Dân Việt

Nông dân Đắk Nông chuyển sang trồng tiêu bền vững, giảm sử dụng nước, giảm dùng phân bón hóa học

Nguyễn Thị Khánh 21/11/2024 09:42 GMT+7
Được sự hỗ trợ nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông phối hợp với UBND các huyện tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp canh tác hồ tiêu bền vững giảm phát thải khí nhà kính tại Đắk Nông”.

Diễn đàn là cơ hội để người nông dân tiếp cận chủ trương, chính sách về định hướng phát triển canh tác hồ tiêu bền vững nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm hồ tiêu; các tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng các công nghệ mới trong ngành hàng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Tham gia diễn đàn có hơn 150 đại biểu, trong đó có hơn 100 đại biểu là nông dân, đại diện hợp tác xã, tổ hợp tác đến từ các huyện Đắk Song, Đắk Glong, Tuy Đức, Đắk R lấp, Cư Jút và thành phố Gia Nghĩa.

Nông dân Đắk Nông chuyển mạnh sang canh tác hồ tiêu bền vững, chú trọng giảm nước, giảm phân bón - Ảnh 1.

Ðắk Nông là tỉnh đứng đầu khu vực Tây Nguyên và cả nước về diện tích trồng hồ tiêu, nhưng sản lượng đứng thứ hai cả nước (sau Đắk Lắk). Ảnh: Nguyễn Thị Khánh

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Đặng Bá Đàn, phụ trách Văn phòng Thường trực Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cho biết: "Đắk Nông có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp. 

Diễn đàn hôm nay là cơ hội cho người dân trên địa bàn tỉnh Đắk nông trực tiếp trao đổi, thảo luận với các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp những khó khăn trong quá trình sản xuất canh tác hồ tiêu, nhằm đưa ra các giải pháp phát triển canh tác hồ tiêu bền vững giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến nền nông nghiệp thông minh, xanh bền vững, tăng giá trị sản phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu".

Cây hồ tiêu là cây trồng quan trọng sau cà phê và được xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh. 

Ước tính, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh Ðắk Nông đạt 33.985 ha, sản lượng đạt 70.685 tấn, tăng 28.458 tấn so với năm 2018. Ðắk Nông là địa phương đứng đầu khu vực Tây Nguyên và cả nước về diện tích trồng hồ tiêu, nhưng sản lượng đứng thứ hai cả nước (sau Đắk Lắk). 

Nông dân Đắk Nông chuyển mạnh sang canh tác hồ tiêu bền vững, chú trọng giảm nước, giảm phân bón - Ảnh 2.

Mô hình trồng hồ tiêu theo tiêu chuẩn quốc tế của HTX Bình Minh, xã Ea Pô, huyện Cư Jút (Đắk Nông). Đây là 1 trong 13 HTX đạt chứng nhận Rainforest Alliance tại Việt Nam. Ảnh: Công Nam

Trong những năm gần đây, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác hồ tiêu tại các địa phương trong tỉnh ngày càng được chú trọng. 

Các tiêu chuẩn canh tác hồ tiêu truyền thống hiệu quả kinh tế thấp dần được thay thế bằng giống tiêu chuẩn năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của Đắk Nông như giống tiêu Vĩnh Linh, Lộc Ninh, Ấn Độ, tiêu sẻ, tiêu trâu và tiêu Phú Quốc. Trong đó, giống tiêu Vĩnh Linh và tiêu sẻ được sử dụng phổ biến.

Mặc dù là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Nông nhưng phần lớn người dân vẫn bán hạt tiêu ở dạng thô thông qua các thương lái, đại lý vừa và nhỏ nên giá trị thấp. 

Thực tế đã cho thấy tính cấp thiết phải nghiên cứu, tìm giải pháp nhằm hình thành, phát triển chuỗi hồ tiêu bền vững, nâng cao giá trị ngành hàng hồ tiêu, đồng thời canh tác hồ tiêu bền vững giảm phát thải khí nhà kính tại Đắk Nông trong thời gian tới.

Nông dân Đắk Nông chuyển mạnh sang canh tác hồ tiêu bền vững, chú trọng giảm nước, giảm phân bón - Ảnh 3.

Ban chủ tọa, Ban cố vấn Diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Thị Khánh


Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh: "Diễn đàn về giải pháp canh tác hồ tiêu bền vững giảm phát thải khí nhà kính là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và nông dân gặp gỡ, trao đổi, bàn bạc tìm hướng đi, giúp ngành hàng hồ tiêu Đắk Nông phát triển bền vững theo xu thế chung của toàn cầu và để đưa hồ tiêu trở thành ngành sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu trên thị trường thế giới. 

Với định hướng phát triển vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, Đắk Nông đã xây dựng các nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể". 

Tại Diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp đã trình bày một số tham luận về thực trạng và giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững; Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong canh tác hồ tiêu bền vững giảm phát thải khí nhà kính tại tỉnh Đắk Nông; Một số tiêu chuẩn chứng nhận trong sản xuất hồ tiêu bền vững; Giải pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trên cây hồ tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính…

Theo đó, để thích ứng với biến đổi khí hậu, Đắk Nông đã thực hiện các quy trình kỹ thuật canh tác và phòng ngừa bệnh chết nhanh, chết chậm hại cây tiêu. Đặc biệt, sản xuất hồ tiêu hữu cơ phải tuân thủ Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-2:2017 và các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế như USDA (Mỹ), JAS (Nhật Bản), ACO (Úc) và EU (Châu Âu).

Việc áp dụng các phương pháp canh tác xen canh, trụ sống và đa tầng không chỉ giảm phát thải mà còn hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các biện pháp tưới tiết kiệm đã giúp người trồng tiêu tiết kiệm từ 15-20% nước, tăng năng suất từ 10-15% và giảm 30-40% lượng phân bón, tăng đáng kể lợi nhuận.

Dù sản xuất hữu cơ có thể không đạt năng suất cao như canh tác truyền thống và đòi hỏi thời gian chuyển đổi từ 3-5 năm, nhưng bù lại, cây phát triển bền vững, sức khỏe người trồng được bảo vệ và giá trị sản phẩm cao hơn khoảng 25%.

Được biết, trong số 33.985 ha diện tích trồng tiêu của tỉnh hiện nay, có khoảng 322,8 ha diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP; hữu cơ là 601,7 ha và các tiêu chuẩn khác (FLO, Rainforest…) là 2.219,8 ha. 

Nông dân Đắk Nông chuyển mạnh sang canh tác hồ tiêu bền vững, chú trọng giảm nước, giảm phân bón - Ảnh 4.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn trao đổi về những vướng mắc khi canh tác tiêu. Ảnh: Nguyễn Thị Khánh

Các hộ trồng tiêu trên địa bàn tỉnh cũng kiến nghị với cơ quan chức năng về thực trạng quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giải pháp giúp nông hộ áp dụng biện pháp canh tác giảm phát thải khí nhà kính, cách phòng, trừ bệnh chết nhanh, chết chậm, sử dụng giống tiêu chất lượng…

Diễn đàn đã được các cấp lãnh đạo địa phương và người dân ghi nhận và đánh giá cao, giúp người dân có được thông tin bổ ích áp dụng vào sản xuất, nâng cao nhận thức đầy đủ hơn về canh tác hồ tiêu bền vững giảm phát thải khí nhà kính; áp dụng các giải pháp để nâng cao năng suất, giá trị chất lượng sản phẩm hồ tiêu phù hợp với định hướng và yêu cầu của thị trường tiêu thụ hiện nay.

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 24 cơ sở sản xuất hồ tiêu đạt tiêu chuẩn với diện tích hơn 3.144ha. Hai vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao tại xã Thuận Hà và Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, đạt diện tích 1.549,4 ha đã phát huy hiệu quả nhờ áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ và Rainforest, có chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Hồ tiêu Đắk Song" và chỉ dẫn địa lý "Hồ tiêu Đắk Nông".