Dân Việt

Hà Giang: Chương trình OCOP đã phát huy thế mạnh, nâng tầm sản phẩm

Nguyễn Quân 28/11/2024 18:35 GMT+7
Quang Bình (Hà Giang) là vùng đất giàu tiềm năng với nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc trưng. Để nâng tầm giá trị và đưa sản phẩm địa phương vươn xa hơn, huyện đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh chủ lực.

Cơ hội phát triển bền vững

Chương trình OCOP được triển khai ở Quang Bình từ năm 2018, nhằm hỗ trợ các sản phẩm chủ lực của địa phương, đặc biệt là các sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ, đặc sản vùng miền, được sản xuất với chất lượng tốt, có thương hiệu và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, OCOP đã tạo ra những thay đổi tích cực trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ở Quang Bình.

Hà Giang: Chương trình OCOP đã phát huy thế mạnh, nâng tầm sản phẩm - Ảnh 1.

Huyện Quang Bình (Hà Giang) luôn ưu tiên công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Nhiều năm trở lại đây, huyện Quang Bình xác định ưu tiên công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP. Huyện cũng tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ đưa sản phẩm vào các sàn thương mại điện tử, xuất khẩu… Song song với đó, để xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP bền vững, lâu dài, huyện chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang sản xuất hàng hóa, tạo ra các sản phẩm nông sản chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Đến nay, toàn huyện đã và đang sản xuất các loại cây con chủ yếu như: Cây lúa nước, ngô, lạc, đậu tương và cây ăn qủa có múi như cam, quýt, chanh... chăn nuôi gồm trâu, lợn, gà và thủy sản. Qua đó, đã góp phần thúc đẩy đa dạng các sản phẩm nông sản truyền thống, sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP và các sản phẩm văn hóa của đồng bào dân tộc huyện góp mặt trên các thị trường lớn trong và ngoài nước.

Từ đó, xã hội trong nông thôn luôn ổn định, đời sống về vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Hội viên, nông dân huyện luôn có ý chí thi đua sản xuất, xây dựng và góp phần trong phấn đấu huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2025 và quyết tâm về đích các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quang Bình lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Sản phẩm nông nghiệp của huyện Quang Bình rất đa dạng. Trong đó có trên 10 sản nông nghiệp đặc trưng nhất như: Cốm mới, gừng ta, măng lục trúc, chuối tiêu, lạc hạt, măng nứa phơi khô, gạo nếp cái, trứng gà ta và trứng vịt, thảo quả...

Hà Giang: Chương trình OCOP đã phát huy thế mạnh, nâng tầm sản phẩm - Ảnh 2.

Sản phẩm OCOP Hà giang luôn có bản sắc riêng của vùng cao biên giới.

Đặc biệt, sản phẩm lá đắng Nà Khương hay còn gọi là khum kìa, đây là một loài lá được mọc tự nhiên dưới tán rừng rậm hoặc khe nước cao; được người dân nhân rộng diện tích trồng cây lá đắng và thành lập HTX sản xuất cây lá đắng với trên 10ha tại xã Nà Khương nhằm nâng cao giá trị, trở thành một trong những nông sản đặc trưng của huyện và vươn ra thị trường tiêu thụ như Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái và Hải Phòng...

Huyện cũng tập trung tạo điều kiện phát triển mạnh các HTX nông, lâm nghiệp, lấy HTX làm nòng cốt, chủ thể xây dựng các sản phẩm OCOP. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 10 sản phẩm OCOP tiêu biểu như: Gạo nếp Lào Mu, mật ong hoa rừng (đạt 3 sao).

Các sản phẩm chè Shan tuyết, gồm có: chè HTX Khánh Niệm; Trà Bạch Mao Tín Dượng; chè tuyết nõn cổ thụ; Chè Shan Tuyết Quang Sơn: Các sản phẩm này được sản trồng và sản xuất chủ yếu tại 2 xã Tiên Nguyên và Xuân Minh (các sản phẩm này đều đạt 3 sao)...

Nhờ vào chương trình, các sản phẩm đặc trưng của huyện Quang Bình, như mật ong, gạo, các loại rau quả sạch, thủ công mỹ nghệ, đã được đánh giá và chứng nhận chất lượng, từ đó nâng cao giá trị và thương hiệu của các sản phẩm này trên thị trường.

Giữ gìn bản sắc văn hóa và nâng cao giá trị nông sản vùng cao

Việc tham gia vào Chương trình OCOP đã tạo ra nhiều tác động tích cực đối với phát triển kinh tế – xã hội của huyện Quang Bình. Đầu tiên, chương trình đã giúp nâng cao nhận thức của người dân về việc sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn chất lượng, từ đó cải thiện phương thức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Hà Giang: Chương trình OCOP đã phát huy thế mạnh, nâng tầm sản phẩm - Ảnh 3.

Tham gia chương trình OCOP, nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện Quang Bình đã được nâng cao chất lượng.

Bên cạnh đó, OCOP còn tạo ra cơ hội hợp tác, kết nối giữa các nhà sản xuất, doanh nghiệp và các tổ chức xúc tiến thương mại. Nhờ đó, các sản phẩm của Quang Bình có thể dễ dàng tiếp cận các thị trường rộng lớn hơn, không chỉ trong tỉnh mà còn ngoài khu vực. Việc này giúp gia tăng doanh thu cho người dân và thúc đẩy việc làm, cải thiện đời sống cho cộng đồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Đào Quang Diệu, Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết: Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Quang Bình đã phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương. Việc thực hiện chương trình đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập… Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ để xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP từ nguồn nguyên liệu của địa phương.

Chương trình OCOP còn góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số tại huyện Quang Bình, khi các sản phẩm thủ công, nông sản không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn là biểu tượng của sự giao thoa giữa truyền thống và phát triển bền vững.

"Chương trình OCOP đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại huyện Quang Bình. Đây là một minh chứng rõ nét cho việc ứng dụng các mô hình phát triển kinh tế nông thôn mới vào thực tiễn, giúp các địa phương phát triển bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa và nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ của vùng cao", Chủ tịch UBND huyện Quang Bình nhấn mạnh.