Dân Việt

Sốc vì con số ca tử vong mỗi năm do tác hại thuốc lá

Gia Khiêm 21/11/2024 17:12 GMT+7
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 104 nghìn ca tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Chuyên gia cho rằng, tình trạng tỉ lệ sử dụng thuốc lá vẫn ở mức cao như hiện nay là do thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam thấp.

Sáng 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá được tổ chức tại Hà Nội.

Hội nghị nhằm mục tiêu tăng cường sự hiểu biết, sự quan tâm của đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương trong việc tuyên truyền các nội dung về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam.

Hơn 104 nghìn ca tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá, tăng thuế có góp phần giảm thiêu thụ? - Ảnh 1.

Phó Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) Hồng Hồng Hải thông tin tại hội nghị. Ảnh: Gia Khiêm

Phó Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) Hồng Hồng Hải cho biết, qua báo cáo kết quả giám sát, khảo sát của các Ủy ban của Quốc hội và các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam ngày càng tăng, nhất là ở giới trẻ, học sinh, sinh viên; có tình trạng lợi dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để lưu hành, sử dụng ma túy trái phép.

Cụ thể, trong quý I năm 2024, công an cả nước đã phát hiện, xử lý 111 vụ, 152 đối tượng liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Trong đó, có 33 vụ, với 73 đối tượng bị khởi tố do phạm tội về ma túy, còn lại bị xử lý lý hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ.

Hơn 104 nghìn ca tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá, tăng thuế có góp phần giảm thiêu thụ? - Ảnh 2.

Hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ. Ảnh minh hoạ

Đáng lo ngại, các nghiên cứu đã chỉ ra những tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đến sức khỏe, kinh tế, an ninh trật tự, môi trường như: tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, rối loạn tâm thần, làm suy giảm sự trưởng thành não bộ, giảm khả năng học tập, năng suất lao động và ảnh hưởng đến sự phát triển của thanh thiếu niên. 

Đặc biệt, dễ bị lợi dụng để tẩm ướp pha trộn ma túy, các chất gây nghiện, dẫn đến nguy cơ mất trật tự, an toàn xã hội; làm gia tăng ô nhiễm môi trường do rác thải điện tử của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, nhất là với thiết bị điện tử sử dụng một lần.

Chia sẻ về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe; thuế và giá thuốc lá tại Việt Nam, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) Thạc sĩ Phan Thị Hải cho biết, sử dụng thuốc lá là một trong nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong sớm. Thuốc lá chứa 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây nên 25 loại bệnh như: ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp, sinh sản…

Hơn 104 nghìn ca tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá, tăng thuế có góp phần giảm thiêu thụ? - Ảnh 3.

Thạc sĩ Phan Thị Hải trao đổi, chia sẻ thông tin tại hội nghị.

Tại Việt Nam, sử dụng thuốc lá gây ra 85.500 ca tử vong mỗi năm; hút thuốc lá thụ động gây ra 18.800 ca tử vong mỗi năm. Về hậu quả của việc sử dụng thuốc lá đến kinh tế, theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD.

Trong khi đó, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám, chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá ở Việt Nam là 108.000 tỷ đồng một năm (tương đương 1,14% GDP năm 2022). Con số này lớn hơn gấp năm lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia.

Đối với thuế và giá thuốc lá tại Việt Nam hiện nay, Thạc sĩ Phan Thị Hải cho hay, từ năm 2008 đến 2019, Việt Nam mới chỉ thực hiện ba lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá nhưng mức tăng thuế mỗi lần thấp chỉ là 5% và khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài (giá xuất xưởng).

Cụ thể, năm 2008: tăng mức thuế từ 55% lên 65%; năm 2016 (sau tám năm) tăng từ 65% lên 70%; năm 2019 (sau ba năm): tăng từ 70% lên 75%. Theo đánh giá của các chuyên gia thì các lần tăng thuế này là quá ít và chỉ có tác động giảm tiêu thụ vào năm tăng thuế sau đó lại tăng trở lại những năm tiếp theo.

Từ năm 2019 đến nay (theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt), tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ (bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng) chỉ chiếm trong khoảng từ 36,7 đến 38,8%.

Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình (59%), thấp hơn đa số các nước ASEAN như: Thái Lan (81.3%), Indonesia (63.5%), Singapore (67,5%), Malaysia (51.6%). Trong khi đó, mức thuế trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO là từ 70% đến 75% trên giá bán lẻ.

Đáng chú ý, giá một bao thuốc nhãn phổ biến nhất ở Việt Nam chỉ vào khoảng 0.9 USD/bao. Với mức giá này, giá thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 15, gần thấp nhất, trong số 19 nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Trên thị trường có tới 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá bán lẻ dưới 10.000 đồng/bao 20 điếu. Với mức giá thuốc lá bán lẻ thấp như vậy, thuốc lá rất dễ tiếp cận với người có thu nhập thấp, trẻ em và trẻ vị thành niên.

Đánh giá về vấn đề trên, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm (chuyên gia phòng, chống tác hại thuốc lá của WHO tại Việt Nam) cho rằng, tăng thuế thuốc lá là biện pháp nhanh nhất và hiệu quả nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá.

Theo ông Lâm, thông tin năm 2010, tỉ lệ người trưởng thành hút thuốc lá là 47%, đến năm 2015 là 45%, năm 2021 là 41%, tuy nhiên ước tính hiện nay tỉ lệ này bắt đầu đi lên nếu không có biện pháp can thiệp về thuế.

Một yếu tố quan trọng dẫn tới tình trạng tỉ lệ sử dụng thuốc lá vẫn ở mức cao như hiện nay là thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam thấp.

"Thuế thuốc lá và giá bán lẻ ở Việt Nam cực kỳ thấp so với các nước thu nhập trung bình khác trên thế giới cũng như ngay trong khu vực ASEAN. Mức tăng thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam trong thời gian qua là quá thấp so với mức tăng trưởng thu nhập theo đầu người, làm cho thuốc lá trở nên ngày càng rẻ và dễ mua hơn theo thời gian", ông Lâm nhận định.

Tương tự, tỉ trọng thuế trong giá bán lẻ thuốc lá điếu của Việt Nam là khoảng 36% so với 59% ở các nước thu nhập trung bình và 62% trên toàn cầu, và thấp hơn nhiều so với khuyến nghị của WHO là 75% giá bán lẻ.

Thuế thuốc lá, khi được sử dụng hiệu quả, là biện pháp nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để giảm sử dụng thuốc lá. WHO ước tính rằng việc đánh thuế các sản phẩm thuốc lá để tăng giá bán lẻ lên 10% có thể làm giảm mức tiêu thụ từ 4 - 5%.