Thuốc lá điện tử phá hủy cuộc đời của 1 thanh niên thế nào?
Bác sĩ Nguyễn Thành Long, Đơn nguyên Sử dụng chất và Y học Hành vi, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thời gian gần đây Đơn nguyên đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân chịu hậu quả nặng nề của việc dùng thuốc lá điện tử (TLĐT).
Đa số là nam thanh niên trong độ tuổi 20-25 tuổi, đang chịu áp lực nặng nề của việc học hành, công tác. Sự căng thẳng, áp lực của cuộc sống thúc đẩy họ hút TLĐT nhiều hơn, dẫn đến bị ngộ độc, rối loạn tâm thần, hành vi.
Gần nhất là 1 thanh niên 26 tuổi, nhân viên văn phòng, có vợ nhưng đã hút thuốc lá điện tử chứa cần sa đến mức bỏ bê công việc và vợ đang đệ đơn ly hôn.
Bệnh nhân cho biết, bắt đầu hút thuốc lá điếu từ năm cấp 3, khi việc học hành căng thẳng nên bạn bè đã rủ hút thuốc lá để tỉnh táo, tăng hưng phấn. Khi lên đại học, thấy TLĐT có vị thơm ngon, không có mùi hôi, lại giúp sảng khoái nên đã chuyển sang hút TLĐT.
Bệnh nhân ngày càng hút nhiều, cả ngày, cả đêm vào lúc học hành căng thẳng. Năm cuối Đại học, khi chia tay người yêu, bệnh nhân chán nản, lại được bạn bè rủ rê nên đã bỏ thêm cần sa vào vào tinh dầu thuốc lá để hút và thấy hưng phấn hơn. Từ đó "đi lên" con đường hút TLĐT bỏ thêm cần sa, hút liên tục, ngày 20-25 lần.
Cách đây 2 năm, khi đã đi làm, áp lực công việc khiến bệnh nhân thiếu ngủ, buồn chán, không muốn nói chuyện với ai, có lúc cáu gắt, đập phá đồ đạc, mất ngủ kéo dài. Bệnh nhân phải pha thêm nhiều cần sa vào tinh dầu TLĐT để hút mới ngủ được. Mẹ bệnh nhân đã đưa đi khám và điều trị ở Viện Sức khỏe tâm thần và được chẩn đoán rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng các dạng cần sa. Sau khi điều trị bỏ được cần sa nhưng vẫn hút thuốc lá điện tử.
Cách vào viện 5 tháng, bệnh nhân và vợ cãi nhau, vợ bệnh nhân bỏ về nhà ngoại và nộp đơn ly hôn, bệnh nhân cảm thấy buồn chán, không muốn nói chuyện giao tiếp với ai, bệnh nhân đi làm không tập trung làm việc, lo nghĩ nhiều tới chuyện ly hôn.
Bệnh nhân nhìn cuộc sống bi quan, ảm đảm, đêm bệnh nhân ngủ khó vào giấc, thường mất 2-3 tiếng mới ngủ được, ngủ chập chờn, không sâu giấc, đêm ngủ 3-4 tiếng, bệnh nhân ăn uống kém ngon miệng chỉ ăn cho qua bữa, thường xuyên bỏ bữa.
Bệnh nhân dùng lại cần sa, pha vào tinh dầu thuốc lá điện tử để hút, bệnh nhân hút nhiều lên, có khi ngồi hút thuốc cả đêm, rồi ngủ gục trên giường cả sáng bỏ làm. Mẹ bệnh nhân phát hiện con dùng lại cần sa, bắt bệnh nhân bỏ hút nhưng bệnh nhân không nghe, gia đình đưa bệnh nhân vào Viện Sức Khỏe Tâm thần. Bệnh nhân tiếp tục được chẩn đoán bị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng các dạng cần sa.
Một bệnh nhân khác là thiếu niên 14 tuổi nhưng đã có "thâm niên" hút TLĐT 2 năm. 3 tháng trước khi nhập viện, bệnh nhân hút nhiều hơn. Khi bố mẹ phát hiện, cắt tiền tiêu vặt nên không thể mua TLĐT được, bệnh nhân rơi vào khủng hoảng, học tập sa sút, cáu gắt với bố mẹ. Khi vào viện Sức khỏe tâm thần, bệnh nhân rất nhợt nhạt, không muốn giao tiếp.
Thuốc lá điện tử biến ảo, đe dọa sức khỏe
Bác sĩ Vũ Văn Hoài, Đơn nguyên Sử dụng chất và Y học Hành vi, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng ở người trẻ. Lý do chính khiến người dùng sử dụng thuốc lá điện tử là tò mò, hương vị ngon hơn thuốc lá, ý định cai thuốc lá hoặc giảm hút thuốc lá…
BS Hoài lưu ý thêm, trong thuốc lá điện tử có chất lỏng EC chứa nicotine dạng lỏng có nồng độ cao. Việc sử dụng Nicotin nồng độ cao có liên quan đến ngộ độc đe dọa tính mạng và tử vong. Sử dụng nicotine thường dẫn đến các triệu chứng cai sau khi sử dụng, bao gồm nhức đầu, trầm cảm, khó chịu, lo lắng, tăng cảm giác thèm ăn và suy giảm khả năng tập trung.
"Ngoài ra, việc sử dụng thuốc lá điện tử rất dễ nghiện thêm các chất gây nghiện khác ví như cần sa. Hút cần sa bằng thuốc lá điện tử đã trở thành một trong những hình thức tiêu thụ cần sa phổ biến nhất trong giới trẻ. Việc sử dụng thuốc lá điện tử có chứa nicotine làm tăng khả năng sử dụng cần sa gấp 3,5 lần", bác sĩ Hoài nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Hoài, thuốc lá điện tử ngày càng "leo thang" lên các cấp độ mới, từ "Thuốc lá điện tử dùng một lần" lên "Thuốc lá điện tử với hộp chất lỏng được nạp sẵn hoặc nạp lại được (Vape pen)", đến Tanks hoặc Mods có thể sạc lại, được thiết kế để sử dụng nhiều lần và có thiết bị cho phép người dùng để tùy chỉnh nhiệt độ và thành phần dung dịch điện tử.
Và hiện nay "cấp độ" cao nhất là Pod – mod, có thể sạc lại, có thể thay thế chứa nicotine và hương liệu trong đó. Chúng có hình thức bắt mắt, kín đáo có thể sử dụng trong trường học. Loại thuốc lá điện tử "cấp độ" cao này đang thu hút thanh thiếu niên sử dụng.
"Điều nguy hại của thuốc lá điện tử cấp độ cao Pod-mod này là cho phép người hút tự ý "chế" dung dịch để hút, tự ý tăng nồng độ nicotin hay hương liệu mà không hề ý thức được những hóa chất này gây hại cho sức khỏe. Việc hút thuốc "cấp độ" cao sẽ càng làm tăng nguy cơ nghiện thuốc lá điện tử.
Đồng thời, các loại thuốc lá điện tử này cũng rất dễ bị "chế" thêm các loại ma túy mới, cần sa hay muối biển và thanh thiếu niên sẽ đồng thời nghiện cả thuốc lá lẫn chất ma túy", bác sĩ Long nhấn mạnh.
Theo Bộ Y tế, chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi đã gia tăng hơn 2 lần từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023. Theo thống kê, tỷ lệ hút thuốc của nhóm từ 15 - 24 tuổi là 7,3%; từ 25 - 44 tuổi là 3,2%; từ 45 - 64 tuổi là 1,4%.
Khảo sát của Bộ Y tế mới đây cho thấy, tại gần 700 cơ sở y tế, riêng năm 2023 đã có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Các triệu chứng khi nhập viện bao gồm dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp, đột quỵ não. Số ngày điều trị trung bình từ 1-6 ngày; có 5% số bệnh nhân sau điều trị vẫn để lại di chứng...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.