Thẳng thắn đặt câu hỏi tại Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói, bà Vũ Thị Thương Huyền, Giám đốc HTX chè Thịnh An, ở huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên nêu một thực tế, để phòng chống sạt lở, Nhà nước đã có nhiều dự án đầu tư giúp người dân di dời đến các nơi tái định cư mới, để ổn định cuộc sống. Song thực tế, có những nơi di dời đến rồi lại tiếp tục bị… sạt lở. Vấn đề đặt ra ở đây làm sao khảo sát, dự báo được những điểm an toàn để tổ chức di dời người dân được sinh sống ổn định, lâu dài.
"Vậy, thay mặt bà con nông dân, tôi xin kiến nghị Bộ trưởng Bộ TNMT có chỉ đạo các cơ quan liên quan để triển khai hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo thông qua nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới. Đồng thời, có giải pháp phối hợp với Hội Nông dân để tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho người dân cách nhận biết, các dự báo, cảnh báo sớm để ứng phó với các loại hình thiên tai, góp phần phát triển kinh tế-xã hội", bà Huyền nêu kiến nghị.
Vấn đề thứ 2 đó là phát huy nguồn lực đất đai hiệu quả. Đất của chúng tôi thuộc nông trường chè Sông Cầu, sau khi cổ phần hoá doanh nghiệp xong không còn sản xuất nữa đến nay đã gần 20 năm nay. Một số các diện tích đất, trong đó có 300ha đất bị giữ lại, không giao cho người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của bà con. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm chỉ đạo, kiểm tra để người dân chủ động trong việc sản xuất.
Bà Huyền cũng nêu một thực tế, tình trạng khai thác tài nguyên như núi, đồi vẫn còn tràn lan. Như diện tích đồi trồng chè nếu bị khai thác một phần một góc sẽ rút hết nước ở đồi bên cạnh, sẽ làm ảnh hưởng cả diện tích còn lại. Núi đồi tự nhiên đang bị khai thác nghiêm trọng. Tôi rất mong muốn Bộ TNMT chỉ đạo kiểm tra.
Đối với Hội Nông dân, bà Huyền đề nghị Hội nghiên cứu khoa học đối với từng vùng để hướng bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải phù hợp và khai thác được giá trị bản địa vốn có ở địa phương.
Từ thực tế sản xuất ở địa phương, bà Nguyễn Thị Thương Huyền cũng kiến nghị ngành chức năng về cơ chế, chính sách cho những nông dân làm nông nghiệp ở các khu vực đô thị, thị trấn.
"Thị trấn Sông Cầu của chúng tôi có thể coi là một thị trấn của nông trường, là thị trấn nông nghiệp nhưng không được hưởng cơ chế đặc thù. Nông dân làm nông nghiệp ở thị trấn rất thiệt thòi khi khôn được hường lợi như nông dân ở khu vực nông thôn, bởi nhiều dự án chỉ hỗ trợ cho đơn vị hành chính cấp xã. Vì vậy, dù chỉ cách một con đường nhưng những nông dân bên này được hỗ trợ nhiều còn bên này thì không chỉ vì mang trên mình hai chữ thị trấn. Người nông dân lao động giọt mồ hôi nào cũng mặn chát như nhau, dù khó có sự công bằng tuyệt đối nhưng ranh giới nên gần hơn bởi hiện tại những nông dân ở thị trấn không thể xin được dự án vì tiêu chí của dự án là về xã", bà Huyền nói.
Trả lời những kiến nghị của bà Huyền, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, đó là những kiến nghị thiết thực, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống.
"Thái Nguyên là thủ phủ của chè, đất trồng chè có những yêu cầu rất nghiêm ngặt, không chỉ về thổ nhưỡng, mà còn đòi hỏi yêu cầu về thủy văn. Chè cũng là cây trồng cần vốn đầu tư lớn, hiện nay trong quá trình thu hồi đất thì bồi thường đất trồng chè là chi phí lớn nhất. Do vậy, tôi đồng tình với quan điểm của đại biểu là cần cân nhắc kỹ khi sử dụng đất trong vùng trồng chè, bởi trên một quả đồi, chỉ cần tác động một góc cũng có thể khiến biến dạng, thay đổi nguồn nước, không còn trồng chè được", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nói.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn thuộc bộ cần hướng dẫn các địa phương cần có tính toán kỹ lưỡng trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì không làm ảnh hưởng đến những vùng trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao.
Đối với kiến nghị của bà Huyền cho nông dân vùng đô thị, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, đây là một vấn đề thực tiễn mà có thể các cơ quan chức năng chưa nghiên cứu hết có những quy định ưu tiên, ưu đãi nông dân, hợp tác xã ở địa bàn nông thôn khác với đô thị hoặc chưa có sự tương đồng.
"Với tư cách là thành viên Chính phủ, tôi sẽ báo cáo vấn đề này với Chính phủ để nghiên cứu làm sao ban hành chính sách đảm bảo sự đồng bộ", ông Duy nhấn mạnh.