Nguyễn Trọng Hoàng từng học ở Trường THPT chuyên Hùng Vương (Gia Lai). Ngay từ khi học cấp 3, Hoàng đã sở hữu cho mình những thành tích học tập đáng nể, chuẩn "con nhà người ta".
Bao gồm Giải khuyến khích Học sinh giỏi cấp Quốc gia môn tiếng Anh năm học 2019 - 2020; Giải Nhì Học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh năm học 2019 - 2020; Giải Nhì học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh năm học 2018 - 2019; Huy chương đồng Kỳ thi Olympic 30/4 môn tiếng Anh năm học 2018 - 2019; Huy chương bạc Kỳ thi Olympic 30/4 môn tiếng Anh năm học 2018 - 2019.
Đặc biệt ấn tượng khi Hoàng sở hữu IELTS 8.0 (2019), SAT 1410 (2020).
Năm 2020, Hoàng trúng tuyển vào khoa Điện - Điện tử, chuyên ngành Hệ thống mạch - Phần cứng chương trình tiên tiến của Trường ĐH Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM theo phương thức Ưu tiên xét tuyển.
Hoàng cho biết, khi còn nhỏ rất ấn tượng với cửa tự động đóng, mở ở siêu thị gần nhà, nên khi đăng ký xét tuyển đại học, em đã chọn ngành Tự động hóa.
Tuy nhiên, trong quá trình học, Hoàng thấy phù hợp với ngành Vi mạch - Phần cứng hơn nên đăng ký theo học, thay vì chọn ngành Tự động của bộ môn Điều khiển - Tự động như dự định ban đầu.
Hoàng đã có bài báo đầu tay đăng trên tạp chí SCIE-Q2 Electronics về quy trình tối ưu hóa trong thiết kế vi mạch sử dụng các thuật toán tối ưu. Để có thể thực hiện nghiên cứu về vi mạch, đầu tiên, Hoàng cho biết phải nắm vững kiến thức nhập môn vi mạch trước. Kiến thức nền tảng này mang ý nghĩa mô hình hóa, còn khi vào mô phỏng thực tế thì có sai lệch khác nhau nên cần nhận biết được và hiểu nguyên nhân có những sai lệch đó.
Hoàng chia sẻ: "Khó khăn lớn nhất với em là chưa có kinh nghiệm viết bài báo khoa học. Do đó, bài báo đầu tay khi nộp đã bị từ chối và yêu cầu điều chỉnh lại mới được chấp nhận".
Nói về áp lực trong quá trình học, Hoàng cho rằng, tùy vào mục tiêu, từng sinh viên đặt ra. Nếu sinh viên muốn lấy điểm cao để giành học bổng, phải thật sự tập trung khi học trên lớp, làm bài tập lớn lẫn ôn thi giữa và cuối kỳ.
Theo tân thủ khoa, giai đoạn từ giữa kỳ học là thời điểm căng thẳng nhất bởi vừa phải dành nhiều thời gian để ôn thi, dự thi và ngay sau đó làm bài tập lớn có thể từ 2 đến 4 môn đồng thời với nhau. Khi hoàn thành bài tập lớn là đến ngay kỳ thi cuối kỳ, nên trong lúc làm bài tập lớn cần ôn thi cuối kỳ song song.
"Bí quyết học tập của em là làm việc chuyên nghiệp, chủ động ngay từ những buổi đầu tiên của từng môn học. Em thường sẽ chủ động tìm hiểu bài học trước khi lên lớp, có thể từ nhiều nguồn (Internet, slides, sách giáo trình…). Còn khi lên lớp là thời gian quan trọng để hỏi thầy cô những vấn đề còn thắc mắc", Hoàng chia sẻ.
Mặc dù có thành tích học tập đáng nể, thế nhưng Hoàng là người rất chú trọng đến sức khoẻ thể chất. Hoàng chơi thể thao từ nhỏ, bén duyên với tennis từ năm 3-4 tuổi. "Hồi nhỏ em hay bị bệnh vặt lắm nên bị ông ngoại lôi đầu ra sân tennis chơi để tăng cường sức khỏe, ai ngờ mê trái banh nỉ từ đó luôn, và ông ngoại cũng là người thầy tennis đầu tiên của em" - Hoàng kể.
Hoàng cho biết, quan niệm của gia đình là “Một đầu óc minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”. Đây là động lực để Hoàng vẫn sắp xếp thời gian chơi tennis xen lẫn với việc học để tăng cường sức khỏe thể chất, và cũng là phương thức lành mạnh xả stress để học tập tốt hơn.
Thủ khoa đầu ra Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tiết lộ, năm 15 tuổi đã từng đánh cho tuyển năng khiếu TP. HCM và đạt 2 huy chương đồng quốc gia cả nội dung đơn nam U16 và đôi nam U18. "Tennis cũng là cầu nối kết nối em với thầy hướng dẫn PGS. TS. Hoàng Trang của em" - Hoàng bày tỏ.
Gần đây Hoàng cho biết bản thân cũng bén duyên thêm với một môn thể thao hot trend là pickleball và đang chơi 2 môn song song với nhau. Từ đây, Hoàng có nhiều lựa chọn hơn trong việc xả stress, đặc biệt là khi trường cũng có cả sân tennis và pickleball.
Nói về dự định sắp tới, Hoàng cho biết sẽ tiếp tục du học ở Canada bậc thạc sĩ trong lĩnh vực Hệ thống mạch - Phần cứng, nghiên cứu sâu hơn về các phương pháp tối ưu cho việc thiết kế vi mạch.
PGS.TS Hoàng Trang - Trưởng phòng Đào tạo sau đại học, giảng viên hướng dẫn của Hoàng - cho biết rất ấn tượng với Hoàng, bởi em là một sinh viên luôn có nhiều thắc mắc, thường xuyên đặt câu hỏi.
"Tôi ấn tượng với Hoàng từ năm học đầu tiên, dù thời điểm đó do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phải học online nhưng với việc em thường xuyên đặt câu hỏi, tôi đã nhớ tên em ấy dù chưa biết mặt. Sau này, càng làm việc, giảng dạy nhiều hơn, tôi nhận thấy Hoàng có tinh thần học tập rất bài bản, nghiêm túc", PGS.TS Hoàng Trang nói.