Bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) khuyến cáo như thế tại Hội nghị thường niên nhóm công tác đối tác công tư về hồ tiêu và gia vị 2024 tổ chức tại TP.HCM ngày 25/11.
Theo VPSA, đến hết tháng 10/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 219.387 tấn hồ tiêu các loại. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,1 tỷ USD.
So với cùng kỳ năm trước, lượng xuất khẩu giảm 1,9%; tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng đến 48%.
Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 10 tháng đạt 4.971 USD/tấn, tăng 1.528 USD; và tiêu trắng đạt 6.626 USD/tấn, tăng 1.671 USD so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, trong top 10 thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất, thị trường Trung Quốc giảm đến 84%
Tính chung, cả thị trường châu Á giảm 32,7% trong khi thị trường châu Mỹ tăng 43,7% và và châu Âu tăng 31,8%.
Bà Hoàng Thị Liên cho biết, dự kiến sản lượng niên vụ 2024-2025 sẽ tăng nhờ giá tiêu cao nên bà con chăm sóc vườn tốt hơn.
Theo bà Liên, sức mua tăng từ thị trường Âu, Mỹ đã bù đắp lại cho sụt giảm đáng kể từ thị trường Trung Quốc.
VPSA kỳ vọng mùa vụ sau, thị trường Trung Quốc sẽ thu mua tích cực trở lại vì năm 2024, thị trường này chỉ mua khoảng 10.000 tấn.
Với các thị trường khác, hầu như khách hàng đã chuẩn bị đủ nguồn hàng trong năm nay. Sức ép phải mua ngay khi vào vụ là không lớn, khách hàng sẽ không vội vã.
Tuy nhiên, bối cảnh chung là nguồn cung giảm, điều này giúp giá tiêu tiếp tục duy trì mức cao.
"Chu kỳ tăng giá tiêu có thể kéo dài ổn định trong 2-3 năm tới vì VPSA chưa nhìn thấy biểu hiện có lượng lớn hồ tiêu đổ dồn ra thị trường, tạo sức ép hạ giá tiêu xuống", bà Liên nói.
Cũng theo VPSA, từ những va vấp do giá tiêu tăng thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị tốt hơn cho các niên vụ tiếp theo.
Trong xu hướng giá tiêu ở mức cao, nhiều doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt hơn nguồn hàng cũng như các hợp đồng giao xa, giảm các hợp đồng ký khống.
Không chỉ nhà xuất, nhập khẩu, nhiều người mua trong nước trong đó có nông dân cũng có nhu cầu mua tiêu. Với nông dân trồng tiêu, giá tiêu tăng đến đâu và khả năng thu lợi ở mức nào còn tùy mức đầu tư.
Bà Liên khuyến cáo bà con nên đầu tư lành mạnh; cần đặt tầm nhìn dài hạn, có thể 3-6 tháng hoặc lâu hơn. Và nếu chưa có nhu cầu, nông dân không cần bán vội.
"Việc thu mua tiêu cũng nên đầu tư theo lượng vốn mình có; không nên gom tiền thu mua tiêu, đầu cơ trong ngắn hạn vì khó tránh khỏi những rủi ro bất ngờ vì biến động thị trường", bà Liên nói.
Ông Nguyễn Quý Dương – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, vấn đề đặt ra là tránh "vết xe đổ" những năm trước. Khi giá tiêu lên thì bà con đầu tư rất mạnh. Đến khi giá tiêu giảm, có lúc còn 35.000 đồng/kg thì bỏ bê.
Năm 2024 bắt đầu chu kỳ tăng giá tiêu sau nhiều năm liền giá giảm thấp. Việc phát triển hồ tiêu hiện nay cần đảm bảo tính bền vững, không để xảy ra tình trạng chặt - trồng, trồng – chặt.
Thêm nữa là tình trạng lạm dụng phân bón phân vô cơ trong nhiều năm trước đã khiến cây tiêu suy yếu vì bệnh; và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được phát hiện trong hạt tiêu.
Theo ông Dương, gốc rễ của hồ tiêu an toàn nằm ở khâu sản xuất. Kế hoạch của nhóm đối tác công tư hồ tiêu và gia vị đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 70% hồ tiêu sản xuất ở Việt Nam đạt yêu cầu MRL (giới hạn Dư lượng); 25% nông dân hồ tiêu tăng 20% thu nhập; 25.000 nông dân được tập huấn và tiếp cận dịch vụ nông nghiệp; 75.000 tấn hồ tiêu được sản xuất bền vững.