Dân Việt

Tuyên Quang quyết tâm xây dựng NTM đi vào chiều sâu, bền vững

P.V 26/11/2024 05:21 GMT+7
Năm 2024, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu có thêm 18 xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, trong đó có 11 xã đạt chuẩn NTM, 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Sự hài lòng của người dân là thước đo kết quả xây dựng NTM

Trong quá trình xây dựng NTM, Tuyên Quang luôn xác định người dân là chủ thể hưởng thụ của chương trình, vì vậy những năm qua, các cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã chú trọng phát huy vai trò của người dân trong thực hiện Chương trình đặc biệt trong việc trực tiếp tham gia các công việc cụ thể để hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM.

Tuyên Quang: Quyết tâm xây dựng NTM đi vào chiều sâu, bền vững - Ảnh 1.

Người dân xã Đông Lợi góp công, góp làm đường giao thông nông thôn.

Lấy mức độ hài lòng về xây dựng NTM của nhân dân được xem là thước đo chính xác về kết quả xây dựng NTM của các địa phương. Thông qua việc lấy ý kiến để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, thể hiện được ý chí nguyện vọng và sự tham gia giám sát của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Hoàng Văn Tập, Chủ tịch UBND xã Đông Lợi (Sơn Dương, Tuyên Quang) chia sẻ: Là xã đặc biệt khó khăn, lộ trình xây dựng NTM xã Đông Lợi phải đối mặt với bộ bề khó khăn: dân cư sinh sống không tập trung; trình độ dân trí thiếu đồng đều; tỷ lệ hộ nghèo cao; điều kiện tự nhiên không thuận lợi, đất đai bị chia cắt bởi núi cao, suối sâu, giao thông đi lại khó khăn; thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp nên đời sống của người dân còn thấp... 

Thế nhưng, với quyết tâm chính trị của cấp ủy, chính quyền sở tại, sự đồng thuận trong nhân dân, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM ở xã Đông Lợi đã đạt được nhiều kết quả khởi sắc. Đến nay, xã đã hoàn thành 16/19 tiêu chí NTM. Trong đó nổi bật là tiêu chí giao thông và cơ sở vật chất văn hóa.

Tuyên Quang: Quyết tâm xây dựng NTM đi vào chiều sâu, bền vững - Ảnh 2.

Trường THCS Đông Lợi được xây dựng khang trang.

Điều đáng quý nhất là sự đồng lòng, góp sức của nhân dân, các đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã dần xóa bỏ tư duy trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà mà đã chủ động đóng góp công sức, vật lực đồng lòng xây dựng NTM.

Dẫn chứng về điều này, ông Tập cho biết: Chỉ từ đầu năm 2023 đến nay, nhân dân đã đóng góp hơn 2,4 tỷ đồng, hiến trên 2.000m2 đất để giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho thi công xây dựng tuyến đường bê tông nông thôn dài 1.409m và xây dựng 9/14 nhà văn hóa thôn. Đồng thời, nhân dân cũng đóng góp hàng nghìn ngày công tham gia xây dựng NTM.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Đông Lợi, có được kết quả này là trong quá trình thực hiện xây dựng NTM xã luôn thực hiện xuyên suốt quan điểm, người dân là chủ thể chính, dựa vào nội lực của nhân dân; các hoạt động về phát triển kinh tế - xã hội do người dân bàn bạc dân chủ, công khai, lấy sự hài lòng của người dân để quyết định và tổ chức thực hiện theo phương châm Nhà nước hỗ trợ, "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi".

Một số giải pháp trọng tâm

Ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết: Xác định xây dựng NTM là một quá trình đi lên không ngừng nghỉ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đồng thời luôn kịp thời điều chỉnh để phù hợp với thực tế, không sa vào "bệnh thành tích" lấy hiệu quả thực chất làm mục tiêu số một. Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Tuyên Quang: Quyết tâm xây dựng NTM đi vào chiều sâu, bền vững - Ảnh 3.

Ông Ông Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang (thứ 2 từ phải sang) đánh giá chất lượng sản phẩm OCOP.

Đến hết tháng 9/2024, tiêu chí xây dựng nông thôn mới bình quân toàn tỉnh đạt 16,12 tiêu chí/xã. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024 trên địa bàn tỉnh hơn 3.681 tỷ đồng. .

Mục tiêu đến năm 2025, Tuyên Quang sẽ có 95 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Hàm Yên và huyện Sơn Dương được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Dù đã đạt được kết quả nhất định, nhưng chương trình xây dựng NTM ở Tuyên vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như việc duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí đã đạt chuẩn ở một số xã, đặc biệt là ở các xã thuộc khu vực III khi điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn. Việc đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn như cầu đường, trường học, chợ, cơ sở vật chất văn hóa… cần nguồn vốn lớn, trong khi ngân sách của tỉnh, huyện, xã còn hạn chế, việc huy động nhân dân đóng góp gặp nhiều khó khăn.

Tuyên Quang: Quyết tâm xây dựng NTM đi vào chiều sâu, bền vững - Ảnh 4.

Cùng với việc thay đổi tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, đời sống người dân Tuyên Quang ngày càng được nâng cao.

Ông Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang chia sẻ, để tiếp tục giữ vững và nâng cao các tiêu chí của xã đạt chuẩn nông thôn mới, UBND tỉnh đã đề ra một số giải pháp như: Hỗ trợ thêm nguồn vốn cho các xã đăng ký về đích nông thôn mới trong năm 2024 - 2025, xã thuộc các huyện trong lộ trình xây dựng huyện nông thôn mới; bổ sung nguồn lực hỗ trợ các địa phương đầu tư sửa chữa, nâng cấp một số công trình giao thông, nhà văn hóa, trạm y tế đã xuống cấp theo thời gian để hoàn thiện các tiêu chí, bảo đảm đủ các điều kiện công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới theo đúng quy định.

Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan liên quan chủ động lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch khác để đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện chương trình nông thôn mới cũng như thực hiện việc duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt chuẩn. Các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đảm bảo hoàn thành kế hoạch chương trình đã đề ra; xây dựng kế hoạch nội dung, nhiệm vụ thực hiện cụ thể trong việc duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí tại các xã đã đạt chuẩn; đồng thời chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách cấp huyện và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí…