Mới đây, ông Hoàng Tuấn Công – một người nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa dân gian ở Thanh Hóa đã gửi thư đến ông Nguyễn Thanh Lâm - Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam về những sai sót và bất ổn của chương trình "Vua tiếng Việt". Bức thư này sau đó đã được người này chia sẻ lên mạng xã hội và nhận được phản hồi rất nhanh của ông Nguyễn Thanh Lâm.
Mở đầu thư, ông Hoàng Tuấn Công viết: "Hôm nay tôi buộc lòng phải viết thư này gửi đến ông, cũng bởi vạn bất đắc dĩ, vì biết ông mới nhậm chức, hãy còn bận trăm công ngàn việc ở cương vị mới. Đó là câu chuyện liên quan đến những sai sót kéo dài của chương trình truyền hình "Vua tiếng Việt" phát sóng từ năm 2021 đến nay trên VTV3".
Theo ông Hoàng Tuấn Công, ông cảm thấy thật đáng tiếc khi trong suốt thời gian phát sóng, "Vua tiếng Việt" luôn tạo ra lỗi sai một cách cẩu thả, thô bạo và khó chấp nhận.
"Từ tháng 4/2023, tôi mới biết Đài Truyền hình Việt Nam có một chương trình mới có tên "Vua tiếng Việt" nhằm tìm hiểu và khám phá sự phong phú, giàu có và thâm thúy của tiếng Việt qua các từ vựng, ngữ pháp, ca dao... hướng đến gìn giữ sự trong sáng vốn có của tiếng Việt. Tôi đã vui mừng, nhưng rồi dần thất vọng, nỗi thất vọng ngày càng lớn, lí do là có quá nhiều sai sót về ngôn ngữ và ngôn ngữ học trong chương trình này.
Từ thời điểm ấy đến nay, tôi trở thành một khán giả bất đắc dĩ, hàng tuần kiên nhẫn theo dõi chương trình "Vua tiếng Việt", vừa "nhặt sạn", góp ý và "tư vấn miễn phí", vừa hy vọng và chờ đợi về một sự cải thiện chất lượng trong mỗi số phát sóng.
Nhưng đã hơn một năm trôi qua, tình hình không những không được khắc phục mà đáng buồn thay, những lỗi sai mà chính bản thân tôi và nhiều người đã giúp chỉ ra và góp ý một cách chân thành, đầy trách nhiệm, đã không được ê-kíp chương trình tiếp thu và sửa chữa; ngược lại, vẫn phát sinh lỗi mới và lặp lại lỗi cũ.
Về các lỗi sai của "Vua tiếng Việt", tôi đã công khai trên Blog cá nhân, Facebook cá nhân, đăng trên báo và trả lời báo chí. Từ đây, những sai sót của "Vua tiếng Việt" cũng được đông đảo khán giả và những nhà chuyên môn lên tiếng, có những lúc đã tràn ngập các bài viết trên mạng xã hội, hàng loạt tờ báo lớn cũng "vào cuộc" phản ánh.
Tôi không rõ ông có nắm được hay có được những người chịu trách nhiệm về chương trình báo cáo về sự việc trên đây hay không. Bởi vậy, sau đây tôi xin điểm qua một số dạng lỗi và cố gắng kèm ví dụ minh họa nếu có thể (vì khó lòng mà liệt kê đầy đủ các lỗi trong một bức thư ngắn), để ông nhanh chóng nắm được vấn đề".
Theo đó, ông Hoàng Tuấn Công chỉ ra rằng, "Vua tiếng Việt" sai chính tả rất nhiều lần, trong đó có cả những lỗi chính tả mà hiếm ai có thể mắc phải. Ví dụ: "Chậm trễ" viết thành "chậm chễ"; "xoay xở" viết thành "xoay sở"; "xe tơ" viết thành "se tơ"... Hai từ khác nhau, nhưng chương trình lại ngộ nhận từ này là sự cố chính tả của từ kia như: "bàng hoàng" và "bàn hoàn"; "loang lổ" và "lang lổ"...
"Vua tiếng Việt" nhiều lần giải nghĩa các thành ngữ, tục ngữ sai hoặc cung cấp cho người chơi và khán giả các dị bản thành ngữ, tục ngữ ca dao sai lệch đến mức vô cùng bi hài. Ví dụ các câu: "Đá đưa đầu lưỡi", "Lộng giả thành chân", "Ông tha mà bà chẳng tha,…", "Cháy nhà ra mạch chuột", "Mèo theo miếng thịt xôn xao…"; "Chơi dao có ngày đứt tay", "Cha già con cọc"…
"Vua tiếng Việt" ra câu hỏi một đằng nhưng lại yêu cầu đáp án một nẻo. Đó là yêu cầu người chơi sắp xếp các từ ngữ "thành câu có nghĩa" nhưng lại chỉ chấp nhận một đáp án duy nhất đúng, đó là những câu thơ hay câu văn cụ thể của ai đó. Ví dụ: "bữa/điếc/xóm/Hàng/một/tai/phải" đáp án là "Hàng xóm một bữa phải điếc tai" (phương án "Hàng xóm phải điếc tai một bữa" dù hoàn toàn "có nghĩa" nhưng không được chương trình chấp nhận); "bát/ba/cơm/Ăn/những" đáp án là "Ăn cơm những ba bát" (phương án "Ăn những ba bát cơm" dù hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu đề ra, đó là "có nghĩa", nhưng cũng không được chấp nhận).
"Vua tiếng Việt" tổ chức cho người chơi giải nghĩa từ ngữ một cách tùy tiện và không chính xác về mặt ngữ nghĩa học (những lỗi này không thể kể hết).
Nguồn tài liệu tham khảo của "Vua tiếng Việt" không chỉ quá ít ỏi, lạc hậu mà kĩ năng tra cứu từ điển, lựa chọn từ điển cũng bộc lộ nhiều hạn chế, nếu không nói là chưa biết tra từ điển. Ví dụ ở tập 26 (2023), chương trình yêu cầu người chơi tìm ra một từ mà nghĩa của nó chỉ "tình cảm gắn bó thủy chung, giữa hai con người… giữa hai vợ chồng". Người chơi trả lời là "sắt son" (rất chính xác), nhưng lại không được chấp nhận, vì đáp án của chương trình là "son sắt", điều này hoàn toàn sai, vì hai từ này đồng nghĩa.
"Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp mà chương dù ôm khư khư từ điển trong tay nhưng lại để xảy ra những sai sót thật bi hài. Lỗi này còn xuất phát ngay từ khâu xây dựng kịch bản, tiếp đến là lỗi của cố vấn và người dẫn chương trình", ông Hoàng Tuấn Công nói.
Ông Hoàng Tuấn Công đề nghị ông Nguyễn Thanh Lâm chỉ đạo những người chịu trách nhiệm thực hiện chương trình "Vua tiếng Việt" khắc phục triệt để các lỗi sai đã được khán giả chỉ ra và không tiếp tục lặp lại cũng như làm phát sinh các lỗi mới. Nên tạm dừng phát sóng nếu vẫn chưa có được một ê-kíp thực hiện và đội ngũ cố vấn có đủ năng lực và trách nhiệm để đảm đương chương trình.
Yêu cầu người chịu trách nhiệm chính của "Vua tiếng Việt" phải lên tiếng công khai xin lỗi khán giả và người dân nói chung (vì tiếng Việt là một di sản văn hóa của toàn dân). Cuối cùng, ông Hoàng Tuấn Công yêu cầu chương trình "Vua tiếng Việt" đính chính lại tất cả những sai sót của chương trình (từ mùa đầu tiên đến mùa 3), trả lại sự chính xác và trong sáng vốn có của tiếng Việt.
Ngay khi bức thư này được đăng tải, ông Nguyễn Thanh Lâm đã lập tức có những phản hồi với những lời lẽ hết sức cầu thị khiến nhiều người nể phục. Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Lâm viết: "Tôi xin trân trọng cảm ơn sự bền bỉ, tâm huyết của bác Hoàng Tuấn Công dành cho sự trong sáng của tiếng Việt nói chung và chất lượng chương trình "Vua tiếng Việt" được phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam nói riêng. Tôi xin cầu thị tiếp thu tất cả nội dung góp ý của bác trong thư ngỏ này cũng như trong các bài báo mà bác đã viết hoặc tham gia ý kiến.
Ngay tuần tới tôi sẽ họp với các đầu mối đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm về chương trình này để khắc phục căn bản những sai sót này và có câu trả lời gửi tới bác cũng như tới các khán giả quan tâm. Nếu không phiền tới bác, xin phép được trân trọng kính mời bác cùng tham gia cuộc họp. Đài sẽ có xe đưa đón bác".
Ông Hoàng Tuấn Công cũng tỏ ra rất hài lòng khi những phản hồi đầy sự cầu thị của ông Nguyễn Thanh Lâm. Tuy nhiên, ông Công cho rằng, việc cùng dự họp là không thực sự cần thiết vì những gì cần phản ánh, trao đổi, đề xuất… cơ bản đã được ông trình bày trong thư ngỏ.
Nhiều khán giả chứng kiến sự việc cũng rất hài lòng với cách ứng xử văn minh và cầu thị giữa hai bên. Nhiều người cũng bày tỏ mong muốn chương trình "Vua tiếng Việt" sớm khắc phục những lỗi cơ bản mà ông Hoàng Tuấn Công đã chỉ ra để trở thành chương trình đáng xem của những người yêu tiếng Việt nói riêng, khán giả Việt nói chung.