Ngày 23/11, Công an huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, đã bắt giữ Ma Vũ Duy (20 tuổi, ở Thanh Thịnh, Chợ Mới, Bắc Kạn) để điều tra về hành vi giết người, cướp tài sản. Duy là sinh viên Khoa Chăn nuôi thú y, Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.
Theo cơ quan chức năng, tối ngày 19/11, Duy sử dụng ma túy đá tại Thái Nguyên. Đến 8h ngày hôm sau, Duy trộm cắp chiếc ô tô Hyundai Avante tại Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên rồi điều khiển xe đến xã Đông Hội (huyện Đông Anh, Hà Nội).
Tại đây, Duy bỏ lại ôtô, sau đó bắt taxi đi Sân bay Nội Bài. Khoảng 15h30 ngày 20/11, ở khu vực Sân bay Nội Bài, do ảnh hưởng của việc sử dụng ma túy, Duy cởi hết quần áo rồi đi bộ trên đường gom Võ Nguyên Giáp.
Phát hiện một chiếc ô tô hiệu Toyota Vios đang đỗ ven đường, Duy dùng gạch đập cửa. Khi có người hô hoán, Duy mở cửa lên xe, nổ máy và tăng ga bỏ chạy theo hướng đi trung tâm TP Hà Nội.
Chủ ô tô sau đó chạy bộ đuổi theo, tri hô nhưng đối tượng vẫn lái xe bỏ chạy. Thấy vậy, anh N.V.Q. (41 tuổi) điều khiển xe máy chạy theo chặn đầu xe thì bị Duy đâm ôtô vào xe máy làm anh Q. ngã ra đường.
Duy xuống xe, chạy vào nhà ông C. (70 tuổi, ở thôn Thái Phù, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn) rồi lấy xẻng vụt liên tiếp vào đầu và mặt cụ ông. Sau đó, Duy tiếp tục chạy sang nhà hàng xóm ông C. rồi bị người dân bắt giữ và bàn giao cho cơ quan công an.
Xét nghiệm nhanh cho thấy đối tượng dương tính với chất ma túy. Ông C. và anh Q. được đưa đi cấp cứu nhưng ông C. đã tử vong.
Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, cơ quan điều tra sẽ làm rõ danh tính, diễn biến tâm lý, hành vi của đối tượng, xác định hậu quả đối tượng đã gây ra cho nạn nhân và xã hội để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình giải quyết vụ việc, cơ quan điều tra sẽ làm rõ khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của đối tượng. Làm rõ vì sao đối tượng lại có những biểu hiện bất thường hung hãn như vậy.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy đối tượng thực hiện hành vi khi bị tác động bởi chất ma túy thì vẫn phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 13 Bộ luật hình sự 2015.
Theo đó, Bộ luật hình sự quy định, người bị mất khả năng nhận thức hoặc hạn chế khả năng nhận thức do sử dụng rượu, bia, chất kích thích hoặc các chất cấm khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nếu hành vi gây ra nguy hiểm cho xã hội.
Chỉ có trường hợp đối tượng mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi mới được loại trừ trách nhiệm hình sự.
Bởi vậy, trong trường hợp đối tượng mất khả năng nhận thức do sử dụng trái phép chất ma túy mà thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo ông Cường, cơ quan điều tra sẽ xét nghiệm để xác định trong máu, nước tiểu của đối tượng có chất ma túy hay không để xác định nguyên nhân thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Nếu có chất ma túy, do phê mà túy mà thực hiện hành vi nguy hiểm, cơ quan điều tra sẽ hoàn thiện hồ sơ để khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý đối với đối tượng về nhiều tội danh.
Trong đó có tội trộm cấp tài sản, tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và có thể là tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích với hành vi tấn công nạn nhân dẫn đến hậu quả nạn nhân tử vong.
Vị chuyên gia cho rằng, diễn biến ban đầu của sự việc cho thấy đối tượng thực hiện một chuỗi hành vi vi phạm pháp luật từ xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác là trộm cắp tài sản (trộm xe ôtô) đến hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (điều khiển phương tiện thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ gây tai nạn giao thông), rồi dùng vũ lực tấn công người khác dẫn tới nạn nhân tử vong trong quá trình bỏ trốn.
Các hành vi đều có dấu hiệu cấu thành tội phạm của nhiều tội danh khác nhau nên đối tượng có thể bị xử lý một lúc về nhiều tội danh. Vì vậy, trường hợp bị chứng minh có tội, đối tượng có thể đối mặt khung hình phạt rất nghiêm khắc.