Dân Việt

Diễn đàn "Lắng nghe nông dân nói": Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã "kiến tạo, đồng hành và hỗ trợ nông dân"

Minh Ngọc 25/11/2024 14:38 GMT+7
Sau Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói, đã cho thấy rằng người nông dân đã ngày càng tự tin và thẳng thắn hơn. Còn về phía Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã "kiến tạo, đồng hành và hỗ trợ nông dân".

Sáng ngày 24/11, Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói năm 2024 có chủ đề: "Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn", được diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy.

Đúng như chủ đề của Diễn đàn, với trọng tâm là 3 "từ khóa" đang rất "nóng" và mang tính thời sự hiện nay: "Đất đai - NetZero - môi trường", đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Ngoài sự tham dự trực tiếp của hơn 200 nông dân tiêu biểu từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Diễn đàn đã kết nối đến hơn 10.000 điểm cầu là Hội Nông dân các cấp tỉnh, huyện, xã cả nước nhằm tuyên truyền, lan tỏa tới đông đảo cán bộ, hội viên nông dân cả nước. Ngoài ra, có thu hút sự theo dõi của các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, bất động sản...

Theo Ban Tổ chức, trước khi Diễn đàn chính thức diễn ra, thông qua các kênh khác nhau như các cấp Hội Nông dân cả nước gửi về, ý kiến bạn đọc qua chuyên mục Lắng nghe nông dân trên Báo điện tử Dân Việt, đã có trên 1.000 câu hỏi, ý kiến, đề xuất, nguyện vọng được gửi đến hai đồng chí lãnh đạo, nhằm giải đáp các thắc mắc về một số vấn đề lớn.

Cụ thể: các vấn đề về đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024; cơ chế chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu, mục tiêu giảm phát thải ròng, hấp thụ carbon; cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn.

Bộ trưởng - Ảnh 1.

Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói thu hút sự theo dõi rất lớn từ dư luận. Tại Diễn đàn các đồng chí chủ trì, đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trả lời trực tiếp 18 câu hỏi, trong đó, có nhóm các vấn đề đang rất "nóng" như: Đất đai, môi trường, biến đổi khí hậu. Ảnh: Phạm Hưng

Tại Diễn đàn này, trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, đi thẳng vào trọng tâm các vấn đề, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã trả lời trực tiếp 18 câu hỏi, vấn đề, kiến nghị của các đại biểu. Tư lệnh ngành Tài nguyên và Môi trường cũng hết sức cầu thị về kiến nghị của nông dân, HTX, từ đó, định hướng, mở ra "nút thắt", tháo "điểm nghẽn" đối với những vấn đề được nêu tại Diễn đàn.

Trong một kiến nghị của nông dân Vũ Thị Thương Huyền, Giám đốc HTX chè Thịnh An (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) về cơ chế, chính sách cho những nông dân làm nông nghiệp ở các khu vực đô thị, thị trấn. Bà cho biết, thị trấn Sông Cầu thuộc đất nông trường trước đây, là thị trấn nông nghiệp nhưng không được hưởng cơ chế đặc thù. Nông dân làm nông nghiệp ở thị trấn rất thiệt thòi khi không được hưởng lợi như nông dân ở khu vực nông thôn, bởi nhiều dự án chỉ hỗ trợ cho đơn vị hành chính cấp xã.

Vì vậy, dù chỉ cách một con đường nhưng những nông dân bên này được hỗ trợ nhiều còn bên này thì không chỉ vì mang trên mình hai chữ thị trấn. "Người nông dân lao động giọt mồ hôi nào cũng mặn chát như nhau", bà nói, dù khó có sự công bằng tuyệt đối nhưng ranh giới nên gần hơn bởi hiện tại những nông dân ở thị trấn không thể xin được dự án vì tiêu chí của dự án là về xã.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, đó là những kiến nghị thiết thực, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống. Ông cũng hết sức cầu thị khi cho rằng, đây là một vấn đề thực tiễn mà có thể các cơ quan chức năng chưa nghiên cứu hết để có những quy định ưu tiên, ưu đãi nông dân, hợp tác xã ở địa bàn nông thôn khác với đô thị hoặc chưa có sự tương đồng.

"Với tư cách là thành viên Chính phủ, tôi sẽ báo cáo vấn đề này với Chính phủ để nghiên cứu làm sao ban hành chính sách đảm bảo sự đồng bộ", ông Duy khẳng định như vậy.

Bộ trưởng - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã trả lời và làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu nêu tại Diễn đàn. Ảnh: Phạm Hưng

Khi đồng hồ điểm 11 giờ 30 phút, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nói, còn rất nhiều câu hỏi mong muốn được Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy trả lời trực tiếp tại Diễn đàn, tuy nhiên, do thời gian có hạn nên chỉ 4 đại biểu được đặt câu hỏi trước khi Bộ trưởng kết luận Diễn đàn.

Mặc dù "quota" chỉ có 4 đại biểu được hỏi, tuy nhiên, gần 20 cánh tay từ Diễn đàn giơ lên mong muốn được nói lên câu chuyện của mình. Điều này cho thấy rằng, câu chuyện "Đất đai - NetZero - môi trường" chưa bao giờ hết "nóng".

Vấn đề đất đai, môi trường chưa bao giờ hết "nóng" là bởi nó gắn trực tiếp đến quyền lợi, đời sống của người nông dân. Trước khi Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội chính thức thông qua, tại một Hội nghị của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), được tổ chức năm 2023. Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn từng phát biểu rằng, đối với nông dân, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng, không chỉ là sinh kế của hơn 1/3 dân số cả nước với hơn 9,1 triệu hộ nông dân, mà còn là nền tảng cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

"Những quy định mới về đất đai sẽ giúp nông dân có nền tảng tích tụ ruộng đất, phát triển các mô hình sản xuất tập trung, quy mô lớn, từ đó góp phần cơ cấu lại nông nghiệp, phát huy vai trò kinh tế hộ gia đình, phát triển kinh tế trang trại, phát triển các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị..., giúp ngành nông nghiệp tạo việc làm và gia tăng thu nhập cho người dân nông thôn", Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nói.

Bộ trưởng - Ảnh 3.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn trả lời câu hỏi của đại biểu TP Hà Nội về kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động của Hội Nông dân Việt Nam trong công tác giải phóng mặt bằng để làm dự án đường vành đai 4. Ảnh: Phạm Hưng

Đánh giá về Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, đây là Diễn đàn "chất lượng nhất từ trước đến nay, cả về câu hỏi và câu trả lời của Bộ trưởng và các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường".

Từ Diễn đàn này có thể khẳng định rằng, người nông dân đã ngày càng tự tin và thẳng thắn hơn. Điều đáng quý nhất là họ đã hiểu được "hệ sinh thái môi trường và nguồn lực đất đai có tác động đến sản xuất, việc làm, thu nhập của chính mình. Còn về phía Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã "kiến tạo, đồng hành và hỗ trợ nông dân".

Chuyên gia Hoàng Trọng Thủy cho rằng, để người nông dân thực sự là chủ thể, trung tâm trong chuỗi sản xuất nông nghiệp thì không chỉ dừng lại ở Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói mà cần có những Diễn đàn "lắng nghe nông dân nói" đến từ Bộ trưởng Bộ Công Thương", lý do là bởi nếu không giải quyết tốt vấn đề tiêu thụ nông sản thì nông dân rất dễ quay lại sản xuất truyền thống.