Dân Việt

Lý do cổ đông nước ngoài liên tục bán cổ phần tại công ty sở hữu thương hiệu taxi Vinasun

Vũ Khoa 19/11/2024 12:29 GMT+7
Kết quả kinh doanh cho thấy doanh thu của Vinasun bắt đầu sụt giảm từ năm 2020 và chưa trở lại được mốc 1.991 tỷ đồng năm 2019 sau 5 năm cố gắng hồi phục. Đây là lý do khiến cổ đông lớn nước ngoài Tael Two Partners Ltd liên tục bán cổ phần và mong muốn đưa về mức 0%.

Trong những năm qua, nhiều yếu tố khách quan như sự cạnh tranh từ các hãng xe dịch vụ công nghệ, giá xăng dầu trồi sụt, và đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến không ít hãng taxi truyền thống rơi vào cảnh nguồn lực suy yếu vì doanh thu bấp bênh.

Có thể kể tới như thương hiệu taxi Vinasun của Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (MCK: VNS), doanh nghiệp chuyên ngành dịch vụ, taxi tại TP.HCM. Nhìn vào giai đoạn 5 năm, dù có nhiều nỗ lực phục hồi nhưng kết quả kinh doanh cho thấy mục tiêu trở lại mốc năm 2019 của VNS còn khá xa.

Nếu như năm 2019, doanh thu của VNS đạt 1.991 tỷ đồng, thì sang năm 2020 sụt giảm xuống còn 1.006 tỷ đồng. Nặng nề nhất vào năm 2021 (thời điểm dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nhất), VNS chỉ đạt doanh thu 484 tỷ đồng. Đến năm 2022, khi dịch Covid-19 được khống chế, 100% xe được đưa vào hoạt động thì doanh thu của Công ty đạt được 1.089 tỷ đồng; và 1.281 tỷ đồng vào năm 2023.

Kinh doanh giảm sút, lợi nhuận của Vinasun được vực dậy nhờ thanh lý tài sản - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh giai đoạn 5 năm của VNS.

Gần đây nhất, VNS chứng kiến việc cổ đông lớn Tael Two Partners Ltd của VNS liên tiếp đăng ký bán cổ phần để đưa tỷ lệ sở hữu về 0% nếu bán thành công. Cụ thể, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 15/11 đến 13/12 là 6,4 triệu cổ phiếu.

Trước đó, từ ngày 30/10 - 8/11, Tael Two Partners Ltd đã bán ra 1 triệu cổ phiếu VNS, giảm sở hữu về 9,49% vốn điều lệ. Quá trình thoái vốn còn diễn ra suốt trong 6 tháng đầu năm 2024.

Được biết Tael Two Partners Ltd đầu tư vào VNS vào năm 2013 sau khi mua 3 triệu cổ phiếu VNS trong đợt phát hành riêng lẻ với giá 45 nghìn đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị 135 tỷ đồng. Sau đó, quỹ tiếp tục mua thêm cổ phiếu VNS để nâng sở hữu lên 12,4 triệu cổ phiếu.

Lý do đưa ra bởi cổ đông ngoại này muốn cơ cấu lại danh mục đầu tư. Tuy nhiên nhiều nhận định cho rằng TAEL Two Partners không tiết tục giữ vốn đầu tư do VNS kinh doanh không hiệu quả.

Cũng có những dự đoán rằng đợt chuyển nhượng cổ phần này sẽ khó suôn sẻ, bởi dù bắt đầu thoái vốn từ tháng 10/2023 nhưng TAEL Two Parners phải đăng ký lại nhiều lần liên tục vì không bán được cổ phiếu. Phải mất nhiều tháng, họ mới có thể giảm tỷ lệ sở hữu về 9,49% như hiện tại.

Ghi nhận tại ngày 19/11, giá cổ phiếu của VNS ở khoảng xấp xỉ 1/4 so với thời điểm TAEL Two Parners mua vào.

Kinh doanh giảm sút, lợi nhuận của Vinasun được vực dậy nhờ thanh lý tài sản - Ảnh 2.

Cập nhật giá cổ phiếu của VNS trong ngày 19/11. Ảnh chụp màn hình: vinasun.vn

Nhìn về kết quả kinh doanh của VNS, Quý III/2024, doanh thu của Công ty giảm 21% so với cùng kỳ năm 2023, còn 246,2 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế giảm 36,1%, còn 20,98 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty hoàn thành 70,3% kế hoạch Doanh thu; 74,4% kế hoạch Lợi nhuận năm 2024.

Giải trình về nguyên nhân lợi nhuận sau thuế giảm tại Báo cáo tài chính Quý III năm 2024, VNS cho biết do doanh thu Công ty giảm 21% so với Quý III/2023 còn 246,2 tỷ đồng, bên cạnh đó Công ty vẫn tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ thêm cho tài xế và đối tác.

Tại Báo cáo tài chính Quý III/2024, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của VNS chỉ đạt 7% so với năm trước, tương ứng 1,7 tỷ đồng. Tuy nhiên kết quả kinh doanh của VNS được kéo lại do mức tăng đột biến từ khoản Thu nhập khác, dẫn đến Lợi nhuận khác của Công ty tăng mạnh 236%, từ 8,1 tỷ đồng lên thành 19,2 tỷ đồng.

Theo thuyết minh, các khoản Thu nhập khác của VNS bao gồm 24,9 tỷ đồng mang về từ thanh lý tài sản cố định; 17,8 tỷ đồng thu nhập từ quảng cáo trên taxi. Tổng cộng VNS thu về hơn 44 tỷ đồng từ nguồn này.