Con gái Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang là bậc thầy piano thế giới, xem mẹ là tất cả
Con gái tài năng của Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang: “Mẹ cho tôi sự tự do để tự đi bằng đôi chân của mình”
Tuệ Lâm
Thứ sáu, ngày 22/11/2024 13:06 PM (GMT+7)
Mới đây, nghệ sĩ Bích Trà – con gái Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang trở về nước biểu diễn 4 chương trình hòa nhạc tại TP.HCM và Hà Nội. Nữ nghệ sĩ đã cùng mẹ tham gia chương trình “Giao lưu âm nhạc lần 2” do Báo Người Lao Động tổ chức.
Con gái Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang là nghệ sĩ piano nổi tiếng thế giới
Nghệ sĩ Bích Trà là con gái duy nhất của Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang và Giáo sư âm nhạc Nguyễn Bích Ngọc. Cả hai kết hôn năm năm 1967 tại Hà Nội, khi đó bà mới 25 tuổi, còn ông 27 tuổi. Trong mắt Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang, Giáo sư Nguyễn Bích Ngọc là một người chồng bao dung, độ lượng và thương vợ hết lòng.
Lấy nhau năm 1967 nhưng đến năm 1973 ông bà mới sinh hạ Bích Trà. Bích Trà được sinh ra tại Hà Nội. Từ bé, chị đã được bố phát hiện ra năng khiếu âm nhạc nên đã cho theo học violin và piano từ bé.
Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang từng kể rằng, ngày bé, nghệ sĩ Bích Trà học giỏi văn và các môn tự nhiên. Những kỳ nghỉ hè, tâm lý học sinh là muốn ngày hè kéo dài ra để còn được vui chơi thỏa thích nhưng Bích Trà lại thấy sốt ruột vì mùa hè quá dài. Từ đó, bà nhận ra con gái mình thực sự đam mê nghệ thuật.
Lên 5 tuổi, Bích Trà đã ngồi trước cây đàn piano mà bố mẹ dành dụm, tích cóp những đồng lương ít ỏi của mình để mua về. Biết con có năng khiếu âm nhạc nên cả Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang lẫn Giáo sư Nguyễn Bích Ngọc vẫn kiên trì định hướng cho con dù biết con đường đến với nghệ thuật có muôn vàn thử thách, chông gai.
Năm 14 tuổi, Bích Trà được chọn đi du học ở Nga, sau đó nhận học bổng du học tại Anh và tốt nghiệp năm 1999. Chị từng kể rằng, năm 14 tuổi đến xứ người bắt đầu chương mới trong cuộc đời, chị mang theo trong mình thế giới của các kịch bản phim mẹ Trà Giang đóng và thần thoại Hy Lạp, kịch Shakespeare, các cuộc đời muôn màu sắc của Hugo, Dickens, Dostoievski, Chekhov, Hemingway...
Những ngày đầu mới đến Nga, được nghe các concert mà thần đồng âm nhạc của Nga biểu diễn chị cảm thấy choáng váng vì hiểu ra hạn chế tài năng của mình. Nhưng sau khi suy nghĩ, nữ nghệ sĩ đã quyết tâm không bỏ cuộc vì hiểu niềm tha thiết lớn nhất của chị là âm nhạc. Và chị đã tập luyện miệt mài để bù đắp cho những hạn chế của mình.
Năm 2012, Bích Trà được NAXOS mời độc quyền thu và phát hành các đĩa nhạc thuộc tuyển tập âm nhạc cho piano của Joachim Raff cho nhãn đĩa Grand Piano (thuộc hãng NAXOS).
Chị được bình chọn là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu của thanh niên Việt Nam năm 2002 và là người Việt Nam đầu tiên được trao tặng danh hiệu ARAM (Associate of the Royal Academy of Music, thành viên của Viện Âm nhạc hoàng gia - Anh) cho những cống hiến âm nhạc nổi bật trong năm 2013.
Ở tuổi 82, Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang thấy viên mãn với mọi thứ
Từ năm 1999, Giáo sư Nguyễn Bích Ngọc qua đời, Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang sống một mình ở TP.HCM. Nhiều năm trở lại đây, dù rất bận rộn với công việc thu âm, giảng dạy và trình diễn ở nước ngoài nhưng nghệ sĩ Bích Trà vẫn sắp xếp thời gian về nước vừa kết hợp thăm mẹ, vừa giảng dạy cho sinh viên Nhạc viện TP.HCM trong "Hội trại âm nhạc mùa hè" (Saigon Chamber Music) hoặc biểu diễn trong các chương trình hòa nhạc cổ điển.
Nghệ sĩ Bích Trà kể rằng, chị rất yêu mẹ của mình vì "mẹ cho tôi sự tự do để tự đi bằng đôi chân của mình". Và khi thấy mình vững vàng hơn trong nghề nghiệp, chị muốn dành nhiều thời gian hơn cho mẹ. Trước đây, chị thường về thăm mẹ mỗi tháng bởi từ Hồng Kông về Việt Nam rất thuận tiện. Sau này, tùy điều kiện công việc mà chị sẽ chủ động sắp xếp để có nhiều thời gian gần mẹ mình hơn. Hàng ngày, hai mẹ con vẫn trò chuyện qua mạng để cập nhật thông tin của nhau.
Nếu Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang tự hào và hãnh diện về những thành công của con gái bao nhiêu thì nghệ sĩ Bích Trà lại thấy hạnh phúc bấy nhiêu khi ở tuổi ngoài 80 mẹ vẫn khỏe mạnh và vẫn yêu hội họa đến tận cùng.
Nghệ sĩ Bích Trà tâm sự: "Chính nền tảng gia đình cùng niềm đam mê âm nhạc, tinh thần dấn thân, đặc biệt là sự khổ luyện đã giúp tôi gặt hái những thành công". Ở thời điểm hiện tại, nghệ sĩ trẻ Bích Trà vẫn đang tiếp tục đem mạch nguồn nghệ thuật – truyền thống của gia đình, đem ngọn lửa của tình yêu âm nhạc, nhiệt huyết và trái tim sống trọn tình với âm nhạc cổ điển để chắp cánh cho những tài năng âm nhạc Việt Nam.
Nhiều năm qua, Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang dành hết mọi vui buồn, hạnh phúc, khổ đau… vào những nét vẽ. Bà xem hội họa như một cách để gửi gắm nhân sinh quan, thế giới nội tâm của mình. Nhờ có hội họa mà bà có thể đứng bên lề những xô bồ, hối hả ở bên ngoài. Nữ nghệ sĩ cũng sở hữu một phòng tranh với nhiều tác phẩm nghệ thuật do chính tay bà vẽ. Bà từng tổ chức 4 triển lãm lớn: "Hè về" (2006), "Mùa xuân" (2016), "Đi qua miền Tây Bắc" (2018) và "Quê hương" (2024).
Tổng kết hơn 80 năm cuộc đời, Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang dùng hai từ "mãn nguyện". Vì nhìn đời, nhìn người qua con mắt lạc quan, nghệ sĩ tự thấy cuộc đời lúc nào cũng bình lặng, chậm rãi.
Bà suy nghĩ tích cực, tìm niềm vui trong từng khoảnh khắc đời thường. Nghệ sĩ càng không lo nghĩ chuyện một ngày nằm xuống sẽ thế nào. Với bà, cuộc sống lúc này là đếm ngược nên cứ lo trọn cho hôm nay, không nghĩ chuyện tương lai.
"Cuộc đời mỗi người có số phận riêng, không được chọn lựa. Ta cứ tích cực, tự tạo niềm vui, hạnh phúc từ điều bình dị", nghệ sĩ chiêm nghiệm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.