loạt bài "Đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của Quốc hội, yếu tố then chốt tháo gỡ điểm nghẽn trong kỷ nguyên mới", chúng tôi nêu vấn đề tăng số lượng đại biểu chuyên trách, tăng chất lượng hoạt động của Quốc hội trước những yêu cầu, công việc ngày càng lớn của Quốc hội. Trao đổi với Báo Dân Việt nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan điểm xung quanh vấn đề này.
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng: Vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra thông điệp về tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, đây là một vấn đề lớn của đất nước cần phải được giải quyết nhanh chóng trong thời gian tới.
Theo Đại biểu Hạ, thông điệp mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu không chỉ là đường lối, chủ trương lớn của Đảng mà nó còn như lời hiệu triệu, lời kêu gọi. Hơn cả, đó là sự cam kết của Đảng trước cử tri và nhân dân sẽ quyết tâm thực hiện bằng được những mục tiêu phát triển, đó chính những hành trang để chúng ta vững bước, tự tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Vẫn theo Đại biểu Hạ, hiện nay chúng ta chỉ ra rất nhiều điểm nghẽn, trong đó điểm nghẽn thể chế là điểm nghẽn của tất cả điểm nghẽn, vậy thì lực lượng đại biểu Quốc hội, trong đó có đại biểu Quốc hội chuyên trách phải là những người tiên phong tháo gỡ những điểm nghẽn đó, vững tin để chúng ta có hành trang bước vào một kỷ nguyên mới đầy tự tin và thực sự hứa hẹn nhiều thành công.
Về việc tăng đại biểu chuyên trách, nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội thì con người là khâu quan trọng nhất để đổi mới hoạt động của Quốc hội. Những năm qua và những nhiệm kỳ gần đây, chúng ta đổi mới quyết liệt về con người, quyết liệt trong tăng biên chế cho đội ngũ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
Trên thực tế, từ khi chế định đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội năm 1992 đến nay, qua 7 nhiệm kỳ, số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách không ngừng tăng cả về số lượng và chất lượng.
Quốc hội khóa XI có 121 đại biểu chuyên trách (chiếm gần 25% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội khóa XII có 145 đại biểu chuyên trách (chiếm 29,41%), Quốc hội khóa XIII có 154 đại biểu chuyên trách (chiếm 30,8%), Quốc hội khóa XIV có 167 đại biểu chuyên trách (chiếm 33,80%), đến Quốc hội khóa XV đã có 192 đại biểu chuyên trách (chiếm 38,6%).
Theo Đại biểu Hạ, chúng ta đã tăng cường về mặt số lượng, sẽ có lực lượng tập trung vào khối chuyên trách của cơ quan lập pháp gồm có xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia.
Chuyên trách có nghĩa là dành trọn 100% thời gian cho hoạt động Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội chuyên trách được lựa chọn rất kỹ, là những người đã được đào tạo bài bản, có chuyên môn, được kinh qua nhiều vị trí công tác khác nhau, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú ở nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh…
Đại biểu Quốc hội bây giờ cũng được đi học hỏi kinh nghiệm ở quốc tế, giao lưu, mở rộng giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với các tổ chức quốc tế, với đại biểu nghị viện ở các nước để làm tăng thêm nhận thức, kỹ năng, hiểu biết của mình trong quá trình xây dựng pháp luật.
"Con người đóng vai trò trung tâm của mọi vấn đề. Muốn có một Quốc hội đổi mới, mạnh, trước hết đại biểu Quốc hội phải đổi mới mạnh mẽ thì các cơ quan của Quốc hội và hoạt động của Quốc hội mới đổi mới, mới mạnh lên được", Đại biểu Hạ nói.
Theo ông Hạ, hoạt động của Quốc hội qua các thời kỳ đã đổi mới rất nhiều, vai trò và vị trí của đại biểu Quốc hội cũng ngày càng được nâng lên, hoạt động của Quốc hội cũng ngày càng đi vào thực chất hơn.
Trước đây chỉ có truyền hình trực, phát thanh trực tiếp khi Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội và chất vấn. Nhưng hiện nay, hầu hết các phiên họp của Quốc hội, đặc biệt là những nội dung luật có liên quan đến đời sống dân sinh đã được truyền hình trực tiếp rộng rãi, thường xuyên để người dân theo dõi. Việc các đại biểu Quốc hội tranh luận, phản biện, góp ý trên nghị trường cũng rất sôi nổi, thẳng thắn.
Điều đó càng khẳng định hoạt động của Quốc hội ngày càng hiệu quả, thiết thực, chất lượng cho nên người dân bắt đã chú ý hơn , thậm chí theo dõi rất sát đến những phiên họp của Quốc hội, những vấn đề mà Quốc hội đang bàn thảo.
"Ở nhiệm kỳ này, các cơ quan của Quốc hội có một khối lượng công việc khổng lồ để tháo gỡ tắc nghẽn về pháp luật và thể chế. Chúng ta làm rất quyết liệt, số lượng luật, nghị quyết trong một kỳ họp kỷ lục, từ xưa đến nay chưa bao giờ có. Bây giờ còn có một luật sửa nhiều luật, đấy là một sáng kiến trong hoạt động của Quốc hội để kịp thời tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn trong thực tiễn để đồng hành với Chính phủ. Đây là điểm tạo dấu ấn quan trọng trong hoạt động lập pháp.
Tất nhiên, khối lượng nhiều thì làm việc cũng vất vả hơn, chỉ tính hết việc chứ không tính hết giờ. Không khí làm việc trong các cơ quan của Quốc hội, từ cơ quan tham mưu, đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban… rất bận rộn, khẩn trương. Có những thời điểm tại các cơ quan của Quốc hội đèn 2-3 giờ sáng chưa tắt là bình thường, có những phòng sáng đèn cho đến tận sáng ngày hôm sau. Từ nỗ lực như vậy nên hoạt động Quốc hội thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng", Đại biểu Hạ nói.
Theo Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: Việc tăng đại biểu chuyên trách xuất phát từ thực tiễn là hoạt động của Quốc hội ngày càng phải chuyên nghiệp hơn mà lực lượng chuyên nghiệp phải tập trung vào người chuyên trách và tăng số lượng đại biểu này là hợp lý trong bối cảnh chúng ta tăng chất lượng làm các luật.
Đại biểu Nga khẳng định, từ kinh nghiệm một số nước cho thấy các đại biểu chuyên trách của Quốc hội chiếm tỷ lệ nhiều. Đối với nước ta, việc này phải cân đối như thế nào để phù hợp, bởi khi tăng đại biểu chuyên trách ở trung ương cần đảm bảo không ảnh hưởng đến số lượng đại biểu chuyên trách ở địa phương hiện nay.
Bà Nga đề nghị khi tăng đại biểu chuyên trách trung ương cũng cần tăng đại biểu chuyên trách ở địa phương, nhất là các địa phương có dân số đông, địa phương có quy mô kinh tế lớn, có địa bàn đặc biệt quan trọng.
"Đại biểu chuyên trách địa phương có thế mạnh riêng, họ kinh doanh cơ sở, thực tiễn, có đóng góp thiết thực trong công tác lập pháp của Quốc hội", Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.
Tuy nhiên, theo Đại biểu Việt Nga cần phải tránh tăng về cơ học, về số lượng một cách dễ dãi. Và khi tăng ở đại biểu chuyên trách thì cũng cần giảm ở bộ phận khác bởi số lượng Đại biểu Quốc hội có quy định tỷ lệ rõ rồi. Nếu cần giảm, thì giảm ở bộ phận các cơ quan hành pháp tham gia Quốc hội - bởi họ được xem là "hai vai".
Về vấn đề tuổi thọ của Luật, điều được cho là có liên quan đến Đại biểu chuyên trách, Đại biểu Nga cho rằng: Theo thống kê tuổi thọ luật của Việt Nam trung bình là 10 năm, không loại trừ cá biệt có luật chỉ vài năm, sau đó đã phải sửa 1 số điều.
"Có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. Khách quan thì cuộc sống luôn biến đổi, có những thứ hôm nay ta xây dựng luật mà chưa lường trước được. Nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan thể hiện rõ đó là chất lượng xây dựng luật chưa cao ở tất cả các khâu. Từ khâu xây dựng dự thảo, thẩm tra thẩm định, tiếp thu giải trình đến khi một bộ luật hoàn chỉnh nhiều khi chất lượng của đạo luật chưa cao", Bà Nga nói và cho rằng khi tăng đại biểu chuyên trách, vấn đề này được khắc phục tối đa, bởi đại biểu chuyên trách là những người toàn tâm, toàn ý, chuyên môn sâu, hiệu quả để xây dựng các chính sách luật tốt hơn.
Cùng quan điểm trên, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng: "Việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách là hết sức cần thiết". Họ là những người thay mặt cử tri, nhân dân, tiếng nói của đại biểu cũng là tiếng nói của những người làm luật, phản ánh thực tế cuộc sống.
"Chính vì vậy, ngoài các lĩnh vực tham gia phân công, phụ trách, đại biểu chuyên trách cần phát huy bản lĩnh, trí tuệ của mình để phản biện các chính sách khác nhau đến Quốc hội", ông Hòa nói.
Đại biểu Hòa cho rằng, muốn tăng số lượng đại biểu chuyên trách thì phải có đại biểu chất lượng, có kinh nghiệm thực tiễn và tinh thần trách nhiệm cao và từ đó mới giúp các luật sâu sắc, tuổi thọ của luật cao.
Các luật sau khi thẩm tra, phải có tinh thần "công tâm vô tư" đảm bảo khách quan, không sợ và không bị áp lực, không được nhận lobby từ tổ chức, cá nhân nào ở các dự án luật đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến. Như vậy, các dự án luật đem ra sửa đổi, bổ sung hoặc làm mới sẽ đảm bảo chất lượng, đi vào thực tiễn cuộc sống, có tuổi thọ lâu dài.
Theo Đại biểu Dương Khắc Mai - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: "Tôi cho rằng cần phải nâng thêm số lượng đại biểu chuyên trách, và phải chú ý đến vai trò của đại biểu Quốc hội chuyên trách bởi vì công tác lập pháp là phải sâu, phải am hiểu".
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, tăng số lượng nhưng phải đi cùng chất lượng, điều này quyết định rất lớn đến chất lượng của luật pháp. "Hiện nay các luật đang sửa đều liên quan đến tất cả các bộ, ngành bởi vì trong luật pháp thì một luật có thể liên quan đến nhiều luật. Vì vậy, đã sửa thì phải đồng bộ, hệ thống pháp luật phải thông suốt thì quá trình thực hiện mới tốt", ông Mai nói.
Theo ông Mai, thời gian qua, Quốc hội cũng đã làm việc liên tục, hoạt động không ngừng nghỉ để hoàn thiện thể chế, phục vụ sự phát triển của đất nước. "Tôi tin tưởng rằng trong thời gian sắp tới, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình", ông nói.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, Đại biểu Trần Văn Lâm (Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cho rằng: Việc xác định đại biểu chuyên trách, kiêm nhiệm có cơ cấu thế nào phù hợp là chưa rõ.
"Đành rằng tăng đại biểu chuyên trách lên, tăng số người chăm lo làm luật, có thể cho rằng như vậy để tăng chất lượng làm luật. Nhưng luật phải phản ánh, giải quyết các vấn đề thực tiễn thì cần phải có những người biết thực tiễn, lăn lộn từ thực tiễn, hiểu ý kiến cử tri để đưa vào Luật. Nếu giảm số lượng đại biểu ở mảng này thì liệu có tốt hay không?", ông Lâm băn khoăn.
Vị Đại biểu này khẳng định, phải xác định tỷ lệ đại biểu chuyên trách và kiêm nhiệm một cách cân đối, để hài hòa cần cân nhắc kỹ lưỡng, làm thận trọng, không thể nóng vội được.
"Giữa những đại biểu chuyên trách như chúng tôi, cơ hội để thâm nhập thực tiễn, hiểu biết công việc cụ thể, chi tiết những lĩnh vực mà luật tác động sẽ bị hạn chế hơn nhiều so với đại biểu là người đã, đang làm trong những lĩnh vực chuyên ngành hoặc thực thi nội dung liên quan. Chắc chắn mình không bằng họ được. Người chuyên làm luật, chưa chắc đã giỏi hơn người thực thi pháp luật được", Đại biểu Lâm bày tỏ.
(Còn nữa)