Dân Việt

Kỳ tích: Một bệnh nhân bị ngừng tim khi đang làm việc tại công ty, may mắn được cứu sống

Nguyệt Minh 21/11/2024 17:38 GMT+7
Chiều 21/11, Bệnh viện Thống Nhất thông tin đã cứu sống một bệnh nhân bị ngừng tim khi đang làm việc tại công ty.

Theo thông tin từ Bệnh viện Thống nhất, bệnh nhân N.V.S (SN 1973) làm việc tại Công ty Thuốc lá Sài Gòn. Khi đang làm việc tại công ty, bệnh nhân bất ngờ bị ngất, dẫn đến ngừng tim. Trước đó, bệnh nhân khỏe mạnh, không có biểu hiện bất thường. 

Sau khi được sơ cứu kịp thời tại công ty, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Thống nhất vào ngày 18/11 và được cứu sống. 

Kì tích: Một bệnh nhân bị ngừng tim khi đang làm việc tại công ty, may mắn được cứu sống- Ảnh 1.

Bệnh nhân N.V.S (SN 1973) bị ngừng tim khi đang làm việc tại công ty, may mắn được cứu sống. Ảnh: Nguyệt Minh

PGS.TS. BS Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất đánh giá: "Đây là một trường hợp rất đặc biệt. Sở dĩ, có thể cứu sống bệnh nhân là do sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị tuyến dưới và tuyến trên, nếu không khả năng tử vong sẽ rất cao". 

Cụ thể, theo thông tin từ bệnh viện, ngay khi bị ngừng tim, bệnh nhân đã được các nhân viên y tế tại trạm y tế công ty thực hiện hồi sinh tim phổi. Quá trình hồi sinh tim phổi trước khi đến được bệnh viện diễn ra liên tục trong vòng 40 phút. Trong thời gian này, Công ty Thuốc lá Sài Gòn liên tục giữ liên lạc với Bệnh viện Thống Nhất để được hướng dẫn. 

PGS.TS. BS Nguyễn Văn Tân - Trưởng khoa Tim mạch Cấp cứu Can thiệp cho biết: "Ngay khi bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện, các bác sĩ phải sốc điện liên tục mới phục hồi được mạng sống của bệnh nhân. Sau khi kiểm tra tình trạng, phát hiện bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Bằng sự can thiệp y khoa, đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, bệnh nhân được rút ống thở, 1 ngày sau nữa được chuyển khoa với tình trạng ổn định". 

Kì tích: Một bệnh nhân bị ngừng tim khi đang làm việc tại công ty, may mắn được cứu sống- Ảnh 2.

PGS.TS. Nguyễn Văn Tân - Trưởng khoa Tim mạch Cấp cứu Can thiệp cho biết bệnh nhân được cứu sống là một kì tích, nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa trạm y tế nơi bệnh nhân làm việc và Bệnh viện Thống Nhất.

Theo ông Tân, kỳ tích chính là việc bệnh nhân đã được các nhân viên y tế tại công ty thực hiện rất tốt công tác hồi sinh tim phổi. Nếu tim ngừng 4 phút đã không thể cứu sống, may mắn bệnh nhân được hồi sinh tim phổi liên tục trong vòng 40 phút trước khi đến bệnh viện. 

"Đây là một trường hợp tôi nghĩ nếu không có sự phối hợp tốt thì không cứu được bệnh nhân. Nhìn chung, vai trò kết hợp giữa các đơn vị tuyến dưới và tuyến trên là quan trọng" - ông Tân nói. 

Bệnh viện Thống Nhất cho biết thêm, sở dĩ có sự phối hợp nhịp nhàng giữa công ty và Bệnh viện Thống Nhất bởi trước đó, bệnh viện đã đào tạo về các kỹ năng cấp cứu ban đầu cho các nhân viên y tế tại công ty. 

Qua đây, Bệnh viện Thống Nhất khuyến cáo các công ty nên trang bị kỹ năng cấp cứu, sơ cứu ban đầu cho đội ngũ nhân viên y tế. Đồng thời, mỗi người dân cũng nên trang bị cho mình kĩ năng này đề phòng trường hợp bất ngờ. 

"Bệnh nhân N.V.S được cứu sống là rất may mắn vì được cấp cứu bởi đội ngũ nhân viên y tế đã có kĩ năng. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp khác lại không may mắn như thế, thường họ bị ngừng tim tại nhà, hay ở môi trường không có nhân viên y tế" - ông Tân nói. 

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân, Trưởng Khoa Tim mạch Cấp cứu Can thiệp, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết nguyên nhân thường gặp nhất của nhồi máu cơ tim là do sự hình thành cục máu đông bên trong lòng mạch máu làm tắc mạch vành này. Trong khi đó, đột quỵ nhồi máu não xảy ra khi mạch máu cung cấp cho não bị tắc bởi cục máu đông, huyết khối, hẹp xơ vữa động mạch.

Đột quỵ và nhồi máu cơ tim là hai bệnh lý cấp tính nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong ngay nếu không can thiệp kịp thời trong thời gian vàng. Hai thủ phạm phổ biến nhất dẫn hai căn bệnh này, làm tăng sự xuất hiện các mảng xơ vữa là tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bên cạnh các nguyên nhân khác như đái tháo đường, hút thuốc lá, thừa cân béo phì...