Dân Việt

Nữ hiệu trưởng 7X đầu tiên của Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM với hai nhiệm kỳ liên tiếp: "Nghề giáo là sứ mệnh"

Tào Nga 20/11/2024 07:24 GMT+7
"Là một hiệu trưởng, tôi luôn mong muốn tạo ra một môi trường học tập năng động, sáng tạo, nơi mà các em sinh viên được tự do khám phá và phát triển bản thân", PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM chia sẻ.

Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM: "Ngày 20/11 luôn để lại những ấn tượng sâu sắc"

Chia sẻ cùng PV báo Dân Việt nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 với vai trò là một hiệu trưởng một trường đại học lớn, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết: "Là một nhà giáo, đối với tôi ngày 20/11 luôn là một khoảnh khắc đặc biệt nhất trong một năm. Trong bộn bề của 365 ngày với công việc, có một ngày tạm dừng lại để tri ân nghề, tri ân thầy cô các thế hệ, chia sẻ những tình cảm để có thêm động lực cho hành trình tiếp theo. Với vai trò là một Hiệu trưởng – người lãnh đạo, đây cũng là dịp tôi mong muốn tất cả giảng viên, viên chức – người lao động, những người đã và đang công tác trong ngành giáo dục có nhiều thời gian và điều kiện hơn để tri ân nghề, người dẫn dắt, cùng tham gia các hoạt động gắn kết, cùng chia sẻ niềm vui và tình cảm với nhau".

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan sinh năm 1974, quê ở Cần Đước, Long An. Cô tốt nghiệp Cử nhân ngành Đông phương học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM), Thạc sĩ Nhân học văn hoá - xã hội (ĐH Toronto, Canada) và Tiến sĩ chuyên ngành Dân tộc học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM).

Nữ hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM:  - Ảnh 1.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan là nữ hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM và đây là nhiệm kỳ thứ hai của cô. Ảnh: NVCC

Cô Phương Lan đã có nhiều năm gắn bó với ngôi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM. Từ tháng 10/2002 đến năm 2008, cô là giảng viên Khoa nhân học. Từ năm 2008 đến tháng 1/2013, cô giữ chức Phó Trưởng Khoa Nhân học. Từ tháng 1/2013 đến 5/2018, cô là Phó Hiệu trưởng phụ trách Quản lý khoa học và sau đại học. 

Từ tháng 5/2018 đến nay, cô giữ chức Hiệu trưởng Nhà trường. PGS.TS Ngô Thị Phương Lan là nữ hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM và đây là nhiệm kỳ thứ hai của cô.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan luôn tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học. Cô vừa được xét chọn danh hiệu "Nhà giáo tiêu biểu" năm 2024. Đặc biệt, năm 2024, cô Ngô Thị Phương Lan là ứng viên duy nhất xét chức danh Giáo sư của liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học.

Nữ hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM:  - Ảnh 2.

Nữ hiệu trưởng phát biểu tại hội nghị chuyển giao kết quả đề tài nghiên cứu "Đổi mới công tác chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu trường hợp Đại học Quốc gia TP.HCM". Ảnh: NVCC

Cô Phương Lan chia sẻ, kỷ niệm ngày 20/11 luôn để lại trong cô những ấn tượng sâu sắc về một "ngày trở về" đặc biệt của toàn trường. Hình ảnh các thế hệ giảng viên, sinh viên tề tựu tham dự các buổi họp mặt ở ngôi trường có bề dày lịch sử hơn 65 năm, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đẹp, các gương mặt rạng rỡ, những tiếng cười nói rộn rã vang vọng khắp các lớp học, hòa quyện vào nhau tạo nên một không khí thật ấm áp, thân quen.

Nữ hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM:  - Ảnh 3.

PGS Ngô Phương Lan chuyển giao kết quả nghiên cứu đề tài cho đồng chí Đặng Thùy Khánh Vân, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TP.HCM. Ảnh: NVCC

Nghề giáo không chỉ là một công việc mà còn là một sứ mệnh

Là nữ hiệu trưởng đầu tiên của trường và đến nay đã giữ nhiệm kỳ thứ 2, PGS Phương Lan bày tỏ: "Thật ra, tôi chưa từng nghĩ đến yếu tố giới khi đảm nhiệm vị trí lãnh đạo này. Quan điểm của tôi là Hiệu trưởng thì dù nam hay nữ cũng phải có trách nhiệm và thực hiện các nhiệm vụ như nhau, cũng đều có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn thách thức. Bản thân tôi cũng hay nhận được câu hỏi này, có lẽ xuất phát từ nhiều quan niệm xã hội có sự phân định về phân công xã hội, về vị trí và công việc ngoài xã hội giữa nam và nữ. Tôi may mắn vì được sự ủng hộ, hỗ trợ, chia sẻ và cảm thông của lãnh đạo, đồng nghiệp và gia đình nên tôi có nhiều thuận lợi. Khó khăn thì chỉ là khó khăn chung của một trường công lập trong bối cảnh chuyển đổi nhiều thách thức như hiện nay".

PGS Phương Lan cũng trăn trở, nghề giáo không chỉ là một công việc mà còn là một sứ mệnh. Vì vậy, cô luôn trân trọng những khoảnh khắc được truyền đạt kiến thức, khơi gợi niềm đam mê học hỏi cho các em sinh viên. Tuy nhiên, cô cũng nhận thấy rằng ngành Giáo dục hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức, từ việc áp lực thi cử, hạn chế về nguồn lực đến việc hội nhập với xu hướng giáo dục hiện đại.

Nữ hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM:  - Ảnh 4.

Cô Phương Lan giao lưu, chụp ảnh với sinh viên tại Ngày hội USSH Sharing Day năm 2024. Ảnh: NVCC

"Là một hiệu trưởng, tôi luôn mong muốn tạo ra một môi trường học tập năng động, sáng tạo, nơi mà các em sinh viên được tự do khám phá và phát triển bản thân. Tôi tin rằng, giáo dục không chỉ là việc truyền đạt kiến thức mà còn là việc hình thành nhân cách, rèn luyện kỹ năng sống để các em có thể tự tin bước vào cuộc sống.

Tôi cũng nhận thấy rằng, sự hợp tác giữa nhà trường, gia đình và xã hội là vô cùng quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Chúng ta cần cùng nhau tạo ra một hệ sinh thái giáo dục lành mạnh, nơi mà mỗi cá nhân đều được quan tâm và tạo điều kiện phát triển tối đa. Đồng thời, các thầy cô giáo vẫn còn đang cần nhiều sự quan tâm hơn để thúc đẩy giáo dục phát triển từ đó thúc đẩy chất lượng nguồn nhân lực.

Với sự nỗ lực không ngừng của các nhà giáo, các nhà quản lý giáo dục, và sự ủng hộ của xã hội, tôi tin rằng chúng ta sẽ xây dựng được một nền giáo dục chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của thời đại", PGS Phương Lan nói.

Từng nhận bằng Cử nhân ngành Đông Phương học, Thạc sĩ ngành Nhân học Văn hóa – Xã hội, Tiến sĩ ngành Dân tộc học, PGS Phương Lan cho biết, các ngành học cô được đào tạo cung cấp cho cô một cái nhìn đa dạng và toàn diện về con người và xã hội, một hướng tiếp cận luôn sát với người dân và mang hơi thở của cuộc sống đương hiện. Từ đó giúp cô thấy được sự đa dạng và sinh động của cuộc sống và xã hội. Do vậy, trong các bài giảng, các buổi chia sẻ với sinh viên, cô luôn hướng sinh viên mình đến các chân giá trị để hình thành các phẩm giá của một sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và một sinh viên toàn cầu: nhân văn và tôn trọng sự khác biệt.

Nữ hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM:  - Ảnh 6.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan tham dự và trình bày tại Diễn đàn quốc tế Saemaul 2024 tại Hàn Quốc. Ảnh: NVCC

Bên cạnh công việc, PGS Phương Lan vui vẻ chia sẻ thêm: "Gia đình là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi. Gia đình tôi cũng bình thường như bao gia đình khác, là chỗ dựa vững chắc, luôn chia sẻ đồng hành cùng tôi trong công việc và cuộc sống. Chồng tôi làm quản lý ở một trường nghề, hai con tôi đang là sinh viên đại học tại TP.HCM".