Đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của Quốc hội, yếu tố then chốt tháo gỡ điểm nghẽn trong kỷ nguyên mới

Nhóm PV Thứ hai, ngày 18/11/2024 06:59 AM (GMT+7)
Vấn đề đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội là vô cùng quan trọng. Là yếu tố then chốt của then chốt để đổi mới hoạt động của Quốc hội.
Bình luận 0

LTS: Có thể thấy trong lịch sử phát triển của Quốc hội Việt Nam, công tác đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội luôn dành được sự quan tâm đặc biệt. Trên cơ sở các Nghị quyết của Đảng, các thế hệ lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội không ngừng chăm lo cho công tác này. Rất nhiều thành quả từ sự đổi mới trong công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đã và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống, thể hiện rõ vai trò, vị trí và tầm vóc là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: "Quốc hội cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động theo tinh thần Nghị quyết 27 ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Bên cạnh yêu cầu đổi mới về công tác lập pháp, làm tốt hơn nữa chức năng giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, thì vấn đề đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội là vô cùng quan trọng. Đây được coi đây là một trong những yếu tố then chốt của then chốt để đổi mới hoạt động của Quốc hội".

Báo Dân Việt xây dựng loạt 3 bài: "Đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của Quốc hội, yếu tố then chốt tháo gỡ điểm nghẽn trong kỷ nguyên mới", để có được bức tranh toàn cảnh về những vấn đề cần giải quyết trong đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội giai đoạn hiện nay; bài học từ quá trình đổi mới; loạt bài cũng đề xuất những giải pháp, sáng kiến từ chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu, nguyên đại biểu Quốc hội, vừa tạo cơ sở khoa học để các cơ quan chức năng tham khảo, vừa tuyên truyền khẳng định tầm vóc của cơ quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bài 1: Quốc hội không ngừng đổi mới vì lợi ích của Nhân dân và những dấu ấn đặc biệt

Kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6/1/1946 đến nay, Quốc hội Việt Nam không ngừng phát triển, hoạt động của Quốc hội không ngừng được đổi mới và đã đạt được những thành tựu quan trọng trong hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần to lớn vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, nâng cao vai trò, vị thế của nước ta trên trường quốc tế, tạo lập được sự tin tưởng và những ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri và nhân dân cả nước.

Vì lợi ích của Nhân dân

Trải qua gần 80 năm, nhân dân ta đã 15 lần cầm lá phiếu trên tay bầu ra 15 khóa Quốc hội thay mặt mình thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, đồng thời quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Không phụ niềm tin yêu và sự ủy thác của cử tri và nhân dân cả nước, thực hiện hiệu quả phương châm "Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân", Quốc hội nước ta khóa sau luôn kế thừa thành quả của khóa trước, không ngừng đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả cả về tổ chức và hoạt động.

Đối mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của Quốc hội, yếu tố then chốt...trong kỷ nguyên mới- Ảnh 1.

Tòa nhà Quốc hội (Hội trường Ba Đình cũ) biểu tượng cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tọa lạc trên đường Độc Lập (Ba Đình, Hà Nội) được xây dựng từ năm 2009 đến năm 20214. Ảnh: Tòa nhà Quốc hội trong những ngày đầu khánh thành vào tháng 10/2014. Ảnh: Thành An.

Mỗi một kỳ họp Quốc hội đi qua, lại có những dấu ấn, những đổi mới được cử tri cả nước ghi nhận. Đó là đổi mới cách thức điều hành, đổi mới phương thức chất vấn, đổi mới nội dung các phiên họp các Ủy ban của Quốc hội, đổi mới về công nghệ thông tin... giúp khoảng cách giữa các đại biểu Quốc hội với cử tri ngày càng gần gũi, thực sự là những đại biểu của dân, do dân và vì dân.

Về công nghệ thông tin, cử tri và nhân nhân khẳng định, công nghệ thông tin giúp ích rất nhiều cho mối quan hệ, sự gần gũi, lắng nghe của đại biểu với cử tri. Đồng thời, giúp cử tri giám sát chính những đại biểu do mình bầu nên. Đơn cử như năm 2019, lần đầu tiên Quốc hội áp dụng công nghệ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) và trí tuệ nhân tạo trong việc điều hành kỳ họp. Theo đó, tại kỳ họp thứ 7, khóa XIV, Quốc hội thí điểm thực hiện, tất cả file âm thanh được chuyển thành chữ chạy trên màn hình của chủ tọa, giúp cho việc điều hành chính xác hơn. Đến kỳ thứ 8 khóa XIV, Quốc hội tiến hành chính thức việc này. Sự đổi mới này là cách để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, xây dựng Quốc hội điện tử.

Đặc biệt, năm 2020, trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, một lần nữa, những dấu ấn của Quốc hội vì dân tiếp tục được thể hiện rất đậm nét. Trong những phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước kỳ họp thứ 9, lãnh đạo Quốc hội nhiều lần lưu ý phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy Nhà nước, ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng không có nghĩa để mọi việc đình trệ. Công việc vẫn phải thực hiện trôi chảy theo kế hoạch, phải thay đổi phương thức làm việc. Nói là làm, Quốc hội đã thực hiện đổi mới bằng việc lần đầu tiên tổ chức họp trực tuyến.

Đối mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của Quốc hội, yếu tố then chốt...trong kỷ nguyên mới- Ảnh 2.

Quang cảnh một kỳ họp Quốc hội. Ảnh Media Quốc hội

Với hình thức họp trực tuyến, đại biểu tại điểm cầu của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện đăng ký phát biểu, tranh luận qua đường dây nóng. Đại biểu tại Hội trường Diên Hồng đăng ký phát biểu và tranh luận như các kỳ họp trước. Danh sách đăng ký phát biểu được kịp thời cập nhật vào hệ thống điều hành của Đoàn Chủ tịch theo thứ tự đăng ký của đại biểu và được thể hiện trên màn hình tại Hội trường Diên Hồng. Các đại biểu Quốc hội sử dụng phần mềm cài đặt trên máy tính bảng để biểu quyết. Kết quả biểu quyết sẽ được hiện trên màn hình ở Hội trường Diên Hồng. Việc cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội vẫn được duy trì và bảo đảm thực hiện thông qua các phần mềm ứng dụng. Có thể nói, hình thức Quốc hội họp trực tuyến thể hiện sự đổi mới, linh hoạt trong hoạt động của Quốc hội, song vẫn bảo đảm duy trì không khí dân chủ, công khai của kỳ họp Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật, nhân dân cả nước vẫn theo dõi, cập nhật một cách chủ động và linh hoạt trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Một dấu ấn rất rõ thể hiện Quốc hội thực sự vì dân khác đó là trong công tác lập pháp. Từ Quốc hội khóa I cho đến nay, Quốc hội đã ban hành 5 bản Hiến pháp Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013, qua đó kế thừa và hoàn thiện Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử.

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển lớn mạnh của đất nước, gần 80 năm qua, nhiều đạo luật quan trọng đã được Quốc hội ban hành góp phần thể chế hóa quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện quản lý xã hội theo hiến pháp và pháp luật. Nếu như 7 khóa Quốc hội đầu tiên (từ năm 1946 đến đầu năm 1987), hơn 40 năm Quốc hội chỉ ban hành được 29 đạo luật, thì Quốc hội Khóa VIII (1987-1992), khóa đầu tiên bước vào công cuộc đổi mới, trong 5 năm Quốc hội đã ban hành tới 31 đạo luật; Khóa IX là 41 luật và bộ luật, Khóa X là 35 đạo luật. Khóa XI, Quốc hội đã xây dựng 84 luật; khóa XII chỉ có 4 năm, Quốc hội cũng đã xây dựng được 67 luật và đến khóa XIII là 89 luật. Khóa XIV, Quốc hội đã ban hành 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật.

Đối mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của Quốc hội, yếu tố then chốt...trong kỷ nguyên mới- Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: "Quốc hội phải kịp thời cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng về đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả".

Khóa XV, từ 2021 đến nay Quốc hội đã thông qua hơn 40 đạo luật và hơn 80 Nghị quyết… Thậm chí, trong khóa XV có những đổi mới không nằm trong quy trình, đó là khi các dự án luật, nghị quyết được Chính phủ, các cơ quan có liên quan trình sang Quốc hội, các lãnh đạo của Quốc hội đã trực tiếp chủ trì các cuộc làm việc để nghe các cơ quan báo cáo, đánh giá bước đầu về dự án luật và những vấn đề lớn, quan trọng, làm cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án luật. Cách làm này tuy không chính thức nằm trong quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng đã mang lại những tác động, hiệu quả rõ nét, giúp nâng cao chất lượng dự án luật ngay từ khâu chuẩn bị, trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, việc đã góp phần nâng cao chất lượng các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.

Đối mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của Quốc hội, yếu tố then chốt...trong kỷ nguyên mới- Ảnh 4.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đánh dấu sự đổi mới rất rõ nét của Quốc hội nước ta bằng việc tổ chức họp trực tuyến trong thời điểm dịch Covid-19. Ảnh: Quốc hội.

PGS.TS Bùi Thị An- ĐBQH khóa XIII nhìn nhận, tốc độ xây dựng luật của Quốc hội trong công cuộc đổi mới tăng nhanh; chất lượng, nội dung được bảo đảm, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, góp phần đắc lực vào việc thực hiện mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh." "Tại mỗi kỳ họp, Quốc hội dành nhiều thời gian để xem xét, thảo luận về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định; tăng cường giám sát chuyên đề, tập trung vào các vấn đề bức xúc của cuộc sống mà cử tri quan tâm; nâng cao hiệu quả chất vấn và trả lời chất vấn, tạo không khí cởi mở, dân chủ trong hoạt động của Quốc hội. Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn cũng đã tạo ra động lực để các bộ trưởng, trưởng ngành đổi mới mạnh mẽ trong công tác chỉ đạo, điều hành", PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

Chất vấn – một hình thức giám sát đặc biệt ngày càng được đổi mới hiệu quả

Trong mỗi kỳ họp của Quốc hội, chất vấn là một hình thức trong hoạt động giám sát và luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri và toàn xã hội. Có thể nhận thấy, ngoài các phiên chất vấn tại mỗi kỳ họp của Quốc hội, việc đổi mới tổ chức các phiên giải trình của các bộ, ngành tại các cơ quan của Quốc hội trong khoảng thời gian giữa hai kỳ họp ngày càng nhiều và hiệu quả, đã giải quyết, tháo gỡ được nhiều khúc mắc trong một số vấn đề nóng, bức xúc của dư luận xã hội.

Việc ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại mỗi kỳ họp của Quốc hội trong thời gian gần đây cũng là một bước đổi mới quan trọng trong hoạt động chất vấn, tăng cường tính pháp lý của hoạt động chất vấn, giúp cho các đại biểu quốc hội có cơ sở pháp lý để giám sát các bộ ngành trong việc thực hiện các chất vấn của mình tại kỳ họp.

Đặc biệt, thời gian gần đây nhiều hoạt động chất vấn chưa từng có trong lịch Quốc hội, kỳ họp thứ 10 khóa XIII (năm 2016) là một phiên chất vấn chưa từng có đã mang đến một màu sắc rất mới trong hoạt động của Quốc hội khi có sự tham gia của tất cả các thành viên Chính phủ và cả Chủ tịch Quốc hội. Hay như tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thực hiện đổi mới trong hoạt động chất vấn. Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ này, Quốc hội không chất vấn theo nhóm vấn đề mà chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội; việc thực hiện lời hứa, cam kết của các Bộ trưởng, trưởng ngành. Đây cũng là lần đầu tiên Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và tất cả các Bộ trưởng, trưởng ngành đều trực tiếp trả lời chất vấn. Trong đó, có những người tuy đảm nhận vị trí chưa lâu nhưng đã nắm rõ lĩnh vực mình phụ trách, đưa ra các câu trả lời ấn tượng và khá thuyết phục.

Đối mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của Quốc hội, yếu tố then chốt...trong kỷ nguyên mới- Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 12/11/2024.

PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo – Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, việc đổi mới trong các thức chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội nước ta thời gian qua thể hiện sự dân chủ và sôi nổi, làm sáng tỏ những vấn đề được chất vấn và xác định rõ trách nhiệm của chức danh bị chất vấn. Khi chúng ta đổi mới hoạt động chất vấn của Quốc hội đã tạo ra được một sinh khí mới, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của Quốc hội.

"Có thể nói, không riêng gì tôi mà tuyệt đại cử tri khi theo dõi các phiên chất vấn và trả lời chất vấn vừa qua rất là phấn khởi, rất tin tưởng, kỳ vọng vào Quốc hội với một cách đổi mới nội dung sinh hoạt Quốc hội rất tích cực như vậy. Đổi mới trong hoạt động chất vấn thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao của người đại biểu của nhân dân, tinh thần trách nhiệm của Quốc hội đối với những vấn đề phát triển của đất nước. Chúng tôi mong rằng, Quốc hội nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của mình, nâng cao tinh thần trọng dân, tin tưởng vào sức mạnh nhân dân và luôn đặt trách nhiệm của người dân lên trên để tiếp tục đổi mới hơn, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Quốc hội hơn nữa nhằm đề ra được những quyết sách thực sự đúng đắn đưa đất nước của chúng ta ngày càng phát triển hơn", PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo nhấn mạnh.

"Một dấu ấn trong hoạt động chất vấn của Quốc hội là ngày càng thể hiện tinh thần dân chủ. Việc này thể hiện qua nội dung tranh luận rất rõ, không chỉ đại biểu tranh luận với các thành viên Chính phủ mà các đại biểu Quốc hội tranh luận với nhau".

PGS.TS Bùi Thi An

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) bày tỏ: Điều đáng mừng là cứ mỗi nhiệm kỳ Quốc hội đều có sự đổi mới, đặc biệt đổi mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. "Ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, ĐBQH chất vấn không quá 2 phút và người trả lời không quá 5 phút; từ kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, câu hỏi chất vấn không quá 1 phút và câu trả lời không quá 3 phút. Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, phiên chất vấn tiếp tục tiến hành theo cách thức "hỏi nhanh, đáp gọn", trong đó mỗi đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá 1 phút, chỉ tập trung vào 1 đến 2 vấn đề tâm đắc nhất, người trả lời không quá 3 phút. Đây là sự đổi mới rất mạnh mẽ, việc rút ngắn thời gian đặt câu hỏi và câu trả lời sẽ giúp cho nhiều ĐBQH được chất vấn hơn và người trả lời chất vấn có cơ hội nói được nhiều nội dung hơn, đặc biệt những vấn đề nóng đang được dư luận xã hội quan tâm", ông Lê Như Tiến nói và cho rằng, việc thay đổi thời gian chất vấn này giúp cho các ĐBQH rèn kỹ năng hỏi nhanh, hỏi trúng để thích nghi với sự đổi mới.

PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh thêm, một dấu ấn trong chất vấn và trả lời chất vấn, đó là Quốc hội ngày càng thể hiện tinh thần dân chủ. Việc này thể hiện qua nội dung tranh luận rất rõ, không chỉ đại biểu tranh luận với các thành viên Chính phủ mà các đại biểu Quốc hội tranh luận với nhau. Tranh luận để tìm tiếng nói chung, tìm ra quyết sách đúng để đưa đất nước phát triển. "Không khí sôi động của phiên chất vấn tại Quốc hội giúp cho cử tri, đồng bào cả nước cũng như các đại biểu Quốc hội thấu hiểu được công việc của Chính phủ những kết quả đã đạt được, những mặt còn tồn tại hạn chế. Để từ đó Chính phủ cũng có thể tiếp thu, rút kinh nghiệm và dần hoàn thành các công việc…".

Đối mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của Quốc hội, yếu tố then chốt...trong kỷ nguyên mới- Ảnh 6.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ tám, Quốc hội khóa XV. Ảnh Media Quốc hội

Tổ chức kỳ họp bất thường giải quyết những vấn nóng từ thực tiễn

Bên cạnh việc biến những điều vốn bất thường trở thành bình thường, có thể nói, các kỳ họp "bất thường" đang trở thành hoạt động "bình thường" của Quốc hội nước ta thời gian vừa qua, thể hiện đúng tinh thần Quốc hội của dân, do dân, vì dân, cũng như thông điệp về một Quốc hội đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích của nhân dân.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã có đổi mới mang tính đột phá, đó là việc tổ chức kỳ họp bất thường để giải quyết những vấn đề lớn, cấp bách, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đưa ra những chính sách phù hợp với tình hình của đất nước, tạo đà cho sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo đời sống dân sinh. Sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội này đã được dư luận và người dân đánh giá cao.

Nhớ lại, ngày 4/1/2022, đã ghi nhận một dấu mốc "lịch sử" chưa từng có trong tiền lệ hơn 75 năm Quốc hội Việt Nam, đó là Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc Kỳ họp bất thường lần đầu tiên (Kỳ họp bất thường lần thứ nhất), và kể từ đó, mới chỉ qua hơn nửa nhiệm kỳ nhưng số lượng kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV đã ngang bằng với số kỳ họp thường lệ…

Kỳ họp bất thường lần đầu tiên này diễn ra trong thời gian gần 5 ngày làm việc, trong bối cảnh thực tiễn đất nước đòi hỏi Quốc hội cần phải xem xét, quyết đáp ngay một số vấn đề quan trọng để giải quyết kịp thời những yêu cầu cấp thiết của cuộc sống, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần thúc đẩy, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và phòng, chống dịch Covid-19.

Việc triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ nhất khi đó đã được coi là quyết định lịch sử của Quốc hội Việt Nam trong gần 80 năm qua; khẳng định bản lĩnh, quyết tâm chính trị của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội; khẳng định Quốc hội luôn nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích nhân dân.

Tại Kỳ họp bất thường lần đầu tiên này, Quốc hội cũng đã tháo gỡ những vướng mắc trong đầu tư kinh doanh khi quyết định thông qua dự án một luật sửa 9 luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, gồm: Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Đối mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của Quốc hội, yếu tố then chốt...trong kỷ nguyên mới- Ảnh 7.

Ông Nguyễn Túc: "Quốc hội tổ chức các kỳ họp bất thường như một minh chứng rõ nét cho sự phối hợp, sát cánh của Quốc hội cùng Chính phủ".

"Thực tiễn đã chứng minh rằng, những quyết sách kịp thời, đúng và trúng được thông qua tại phiên họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội đã góp phần quan trọng để biến "nguy" thành "cơ", đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức do hai năm cả nước dốc toàn lực phòng, chống dịch Covid-19, đưa đất nước tiếp tục phát triển và đạt được những kết quả rất đáng tự hào trong năm 2022, làm tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong cả nhiệm kỳ và những năm tiếp theo. Trong đó, điểm nhấn chính là việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng, tương ứng với hơn 8% GDP để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đưa tăng trưởng GDP năm 2022 tăng 8,02% - lập kỷ lục trong hơn 10 năm qua, thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới", PGS.TS Bùi Thị An nhìn nhận.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, việc Quốc hội quyết định tiến hành các kỳ họp bất thường này là rất quan trọng, bởi vì rằng mọi phản ứng chính sách đều có thể trở nên quá chậm trễ nếu chúng chỉ có thể được xem xét, thông qua tại các kỳ họp thường niên vào tháng 5 và tháng 10 hàng năm. Trong lúc đó, cho dù tình hình cấp bách đến đâu, thì nhiều giải pháp do Chính phủ hoạch định vẫn chỉ có thể trở thành chính sách, pháp luật sau khi được Quốc hội thông qua. Quốc hội không họp, thì Chính phủ buộc lòng sẽ phải chờ. Quốc hội tổ chức các kỳ họp bất thường như một minh chứng rõ nét cho sự phối hợp, sát cánh của Quốc hội cùng Chính phủ. Từ thành công của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, đúng một năm sau, ngay những ngày đầu năm mới 2023, dù sát dịp Tết cổ truyền của dân tộc, Quốc hội đã quyết định tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ hai, rồi chúng ta có lần thứ ba, lần thứ tư… đến nay Quốc hội khóa XV của nước ta đã tổ chức kỳ họp bất thường đến lần thứ tám (vào tháng 8/2024).

Có thể khẳng định rằng, Quốc hội nước ta đã để lại nhiều dấu ấn trong quyết tâm đổi mới, quyết liệt nhưng linh hoạt trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Tiếp nối truyền thống lịch sử gần 80 năm Tổng tuyển cử đầu tiên, sự quyết tâm này của Quốc hội đã khẳng định, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Quốc hội luôn nỗ lực, trách nhiệm vì lợi ích của cử tri, Nhân dân và đất nước.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem