Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, với thầy, cô giáo, không chỉ có niềm vui, sự tri ân, mà còn là những chăm sóc âm thầm cho học trò còn nhiều khó khăn như “đổi” hoa lấy sách vở, sữa, thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh...
Cô Trần Thị Minh Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hai Bà Trưng (Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết, đến đầu tháng 11, từ các nguồn vận động, nhà trường đã “lo” được 13 thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng không được miễn, giảm khi đóng bảo hiểm y tế vì gia đình không thuộc đối tượng hộ nghèo hoặc cận nghèo. “Ngay từ đầu năm học 2024 - 2025, giáo viên chủ nhiệm các lớp đã rà soát, thống kê danh sách những học sinh có gia cảnh thực sự khó khăn, không thể tham gia bảo hiểm y tế để nhà trường có hướng hỗ trợ”.
Hằng năm, Trường Tiểu học Hai Bà Trưng đều vận động từ nhiều nguồn để tặng thẻ bảo hiểm y tế cho những học sinh này. Cô Minh Nga cho biết, trước hết, tập thể hội đồng sư phạm nhà trường cùng sẻ chia với học sinh của mình. Sau đó mới kêu gọi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, doanh nghiệp cùng hỗ trợ, chung tay. Từ nhiều nguồn hỗ trợ như vậy, Trường Tiểu học Hai Bà Trưng luôn có 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế.
Thế nhưng, năm học 2023 - 2024, trước tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, số lượng học sinh không thể tham gia bảo hiểm y tế lên đến gần 50 học sinh. “Nhà trường đã gia hạn thời gian nộp tiền mua thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh các khối lớp 2 - 5 vào giữa tháng 12. Thế nhưng nhiều phụ huynh vẫn khất với giáo viên chủ nhiệm dù được nhắc nhở gần đến thời hạn đóng tiền”, cô Nga chia sẻ.
Vì vậy, Trường Tiểu học Hai Bà Trưng đã gửi thư ngỏ, bày tỏ mong muốn quý phụ huynh, cơ quan, doanh nghiệp... thay vì tặng hoa, quà cho nhà trường vào dịp 20/11 như những năm trước thì xin đổi hình thức bằng cách tặng thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh khó khăn. Thư của nhà trường được chuyển rộng rãi đến phụ huynh học sinh của Trường Tiểu học Hai Bà Trưng thông qua kênh giáo viên chủ nhiệm lớp. Chỉ trong ngày đầu tiên sau khi phát Thư ngỏ, nhà trường đã nhận rất nhiều sự ủng hộ của phụ huynh, doanh nghiệp… và quy đổi được gần 15 thẻ.
Năm học 2024 - 2025, Trường Tiểu học Hai Bà Trưng tiếp tục xin “đổi” hoa lấy thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh ngay từ trước lễ khai giảng và kéo dài cho đến dịp 20/11 này. “Đã có tiền lệ từ năm học trước nên chúng tôi nhận được nhiều nguồn hỗ trợ từ thành viên ban đại diện cha mẹ học sinh ở các lớp và đơn vị, doanh nghiệp đối tác”, cô Trần Thị Minh Nga thông tin.
Một năm trước, cũng vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, lá thư ngỏ của thầy Đinh Phú Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Luông (Quận 6, TP Hồ Chí Minh), kêu gọi các nhà hảo tâm và phụ huynh học sinh thay vì tặng hoa, bánh kem cho các thầy cô, hãy tặng thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường, đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng và được đánh giá cao. Ban đầu, nhà trường chỉ xin cấp 89 thẻ bảo hiểm cho 89 học sinh nghèo. Tuy nhiên, trường nhận được 200 thẻ bảo hiểm từ sự ủng hộ của phụ huynh, tổ chức và doanh nghiệp.
Mới đây nhất, thầy Lê Hồng Thái - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Văn Trị (Quận 1, TPHCM) có thư ngỏ với mong muốn nhận tập vở, sữa, trang thiết bị thể dục thể thao để nhà trường khen thưởng cho các em thay vì nhận hoa chúc mừng.
Tháng 11 này, Trường Tiểu học Phan Văn Trị tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh như kể chuyện sách có minh họa, thi đấu thể dục thể thao, vẽ tranh, trang trí nón lá, trang trí heo đất… Các cuộc thi được học sinh, giáo viên và cả phụ huynh tham gia hào hứng, nhiệt tình.
Tuy nhiên, theo thầy Thái, kinh phí của nhà trường chỉ có thể dừng lại ở việc trao giấy khen cho các em. Trong khi đó, hằng năm, cứ đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nhà trường nhận được nhiều lẵng hoa chúc mừng. Số hoa này chỉ dùng vài ngày lại bỏ, rất phí. Do vậy, nhà trường mong muốn “quy đổi” hoa, quà ngày 20/11 thành sữa, tập vở, trang thiết bị thể dục thể thao để nhà trường khen thưởng cho học sinh. Việc quy đổi này vừa mang ý nghĩa giáo dục sự tiết kiệm, vừa động viên học trò, góp phần chung tay xây dựng trường học hạnh phúc.
“Nhà trường mong nhận được sự ủng hộ và chia sẻ của nhà hảo tâm, doanh nghiệp và tổ chức nhằm mang đến những phần quà thiết thực - hỗ trợ trực tiếp cho các em trong việc rèn luyện trí - thể - mỹ; động viên học trò tự tin tham gia vào các sân chơi bổ ích. Mọi đóng góp của quý vị, dù lớn hay nhỏ, đều là nguồn động lực cho chúng tôi và học sinh trong hành trình phát triển tri thức và nhân cách”, trích thư ngỏ của thầy Lê Hồng Thái.
Mang nỗi lo của bậc làm cha mẹ, nhiều thầy, cô giáo dạy học ở những điểm trường vùng sâu, xa cũng đồng thời là người kết nối các nguồn, lo cho học sinh từ tấm áo khoác đến đôi ủng đi mưa, bữa cơm trưa có thịt, thậm chí là dự trữ sẵn mì tôm để các em ăn sáng, đủ sức để học hết buổi. 20 điểm trường lẻ heo hút ở những vùng núi cao gồm Tăk Tố, Răng Chuỗi, Trăng Tà Puồng, Cu Dong, Ho Le, Ông Thương, Ông Thái, Long Riêu… của Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, thầy, cô giáo vẫn tổ chức bữa ăn trưa từ nguồn kinh phí hỗ trợ của CLB Bạn thương nhau (Đà Nẵng).
Những bữa ăn có thịt, có cá vừa góp phần cải thiện tình trạng thể chất, vừa giúp các em có thêm động lực tới trường, bám trụ với con chữ, học hành để có thể thoát nghèo.
Đầu tháng 11, khi Nam Trà My (Quảng Nam) bước vào mùa mưa lạnh, cô Trà Thị Thu - giáo viên đứng điểm ở điểm trường Răng Chuỗi thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập đã kết nối với các nhà hảo tâm để có thêm chăn, gối, xốp trải sàn nhà cho học sinh ngủ trưa.
Chăm chút cho học sinh từ đôi dép, tấm áo đi mưa…, cô Thu cũng nhận lại được từ các em những món quà độc đáo. Những trái cây được hái trên nương, đôi khi có cả rau rừng, hoa rừng mà các em hái được trên đường đến trường, có em còn tặng cô giáo cả giò phong lan. “Cách tặng quà của các em thật đặc biệt, quà được dúi vào tay cô giáo, học sinh chỉ cười cười thay lời chúc. Thế thôi mà giáo viên cảm nhận được sự ấm áp của trò”, cô Thu chia sẻ.
Mô hình Bếp tình thương, Bữa trưa miền núi… ở nhiều điểm trường vùng sâu là nỗ lực và tình yêu của thầy cô dành cho học trò nghèo. Trong các trường học trên cả nước, từ đồng bằng đến vùng núi cao, biên giới đến hải đảo xa xôi, vẫn có nhiều thầy, cô giáo đang “truyền lửa” cho học sinh theo cách riêng. Chính tình yêu nghề đã trở thành động lực mãnh liệt, giúp họ vượt qua những thời khắc nản lòng, khó khăn, thử thách trong cuộc sống để neo lại với nghề.