Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM được thực hiện tại TP.HCM và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Bình Dương. Đây là dự án nằm trong nhóm dự án quan trọng của quốc gia và Quốc hội là cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án khoảng 122.774,28 tỷ đồng (bao gồm lãi vay).
Theo kế hoạch, trong tháng 11 và 12, TP.HCM sẽ phối hợp với các tỉnh hoàn thiện hồ sơ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và các cơ chế chính sách đặc thù.
Cụ thể, quý 1 năm 2025 trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Quý 2 và quý 3 năm 2025 trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Quý 4 năm 2025 sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.
Quý 4 năm 2025 bắt đầu kế hoạch bàn giao mặt bằng. Quý 1 và quý 2 năm 2026, khởi công (các dự án thành phần đường song hành, đường gom). Trong năm 2028, dự án sẽ hoàn thành đưa công trình vào vận hành khai thác.
Tại cuộc họp với các Ủy viên UBND TP và đại diện các sở ngành góp ý cho dự án đường Vành đai 4 TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi giao Sở GTVT làm đầu mối, phối hợp cùng Văn phòng UBND TP tiếp thu và hoàn hiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và các cơ chế chính sách đặc thù trong tháng 11 và 12 năm 2024 để có thể trình Quốc hội trong quý 1 năm 2025.
Cạnh đó, Chủ tịch UBND TP giao Sở GTVT TP phối hợp cùng Văn phòng UBND TP tham mưu các thủ tục triển khai dự án đoạn qua TP.HCM để có thể khởi công trong quý 1 năm 2026 và hoàn thành trong năm 2028.
Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM dài gần 207km, giai đoạn 1 đầu tư 4 làn xe, có làn dừng xe khẩn cấp và dải phân cách giữa hai chiều.
Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến 206,72km, trong đó tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: 18,23km; tỉnh Đồng Nai: 46,08km (gồm cầu Thủ Biên); tỉnh Bình Dương: 47,45km; TP. Hồ Chí Minh: 16,70km (gồm cầu vượt sông Sài Gòn, kênh Thày Cai); tỉnh Long An: 78,3km (gồm đoạn qua Long An 74,5km và qua Hiệp Phước – TP.HCM 3,8km).