Trao đổi với PV Dân Việt, ông Luân cho biết: "Năm 2016, trên cơ sở diện tích đất sẵn có của gia đình, tôi đã đổi và mua thêm đất với những người khác trong xóm để đầu tư xây dựng trang trại gà. Thời điểm đầu, gia đình tôi chỉ có một trang trại nhỏ với quy mô khoảng 1.000 gà mỗi lứa...".
Dần dần, ông Luân mở rộng diện tích và xây dựng thêm nhiều trại để đáp ứng nhu cầu chăn nuôi. Đến nay, gia đình ông có 4 trại nuôi gà với tổng diện tích khoảng 18.000m2 với quy mô khoảng 1 vạn gà mỗi năm.
Ông Ngô Quang Luân (xóm Ngò, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) bắt tay vào nuôi gà thả đồi từ năm 2016. Ảnh: Hà Thanh
Ban đầu khi mới nuôi gà, gia đình ông Luân gặp rất nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi.
Lúc bấy giờ, những kiến thức chăn nuôi chủ yếu được ông Luân học hỏi, dung nạp thông qua các buổi hội thảo do một số đơn vị như Hội Nông dân, Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên tổ chức.
Do chưa có kinh nghiệm nên những lứa gà đầu, trong quá trình chăn gà bị bệnh, có những lúc gia đình ông Luân thiệt hại tới 20%, thậm chí có lúc thiệt hại tới 40% tổng số đàn.
Trước thực tế đó, ông Luân nhận thấy cần phải có hướng đi cụ thể hơn mới đảm bảo được việc chăn nuôi. Bởi vậy, năm 2018, khi HTX Gà đồi Đông Thịnh đi vào kiện toàn, ông đã gia nhập HTX và trở thành thành viên chính thức.
Cũng từ đây, các thành viên HTX có cơ hội trao đổi và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để cùng nhau phát triển, mang lại hiệu quả và thu nhập kinh tế cao hơn.
Từ khi tham gia HTX, ông Luân đã có cơ hội học hỏi nhiều kinh nghiệm chăn nuôi từ các thành viên HTX và tham gia các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật. Ảnh: Hà Thanh
Giống gà được ông Luân lựa chọn để nuôi là giống gà ta bản địa. Với 4 trại gà như hiện nay, ông Luân nuôi gối đàn quanh năm, mỗi trại sẽ nhập đàn cách nhau từ 1 – 1,5 tháng.
Để giúp gà nuôi đạt hiệu quả cao, ông Luân lựa chọn thời điểm nhập đàn thích hợp nhằm tránh thời điểm xuất chuồng vào lúc tiêu thụ chậm cũng như tránh cho gà bị bệnh.
Theo ông Luân, gà chủ yếu mắc các bệnh về ký sinh trùng, vi khuẩn vào thời điểm tháng 2 hàng năm do mưa nhiều. Lúc đó gà còn bé nên phải nuôi nhốt và rắc men trong chuồng để tránh cho gà bị bệnh.
Khi gà đạt khoảng 40 – 50 ngày tuổi cần tiến hành thả ra bên ngoài để gà có môi trường tự nhiên phát triển tốt nhất. Cùng với đó, trong quá trình nuôi nhốt cần thực hiện tiêm vắc – xin đầy đủ để phòng bệnh cho gà kết hợp với tẩy giun. Nuôi gà chủ yếu vất vả lúc gà còn bé, còn khi gà lớn hơn sẽ nhàn hơn.
Để gà đạt chất lượng thơm, ngon theo ông Luân yếu tố quan trọng nhất vẫn là nguồn thức ăn, môi trường cũng như điều kiện chăm sóc. Muốn chất lượng gà ngon thì chất lượng thức ăn phải tốt, điều kiện chăm sóc chu đáo và môi trường đủ rộng, thoáng mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông để gà có điều kiện phát triển tốt nhất.
Theo ông Luân, để gà đạt chất lượng thơm, ngon thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là nguồn thức ăn, môi trường cũng như điều kiện chăm sóc. Ảnh: Hà Thanh
Ngoài ra, để gà đủ chất và đạt trọng lượng cao nhất, trong quá trình nuôi khi gà đạt khoảng 70 - 90 ngày tuổi cần tách riêng giữa gà mái và gà trống giúp gà dung nạp được nguồn thức ăn đầy đủ, cần thiết cho sự phát triển. Như vậy vừa giúp giảm lượng tiêu tốn thức ăn lại giúp gà mái phát triển và đẻ nhanh hơn.
Gà đủ tuổi xuất bán phải đạt khoảng 140 ngày. Tính đến thời điểm xuất chuồng, chi phí cho mỗi con gà khoảng 120.000đ/con.
Thời điểm ông Luân nuôi gà với số lượng lớn nhất là năm 2021 với 15.000 gà, từ đó đến nay, ông giảm số lượng còn khoảng 10.000 con mỗi năm, trung bình mỗi năm 2 lứa.
Với số lượng như vậy, mỗi năm, sản lượng gà xuất bán đạt từ 22 – 23 tấn, với giá bán trung bình từ 77.000 – 80.000đ/kg mang về doanh thu khoảng 1,5 – 1,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt khoảng 15%.
Thị trường xuất bán gà của gia đình ông Luân vẫn chủ yếu cho thương lái các tỉnh. Đối với sản phẩm gà đồi Tân Khánh đã có thương hiệu từ nhiều năm nay, là đặc sản của huyện Phú Bình nên được nhiều khách hàng ưa chuộng nên không lo đầu ra.
Bên cạnh chăn nuôi gà, gia đình ông Luân còn có khoảng 5.000m2 diện tích mặt nước để nuôi cá cũng mang về thu nhập tương đối lớn cho gia đình ông. Theo ông Luân, nếu khai thác triệt để và hiệu quả, với mô hình tổng hợp như hiện nay, mỗi năm gia đình ông có thu nhập khoảng 400 – 500 triệu đồng.