Dân Việt

Đổi mới tranh luận nghị trường: Bản lĩnh, Trí tuệ, Hiệu quả

Nhóm Phóng viên 15/11/2024 15:12 GMT+7
Hoạt động tranh luận tại nghị trường Quốc hội ngày càng đổi mới, hiệu quả hơn, thể hiện ngay tại Kỳ họp Thứ 7, Thứ 8 Quốc hội Khóa XV.

LTS: Tranh luận là quá trình thảo luận có tổ chức về một chủ đề cụ thể, các bên lần lượt đưa ra luận điểm ủng hộ hoặc phản đối về chủ đề được đưa ra để làm sáng tỏ, tường minh chủ đề được thảo luận.

Tại Quốc hội, tranh luận nghị trường là hoạt động không thể thiếu, có ý nghĩa quan trọng trong việc xem xét, cân nhắc, đánh giá các vấn đề, nội dung dự thảo Luật được đưa ra bàn thảo.

Quyền tranh luận bắt đầu xuất hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Qua mỗi kỳ họp Quốc hội, tính tích cực, hiệu quả của hoạt động tranh luận càng được thể hiện rõ rệt. Tranh luận đã dần đưa hoạt động nghị trường của các vị Đại biểu Quốc hội từ "tham luận" sang "thảo luận, tranh luận".

Đặc biệt, trong Kỳ họp Thứ 7, Thứ 8 Quốc hội khóa XV hoạt động tranh luận, đối thoại càng có thêm những nét đổi mới. Mỗi đại biểu chuẩn bị số liệu, hồ sơ, nghiên cứu kỹ càng trước phiên thảo luận, chất vấn để thể hiện sự "đồng thuận hoặc chưa đồng thuận". Dù có những luận điểm khác nhau, nhưng các tranh luận của Đại biểu Quốc hội đều rất trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết để hướng đến một mục tiêu duy nhất: Vì lợi ích cử tri!

Băn khoăn từ ruộng đồng đến tranh luận tại nghị trường Quốc hội (Bài 1)

Một trong những dự luật được tranh luận nhiều nhất trong Kỳ họp thứ 7, thứ 8 Quốc hội khóa XV là Luật Thuế GTGT (sửa đổi). Một trong những điểm mới được đề xuất của dự thảo luật được cho là sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, đến đời sống người nông dân.

Kiến nghị từ ruộng đồng

Hơn 10 năm nay, ông Trần Văn Chiến (ấp Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) đầu tư hơn 10ha diện tích trồng vú sữa, sầu riêng. Hai năm gần đây, giá sầu riêng bắt đầu tăng mạnh, từ 30 – 40 nghìn đồng/kg có thể lên đến 160 nghìn đồng/kg lúc sốt giá.

Niềm vui sầu riêng tăng giá mới chớm, người nông dân đã phải đối mặt với "nỗi sầu" tăng giá vật tư nông nghiệp, trong đó có mặt hàng phân bón. "Giá biến động mạnh, người ta ngay lập tức đẩy giá phân bón, khiến chi phí trồng trọt tăng, giá thành đội lên. Nếu giá sầu riêng giảm bất ngờ, lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức", ông Chiến nói.

Trong các vật tư nông nghiệp, mặt hàng phân bón chiếm đến trên 50% chi phí sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của người nông dân.

"Tui không nắm rõ quy định pháp luật, nhưng luôn mong các vị đại biểu Quốc hội vì cử tri, vì người nông dân để lựa chọn phương án hài hòa nhất, giúp người nông dân có lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp", ông Chiến kiến nghị.

Đổi mới tranh luận nghị trường: Bản lĩnh, Trí tuệ, Hiệu quả - Ảnh 1.

Ông Trần Văn Chiến, mong các vị đại biểu Quốc hội vì cử tri, vì người nông dân để lựa chọn phương án hài hòa nhất, giúp người nông dân có lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Nguyễn Chương

Từ đất mũi Cà Mau, qua Báo NTNN/Điện tử Dân Việt, ông Phạm Trường Giang – Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Long Giang cũng gửi tâm tư nguyện vọng của mình đến các vị Đại biểu Quốc hội.

"Khoảng 2 năm trở lại đây, giá lúa đứng ở mức cao. Nhưng giá lúa tăng, vật tư nông nghiệp cũng tăng theo, giá phân bón tăng cao. Làm không khéo bà con trong HTX không thu được lợi nhuận. Người bán mặt cho đất, bán lưng cho trời lại thành làm không công", ông Giang bày tỏ.

Ông Giang bấm tay tính, mỗi ha đất thu được 17 triệu đồng/vụ, trừ chi phí phân bón, vật tư nông nghiệp khác và công sản xuất, người nông dân thu lợi nhuận khoảng 30%. Nhưng nếu giá phân bón tăng bất chợt, không khéo co vén, là không có lợi nhuận.

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Long Giang mong muốn chính sách về thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón sẽ đảm bảo lợi ích hài hòa, giúp người nông dân sản xuất có lợi nhuận.

Cách ruộng đồng rộng 30ha của HTX Long Giang khoảng 2000km, vấn đề thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón được các Đại biểu Quốc hội bàn thảo, tranh luận, góp ý rất tâm huyết, trách nhiệm. Đây được coi là một trong những nội dung "nóng nhất" trong Luật Thuế GTGT (sửa đổi), được cử tri và Quốc hội dành sự quan tâm.

Đổi mới tranh luận nghị trường: Bản lĩnh, Trí tuệ, Hiệu quả - Ảnh 2.

Những năm gần đây cây sầu riêng mang lại hiểu quả kinh tế cao cho bà con nông dân ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Nguyễn Chương

Nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích dự thảo luật vì lợi ích cử tri

Luật Thuế GTGT (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV (Đợt 1: từ ngày 20/5 – 08/6/2024; Đợt 2: từ ngày 17/6 – 28/6/2024). Và tại Kỳ họp thứ 8 đang được tổ chức, Luật Thuế GTGT (sửa đổi) cùng 14 dự luật khác sẽ được xem xét, thông qua.

Tại buổi họp báo chương trình Kỳ họp thứ 8, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã đánh giá kỳ này "có tính chất quan trọng" và nhiều nội dung sẽ được xem xét với phương án tiếp cận mới, tăng thảo luận ở tổ, giảm thảo luận ở Hội trường về tình hình kinh tế xã hội để có nhiều đại biểu phát biểu hơn.

Đổi mới tranh luận nghị trường: Bản lĩnh, Trí tuệ, Hiệu quả - Ảnh 3.

Luật Thuế GTGT (sửa đổi) được nhiều ĐBQH quan tâm trao đổi, tranh luận tại nghị trường. Ảnh Quochoi.vn

Với riêng nội dung Thuế GTGT với mặt hàng phân bón, "cách tiếp cận mới" được các vị Đại biểu thể hiện ở quan điểm, luận điểm đưa ra khi tranh luận tại Nghị trường Quốc hội.

Ngày 29/10, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật thuế GTGT sửa đổi. Tại phiên thảo luận đã có 19 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, 05 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội tranh luận, trong đó các ý kiến đại biểu cơ bản đánh giá cao việc chuẩn bị Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật.

Tại nghị trường, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đã thẳng thắn nhìn nhận, trước đây ông cho rằng áp thuế GTGT 5% đối với phân bón thì nông dân sẽ thiệt thòi. Nhưng đến nay, ông đã nghiên cứu đầy đủ nhìn nhận việc không áp thuế đối với mặt hàng này gây bất lợi rất lớn cho ngành sản xuất phân bón, thất thu thuế với Nhà nước và ảnh hưởng lâu dài đến quyền lợi nông dân.

Trao đổi với PV Dân Việt, ĐBQH Phạm Văn Hòa xác nhận tại Kỳ họp thứ 7 ông vẫn xác định giữ nguyên việc không áp thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ, qua những tranh luận thẳng thắn tại nghị trường ông nhận thấy rằng cần áp thuế suất GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón.

"Mặt hàng này là loại hàng bình ổn giá, chúng ta cần bàn tay quản lý của Nhà nước để đảm bảo giá phân bón không tăng cao như thời gian qua", ông Hòa cho hay.

Đổi mới tranh luận nghị trường: Bản lĩnh, Trí tuệ, Hiệu quả - Ảnh 4.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đã thẳng thắn nhìn nhận, trước đây ông cho rằng áp thuế GTGT 5% đối với phân bón thì nông dân sẽ thiệt thòi. Ảnh: Thanh Xuân

Tương tự, đại biểu Nguyễn Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng có quan điểm thay đổi về đề xuất áp thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón, nhưng ở một hướng khác.

Đại biểu Nguyễn Đức Hiếu cho rằng phương án chọn áp thuế GTGT đối với phân bón hay không, nếu có sẽ áp dụng thuế suất nào cần xem xét kỹ ở góc độ lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, ở đây là nông dân. Ông Hiếu ủng hộ phương án áp thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón, nhưng mức thuế suất là 0%.

Ông Hiếu đã xem xét các kịch bản, đưa ra các con số phân tích cụ thể để "thuyết phục" người nghe. Đại biểu Nguyễn Đức Hiếu cũng đề nghị lấy ý kiến riêng về thuế GTGT đối với phân bón trước khi thông qua toàn văn dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi.

Trên nghị trường, nội dung này được các ĐBQH tranh luận sôi nổi, trách nhiệm. Nhiều ý kiến ủng hộ việc áp thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón, mức thuế suất 5% như đề xuất của Chính phủ. Cũng có ý kiến tranh luận băn khoăn việc áp thuế sẽ làm giá phân bón tăng cao, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp.

Có thể nhìn nhận, dù có ý kiến khác nhau, nhưng các ĐBQH đều tranh luận, phân tích, bảo vệ quan điểm dựa trên một điểm chung là người đại diện cho các cử tri, vì lợi ích cử tri!

Không chỉ đối với vấn đề thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón, rất nhiều các chính sách ảnh hưởng sâu rộng toàn xã hội, các vấn đề nóng đã được các ĐBQH thảo luận, tranh luận, làm rõ như trách nhiệm cán bộ công chức, kiểm soát nồng độ cồn, đẩy mạnh đầu tư công, đẩy lùi bạo lực học đường, … Điều này thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm, bản lĩnh của các vị đại biểu dân cử trong Quốc hội.

Sáng 14/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi). Tại Phiên họp, một số thành viên UBTVQH đề nghị lấy ý kiến các đại biểu về những vấn đề còn ý kiến khác nhau, trong đó có vấn đề thuế GTGT với phân bón. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, mặc dù cơ quan chủ trì thẩm tra thống nhất với ý kiến của Chính phủ trong việc chuyển phân bón sang diện chịu thuế GTGT 5%. Tuy nhiên, do nhiều đại biểu chưa thống nhất nên cần xin ý kiến đại biểu để đảm bảo tính đồng thuận và thống nhất cao trước khi thông qua.

Đón đọc Bài 2: Chủ động, linh hoạt để nâng cao uy tín Quốc hội