Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 36/2024 quy định về tiêu chuẩn, quy trình khám sức khỏe lái xe. Thông tư này sẽ có hiệu lực kể từ 1/1/2025, thay thế cho Thông tư liên tịch số 24/2015 của Bộ Y tế và Bộ GTVT.
Điều khiến nhiều người quan tâm nhất là Thông tư 36 đã bỏ quy định bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn trong hơi thở hoặc trong máu khi khám sức khỏe để cấp đổi giấy phép lái xe. Thông tư 36 cũng nêu rõ "chỉ xét nghiệm nồng độ cồn khi có chỉ định của bác sĩ".
Về điều này, ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, những trường hợp có chỉ định của bác sĩ là khi người dân đến khám sức khỏe để xin cấp đổi giấy phép lái xe mà bác sĩ nghi ngờ là vừa uống rượu xong (mặt đỏ, mùi rượu…). Khi đó, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn hay không tùy từng trường hợp cụ thể.
"Điều này là ít xảy ra, tuy nhiên Thông tư vẫn cần có quy định để phòng ngừa những trường hợp như vậy", ông Dương nói.
Trước đó, chia sẻ với Dân Việt, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa Quốc gia, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phân tích: "Xét nghiệm nồng độ cồn chỉ có "tính sử dụng" trong thời điểm khám sức khỏe. Người dân đi khám sức khỏe để được cấp giấy phép lái xe khi xét nghiệm không có nồng độ cồn nhưng 1 lúc sau ra lái xe, họ làm vài vại bia thì vẫn vi phạm.
Hoặc hôm nay người lái xe họ uống rượu bia nhưng họ không lái xe, ngày mai, ngày kia khi đã "xả" hết bia rượu thì họ lại có thể lái xe, không vi phạm gì và không ảnh hưởng đến khả năng lái xe của người lái xe. Theo tôi bỏ quy định xét nghiệm nồng độ cồn khi đi khám sức khỏe cấp đổi giấy phép lái xe là chính xác".
Theo quy định hiện hành tại Thông tư số 24/2015, một trong những thủ tục bắt buộc khi thực hiện khám cận lâm sàng sức khỏe lái xe là xét nghiệm nồng độ cồn trong hơi thở hoặc trong máu.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra về trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).
Tại kết luận, cơ quan thanh tra nêu rõ theo quy định tại quy trình cấp mới, cấp đổi giấy phép lái xe, thành phần hồ sơ có yêu cầu giấy khám sức khỏe của người lái xe, trong đó có chỉ định "xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở".
Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh kết quả kiểm tra nồng độ cồn chỉ phản ánh tại thời điểm khám sức khỏe, không phải tại thời điểm điều khiển phương tiện của người lái xe. Do vậy, việc quy định xét nghiệm nồng độ cồn tại thời điểm khám sức khỏe của người đề nghị cấp giấy phép lái xe là không cần thiết, làm tăng chi phí cho người dân khi làm thủ tục cấp mới, cấp đổi giấy phép lái xe.
Thanh tra Chính phủ dẫn báo cáo của Cục Đường bộ Việt Nam cho thấy từ tháng 1/2021 đến tháng 1/2023, toàn ngành GTVT cấp hơn 9,9 triệu giấy phép lái xe các loại. Tính đơn giá hơn 35.000 đồng/xét nghiệm, thì chi phí người dân bỏ ra để xét nghiệm nồng độ cồn bất hợp lý khi khám sức khỏe để cấp bằng lái xe khoảng 350 tỷ đồng.
Từ thực tế này, cơ quan thanh tra đề nghị Bộ GTVT phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi mẫu giấy khám sức khỏe của người lái xe tại Thông tư 24 (năm 2015). Trong đó bỏ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở để đơn giản hóa, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho người dân khi thực hiện cấp, cấp đổi giấy phép lái xe.