Dân Việt

Từ vụ KATINAT bị "phốt": Chuyên gia nói gì?

Vũ Khoa 20/11/2024 17:01 GMT+7
Bàn về KATINAT, theo vị chuyên gia, nếu sự việc trên bắt nguồn từ cách làm content "bẩn", sự việc đã bị đẩy đi quá đà, trở thành trò lố trong mắt khách hàng.

Như Dân Việt đã đăng tải bài viết "Đu trend “giảm an tây" của người nổi tiếng, KATINAT bị chỉ trích nặng", thông tin về sự việc gây dậy sóng dư luận khi xuất hiện ly nước của thương hiệu KATINAT có nội dung bôi nhọ người khác, thiếu tôn trọng khách hàng. Dù ngay sau đó, Công ty CP Café KATINAT có thông cáo cho rằng xác nhận có sự việc và nguyên nhân bắt nguồn từ trò đùa của một cá nhân, đã được công ty xử lý nhưng thương hiệu này vẫn nhận về nhiều sự chỉ trích.

img

Hình ảnh ly nước có nội dung phản cảm được lan truyền.

Người đứng sau thương hiệu KATINAT là ai?

Công ty CP Café KATINAT thành lập tháng 11/2020, địa chỉ tại phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Thời điểm thành lập, Công ty đăng ký 38 tỷ đồng vốn điều lệ với 3 cổ đông sáng lập gồm bà Trương Nguyễn Thiên Kim, sở hữu 84,2% vốn; các cổ đông Lê Ngọc Khánh và Đinh Việt Hà cùng sở hữu 7.89%. Bên cạnh đó, ông Đinh Việt Hà cũng là người đại diện pháp luật doanh nghiệp với chức danh Chủ tịch HĐQT.

Theo tìm hiểu, bà Trương Nguyễn Thiên Kim là doanh nhân nổi bật trong lĩnh vực tài chính và dịch vụ ăn uống. Hiện, bà giữ nhiều vị trí quan trọng tài một số doanh nghiệp. Ví dụ như vai trò thành viên HĐQT của Công ty CP sữa Quốc tế (IDP); Thành viên HĐQT độc lập của Công ty CP thương mại dịch vụ Bến Thành. Ngoài ra, bà Thiên Kim cũng là Tổng giám đốc của Công ty CP D1 - Concepts; cổ đông chính của Công ty CP Phê La, cùng với nhiều thương hiệu khác.

Một điểm trùng hợp, các thương hiệu có liên quan đến bà Trương Nguyễn Thiên Kim thường xuyên xuất hiện vai trò tương tự như người tạo ra các trend giới trẻ và đứng tâm điểm giữa các dòng dư luận trái chiều.

Mới đây nhất như đã nêu trên, Café KATINAT bị chỉ trích trên mạng xã hội do xuất hiện cốc nước sử dụng danh từ "an tây" khi khách yêu cầu giảm đường, giảm đá. Nhiều người cho rằng cách dùng từ này nhằm ám chỉ đến một người mẫu, diễn viên có liên quan đến vụ tạm giữ để điều tra vì liên quan ma túy. Dù đây là sự việc liên quan đến hình sự, tuy nhiên rất nhiều khách hàng phản ứng tiêu cực và cho rằng nhân viên Café KATINAT sử dụng nội dung này để câu khách, khái niệm hóa "an tây" nên xứng đáng bị tẩy chay.

Trước đó, KATINAT cũng bị lên án do chiến dịch quyên góp nhằm hỗ trợ đồng bào bị miền Bắc bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Bằng cách trích 1.000 đồng từ mỗi ly nước bán ra, chiến dịch này đã gặp phải phản ứng trái chiều từ cộng đồng mạng.

img

Với thương hiệu sữa Kun, Công ty CP sữa Quốc tế (IDP) trước đó phối hợp với Hội Đồng đội trung ương tổ chức Chương trình Tuổi trẻ Việt Nam Rèn đức – Luyện tài, dẫn dắt tương lai.

Kết quả, Công ty cùng Hội đồng đội được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) công nhận Kỷ lục Việt Nam với nội dung: Ngày hội "Tiến bước lên Đoàn" có số lượng trường Trung học cơ sở trên cả nước tham gia đồng diễn bài "Tiến bước dưới cờ Đoàn và Lof Malto - Khi nào mình lớn" cùng lúc đông nhất Việt Nam". Dù đây là thành quả của hàng triệu học sinh ở 10.200 trường tiểu học, trung học cơ sở trên toàn quốc, nhưng Vietkings chỉ cấp chứng nhận cho 2 đơn vị nêu trên.

Mặt khác, trong khuôn khổ Chương trình nêu trên, cuộc thi tinh thần "Nét chữ - Nét người" dành cho thiếu nhi có độ tuổi từ 6 đến 10 cũng được xây dựng. Nội dung gồm viết chữ đẹp và viết về lòng biết ơn, nhưng 4/6 bài thơ trong Danh mục tham khảo có nội dung gắn liền với các nhân vật của thương hiệu sữa Kun như: Chớp Chớp, Tám Tuốt.. nhiều bài thơ được xây dựng trên hình tượng các nhân vật của sữa Kun, qua đó khiến một số phụ huynh cho rằng đây là các bài thơ không nhiều ý nghĩa, hình tượng nhân vật hư cấu nên thiếu ý nghĩa giáo dục hình thành nhân cách.

Tạo ra khủng hoảng là làm tắt, nguy cơ bôi đen thương hiệu

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, Phó giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Life Việt Nam Lưu Thành Công cho rằng, việc các nhãn hàng cố tình tạo ra khủng hoảng là cách làm tắt, nhanh, nhưng rất phiêu lưu và mạo hiểm, tiềm ẩn nguy cơ thương hiệu bị bôi đen. Có thể hiểu, những marketer (người đảm nhiệm công việc nghiên cứu, phân tích thị trường, lên kế hoạch và chiến lược Marketing để quảng bá sản phẩm, dịch vụ - PV) sẽ tạo ra dạng content lấp lửng, ban đầu sẽ dùng phát biểu qua fanpage, pr, social (thậm chí thuê cả KOL, KOC, seeding..) để đẩy lên cao trào, tạo sự lan truyền. Sau đó, khi đo lường đạt độ viral đến mức họ kỳ vọng thì sẽ tung ra cách giải thích, sử dụng các kênh như trên để truyền tải, hay còn hay gọi là pha "quay xe", cú twist..

Theo ông Công, khi đưa ra dự án, đội ngũ marketing của nhãn hàng tính được mức an toàn để không bị mất kiểm soát, từ khủng hoảng giả thành khủng hoảng thật. Bởi không ít ví dụ về việc làm content quá đà, dẫn đến bước phải xử lý khủng hoảng thật.

Bàn về KATINAT, theo vị chuyên gia, nếu sự việc trên bắt nguồn từ cách làm content "bẩn", sự việc đã bị đẩy đi quá đà, trở thành trò "lố" trong mắt khách hàng.

"Ai cũng biết vụ An Tây, nhưng "câu" sự nổi tiếng bằng cách này thực sự rất thiếu tôn trọng người khác, thiếu tôn trọng khách hàng. Tuy vậy, theo thông cáo báo chí đã được KATINAT đưa ra thì đây là sai lầm của một cá nhân, chúng ta cũng nên có góc nhìn công bằng hơn với doanh nghiệp", Phó giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Life Việt Nam chia sẻ.