Dân Việt

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, Hải Phòng "thay da đổi thịt" từng ngày (bài 2)

Vũ Thị Hải 26/11/2024 15:44 GMT+7
Thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng, đến nay, sau 5 năm, Hải Phòng đã đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực kinh tế- xã hội, an ninh- quốc phòng, thành phố như được "thay da đổi thịt" từng ngày.
  • Điểm sáng trong bức tranh kinh tế của cả nước

Theo đánh giá của các đại biểu tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, đến nay, sau một chặng đường 5 năm, Hải Phòng đã đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực kinh tế- xã hội, an ninh- quốc phòng; nhiều kế hoạch, chương trình, đề án đã được ban hành; nhiều nguồn lực được bố trí để triển khai, nhất là trong các lĩnh vực mũi nhọn. Hải Phòng tiếp tục khẳng định được vai trò là trung tâm kinh tế - xã hội lớn vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. 

Trong những thành tựu đó, lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả ấn tượng, là điểm sáng trong bức tranh chung của cả nước; đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân Thành phố tiếp tục được nâng cao. Những thành tựu mà Thành phố Hải Phòng đạt được trong 5 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn của các chủ trương, định hướng của Nghị quyết số 45-NQ/TW và Nghị quyết đang thực sự đi vào cuộc sống.

Từng người dân thành phố Cảng cảm nhận rõ nét sự đổi thay của thành phố từng ngày từng giờ, nhất là những người con đi làm ăn xa lâu ngày trở về thăm quê đều nhận thấy diện mạo của Hải Phòng như đã đổi khác, thành phố đã thực sự "thay da đổi thịt". 

Nói về sự phát triển của thành phố những năm qua, ông Phạm Thanh Đông, một cựu chiến binh 50 năm tuổi Đảng, trú tại phường Kênh Dương, quận Lê Chân chia sẻ, ông cũng như nhiều người dân trên địa bàn đều rất phấn khởi trước sự đổi mới từng ngày của Hải Phòng. "Đây là thời kỳ thành phố phát triển nhanh, rực rỡ nhất mà chúng tôi được chứng kiến từ trước tới nay. Rất mong Hải Phòng tiếp tục phát triển hơn nữa, thành phố quan tâm hơn nữa tới đời sống của người dân...", ông Phạm Thanh Đông phấn khởi nói. 

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, Hải Phòng "thay da đổi thịt" từng ngày (bài 2)- Ảnh 1.

Một góc Hải Phòng phát triển làm thay đổi diện mạo thành phố. Nhiếp ảnh Nguyễn Đức Nghĩa

Dưới đây là một số kết quả nổi bật được minh chứng bằng những số liệu cụ thể mà Đảng bộ và nhân dân thành phố Hải Phòng đã đạt được trong 5 năm qua. 

- Có 3/7 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 45-NQ/TW đã gần đạt, hoặc hoàn thành, gồm: Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2018-2025 tối thiểu là 13% (đến nay đạt 12,6%); Đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào GRDP từ 44%-45% (đến nay đạt 43,26%); Cơ bản không còn hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia).

- Kinh tế Thành phố Hải Phòng liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao ở mức hai con số: GRDP từng năm trong giai đoạn 2019 - 2023 đạt 12,6%/năm, gấp 2,44 lần bình quân chung cả nước (5,16%/năm), gấp 1,74 lần giai đoạn 2014 - 2018. Năm 2023 là năm thứ 9 liên tiếp duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số.

Chất lượng tăng trưởng được nâng cao, Hải Phòng thuộc nhóm các địa phương có năng suất lao động cao nhất cả nước. Năm 2023, năng suất lao động thành phố theo giá hiện hành đạt 392,1 triệu đồng/lao động, cao gấp gần 2 lần bình quân chung cả nước (199,3 triệu đồng/lao động), gấp hơn 2 lần so với năm 2018 (190,86 triệu đồng/lao động).

Quy mô kinh tế không ngừng được mở rộng, duy trì vị trí thứ hai trong Vùng đồng bằng sông Hồng, sau thủ đô Hà Nội. GRDP bình quân đầu người của thành phố Hải Phòng được cải thiện đáng kể, giai đoạn 2019 - 2023 đạt 11,64%/năm, gấp 2,83 lần tăng trưởng GDP bình quân đầu người của cả nước (4,11%/năm) và gấp 1,97 lần GDP vùng đồng bằng sông Hồng (5,92%/năm).

GRDP bình quân đầu người năm 2023 của Hải Phòng (theo giá hiện hành) đạt 191,21 triệu đồng/người, tương đương 7.826,12 USD/người, gấp 1,83 lần năm 2018 và bằng 1,87 lần so với cả nước (năm 2018 GRDP bình quân của thành phố đạt 104,42 triệu đồng/người, cao gấp 1,42 lần cả nước), đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, tuy nhiên so với mục tiêu Nghị quyết đến năm 2025 là 14.740 USD/năm mới đạt khoảng 53 % yêu cầu.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại với ngành công nghiệp phát triển nhanh, là động lực chính trong phát triển kinh tế và thành phố từng bước khẳng định là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước; cơ cấu ngành công nghiệp phát triển theo hướng gia tăng giá trị và mức độ thông minh, hiện đại hóa, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. 

Khu vực nông nghiệp, nông thôn có những chuyển biến rõ rệt; công cuộc xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh với nhiều cách làm mới, sáng tạo, mang tính thiết thực và hiệu quả. Khu vực dịch vụ tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng, tập trung vào đầu tư cơ sở vật chất; các lĩnh vực thương mại, vận tải, du lịch tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong phát triển dịch vụ của Thành phố.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2019 - 2023 ước thực hiện 480.043,32 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 6,96%/năm, gấp 1,88 lần bình quân chung cả nước (3,71%/năm). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Hải Phòng năm 2023 đạt 103.688,59 tỷ đồng, gấp 1,4 lần năm 2018.

Cơ cấu nguồn thu chuyển biến theo hướng tỷ trọng thu ngân sách nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn có xu hướng tăng, từ 33,45% năm 2018 lên 41,93% năm 2023; tính cả giai đoạn 2019 - 2023, tỷ trọng thu nội địa là 36,77%, tăng 9,15 điểm phần trăm so với giai đoạn 2014 - 2018 (27,62%). Sự dịch chuyển này mang tính tích cực, có xu hướng bền vững hơn khi sự phụ thuộc nguồn thu của ngân sách nhà nước đối với hoạt động thu xuất nhập khẩu giảm xuống; thu ngân sách nội địa với quy mô ngày càng lớn, qua đó giúp tăng sự chủ động và khả năng cân đối nguồn lực của thành phố trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết.

Thành phố Hải Phòng đã chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương cụ thể hóa, xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển thành phố theo Nghị quyết số 45-NQ/TW, nổi bật trong số đó là Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Trong đó, có các chính sách vượt trội về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; chính sách về quản lý đất đai; chính sách về quản lý quy hoạch, chính sách về thu nhập cho cán bộ, viên chức. Đây là công cụ pháp luật quan trọng để Hải Phòng phát triển bứt phá và trở thành động lực tăng trưởng của cả nước.

Đối với khu vực miền Bắc, ngoài Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng, hiện chưa có địa phương nào được thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù để góp phần phát triển khu vực Bắc Bộ.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, Hải Phòng "thay da đổi thịt" từng ngày (bài 2)- Ảnh 2.

Công trình xây dựng Trung tâm Hành chính mới tại Khu đô thị Bắc Sông Cấm, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng. Nhiếp ảnh Nguyễn Đức Nghĩa

Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 30/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 tạo điều kiện cho thành phố định hướng toàn diện về phát triển không gian, kiến trúc, cảnh quan, quy mô dân số và đất đai, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở trên địa bàn; là cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện đầu tư, xây dựng và quản lý phát triển đô thị hợp lý, đồng bộ với tổng thể hệ thống đô thị quốc gia và tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân thành phố Hải Phòng; 

Quyết định số 1516/QĐ-TTg ngày 2/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho thành phố Hải Phòng, tạo ra xung lực mới đưa Hải Phòng phát triển ngang tầm với các thành phố hàng đầu Châu Á và thế giới.

* Thu hút đầu tư từ mọi nguồn lực xã hội

Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2019 - 2023 đạt 813.065 tỷ đồng, chiếm 5,42% vốn đầu tư cả nước, gấp 2,5 lần năm giai đoạn 2014 - 2018 (325.607,7 tỷ đồng), tăng trưởng bình quân 11,64%/năm. 

Hải Phòng liên tục nằm trong danh sách các địa phương dẫn đầu về thu hút FDI toàn quốc, đã và đang trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới và các nhà đầu tư nước ngoài. 

Hải Phòng đã thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong nước đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế trọng yếu của thành phố như công nghiệp, kết cấu hạ tầng giao thông, các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, giáo dục đào tạo, y tế như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Sungroup, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng, Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Hateco, Công ty TNHH MTV Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn,…

Trình độ công nghệ của kinh tế thành phố có nhiều cải thiện, hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ cao của thành phố luôn được đẩy mạnh. Tỷ lệ đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế tăng dần qua từng năm, giai đoạn 2019-2023 đạt bình quân 43,26% và gấp 1,1 lần tăng trưởng bình quân chung cả nước (39,76%).

Kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư, tập trung huy động nguồn lực phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần thực hiện tốt vai trò là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. 

Tính chung giai đoạn 2019 - 2023, thành phố Hải Phòng đã xây mới được 19,67 km đường quốc lộ, 28,78 km đường tỉnh lộ, 55,49 km huyện lộ, 137,04 km đường đô thị. Nhiều công trình giao thông có vai trò liên kết vùng, khu vực đã hoàn thành như đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, cầu Bến Rừng; cải tạo nâng cấp QL10 đoạn Quán Toan - Cầu Nghìn và đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền nối Hải Phòng - Quảng Ninh....

Các bến số 3, 4, 5, 6, 7, 8 của Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện và tiếp tục kêu gọi đầu tư các bến còn lại của Cảng Lạch Huyện. Thành phố Hải Phòng cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan tích cực khởi động tìm kiếm, làm việc với các nhà đầu tư quan tâm đầu tư Cảng biển Nam Đồ Sơn.

Hiện nay, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đang được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP triển khai Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách số 2, Dự án mở rộng sân đỗ máy bay giai đoạn 2 và Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hàng hóa Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi.

Xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị Hải Phòng mang đặc trưng, bản sắc riêng của thành phố cảng biển; tiếp tục đẩy mạnh chỉnh trang, nâng cấp đô thị trung tâm. Không gian đô thị tiếp tục được đầu tư, mở rộng theo 3 hướng đột phá. Tập trung đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. 

Thành phố đã hoàn thiện xong các Đề án thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên, thành lập đơn vị hành chính quận tại huyện An Dương. Ngày 24/10/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 1232/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023 – 2025 trong đó có việc thành lập thành phố Thủy Nguyên trực thuộc thành phố Hải Phòng; điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính huyện An Dương để mở rộng quận Hồng Bàng và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023 - 2025. Hoàn thiện Đề án tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng trình Chính phủ.

Cơ bản hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đang khẩn trương tổ chức thi công xây dựng các công trình khu Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố, Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn thành phố, Quảng trường phía trước Trung tâm Chính trị - Hành chính tại Khu đô thị mới Bắc sông Cấm. Dự kiến hoàn thành việc xây dựng và thực hiện di chuyển trung tâm hành chính thành phố sang phía Bắc Sông Cấm trong Quý I năm 2025, đảm bảo tiến độ theo Nghị quyết số 45-NQ/TW đề ra.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, Hải Phòng "thay da đổi thịt" từng ngày (bài 2)- Ảnh 3.

Đô thị Hải Phòng được trang hoàng đẹp đẽ trong các dịp lễ tết. Nhiếp ảnh Nguyễn Đức Nghĩa

Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đạt được nhiều kết quả, các quy hoạch lớn có tính định hướng đã hoàn thành và đang được tổ chức triển khai. Phát triển đô thị có nhiều khởi sắc, không gian đô thị được mở rộng. 

Thành phố đang tập trung chỉ đạo xây dựng khu kinh tế mới - khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với diện tích khoảng 20.000ha - là khu kinh tế sinh thái thế hệ 3.0, đa ngành, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, cảng biển, logistics hiện đại và đô thị thông minh; là đầu mối của thành phố tham gia chuỗi giá trị và cung ứng khu vực và thế giới. 

Mục tiêu đến năm 2030, khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng trở thành một động lực chủ đạo của nền kinh tế thành phố.

Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết số 45-NQ/TW, thành phố Hải Phòng đang nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng, dự kiến nằm trong khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng.

Phát triển kinh tế được thực hiện đi đôi với phát triển văn hóa - xã hội; giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp. Nhiều lễ hội được duy trì, tổ chức đúng định hướng của Nhà nước và thực sự trở thành ngày hội, mang đậm bản sắc văn hoá Hải Phòng như lễ hội Chọi trâu, lễ hội Làng cá Cát Bà, lễ hội Nữ tướng Lê Chân, lễ hội Hoa Phượng Đỏ… 

Năm 2023, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà đã được Ủy ban Di sản thế giới UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với các giá trị thẩm mỹ và địa chất, địa mạo nổi bật toàn cầu.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh theo chuẩn nghèo của từng giai đoạn, thấp hơn nhiều bình quân chung cả nước và Vùng đồng bằng sông Hồng; người nghèo được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản và phấn đấu cuối năm 2024 không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. 

Chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao. Các bệnh viện tuyến thành phố tiếp tục duy trì thực hiện thường quy các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm với các trung tâm lớn của cả nước. Năm 2023, thành phố đã triển khai thành công kỹ thuật ghép tạng, đánh dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành y tế thành phố.

Hải Phòng đang nổi lên như một trung tâm phát triển thị trường khoa học - công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo của vùng Bắc bộ và được Bộ Khoa học và Công nghệ lựa chọn để đặt điểm kết nối cung cầu công nghệ vùng đồng bằng sông Hồng. Chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên. Quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và giải phóng mặt bằng đạt nhiều kết quả quan trọng; công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng được tăng cường, phát huy hiệu quả. Thực hiện các chính sách xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân Thành phố không ngừng được nâng cao.

Công tác cải cách hành chính đã có những bước chuyển biến rõ rệt, toàn diện tác động tích cực vào hoạt động quản lý điều hành, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, Hải Phòng trở thành một trong những địa phương có môi trường đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Giai đoạn 2019 - 2023, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của thành phố đã có những chuyển biến mạnh mẽ, liên tục đạt vị trí xếp hạng cao. Năm 2021 là năm đầu tiên Hải Phòng vươn lên vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố và thứ 2/11 trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Năm 2022 và 2023, PCI Hải Phòng đều xếp vị trí thứ 3 cả nước và thứ 2/11 trong vùng Đồng bằng sông Hồng.

Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của thành phố luôn duy trì là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước kể từ năm 2012 - năm đầu tiên Bộ Nội vụ thực hiện đo lường, đánh giá chỉ số này. Năm 2021, Hải Phòng lần đầu tiên bứt phá lên ngôi vị quán quân chỉ số cải cách hành chính với kết quả 91,8%. Các chỉ số thành phần về công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách tài chính, hiện đại hóa nền hành chính luôn đạt thứ hạng cao, trong đó các chỉ số về cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách tài chính công liên tục đứng vị trí thứ nhất.

Phát triển kinh tế - xã hội được gắn kết chặt chẽ với tăng cường quốc phòng, an ninh, chủ quyền trên biển của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc, xây dựng thế trận an ninh nhân dân kết hợp với nền quốc phòng toàn dân. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm, củng cố; có nhiều đổi mới về tổ chức bộ máy và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; cải cách hành chính có chuyển biến rõ rệt. Đội ngũ cán bộ Thành phố được kiện toàn theo hướng đủ về số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, Hải Phòng "thay da đổi thịt" từng ngày (bài 2)- Ảnh 4.

Một góc Hải Phòng phát triển. Nhiếp ảnh Nguyễn Đức Nghĩa

* Cần sớm ban hành chính sách đặc thù

Tại Hội nghị cho ý kiến về Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (diễn ra tại Hà Nội ngày 13/9/2024), trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được và những bất cập sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có phát biểu chỉ đạo mang tính định hướng cho Hải Phòng. 

Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23.11.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm thống nhất và nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của thành phố Hải Phòng trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; khẳng định việc thực hiện nhiệm vụ phát triển thành phố Hải Phòng theo mục tiêu được đề ra là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, nhất là của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Hải Phòng.

Tổng Bí thư yêu cầu, cần nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội mang tính đột phá phù hợp với thực tiễn phát triển của thành phố Hải Phòng, nhất là về quản lý đầu tư, tài chính, ngân sách nhà nước, quy hoạch, đô thị, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tổ chức bộ máy, thu nhập cán bộ, công chức, viên chức, thành lập khu thương mại tự do…

Cùng với đó, Tổng Bí thư chỉ đạo cần đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghiệp công nghệ cao, cụm công nghiệp; đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; hiện đại hoá đô thị với đặc trưng, bản sắc riêng của thành phố cảng biển; phát triển văn hoá đồng bộ, ngang tầm với phát triển kinh tế; phát triển thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo chất lượng cao, trung tâm y tế hiện đại hàng đầu của vùng và cả nước; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên địa bàn; nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả…

"Đảng bộ và Nhân dân thành phố Hải Phòng cần phát huy truyền thống Trung dũng - Quyết thắng, phẩm chất Đoàn kết - Nghĩa tình - Năng động - Sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để tiếp tục xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng xứng tầm với mong muốn của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Nhân dân cả nước"- Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, Thứ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng đã nhấn mạnh vào các cơ chế, chính sách để phát triển TP.Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước, động lực phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.  

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, vẫn còn một số cơ chế, chính sách mới có tính đột phá, đặc thù cho thành phố chưa được ban hành như: Thành lập Khu thương mại tự do, thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị một cấp và hai cấp hành chính; nghiên cứu mô hình cơ quan quản lý cảng...

"Vấn đề này Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thức rõ, để tạo động lực cho TP.Hải Phòng phát triển tương xứng với tiềm năng vị trí cần có các cơ chế, chính sách đủ mạnh tạo đột phá, xứng đáng là thành phố cảng, có nền công nghiệp hiện đại là trọng điểm về kinh tế biển, trung tâm dịch vụ logistics của khu vực phía Bắc"- Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu đề nghị Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội tạo điều kiện để thành phố hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết, nhất là, những giải pháp cụ thể triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá trong thời gian tới, giúp thành phố Hải Phòng đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước.

Về phần mình, Bí thư Thành uỷ Lê Tiến Châu khẳng định, lãnh đạo thành phố sẽ quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, nhất là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực nổi trội, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, là hạt nhân đoàn kết vì sự nghiệp chung, có thể khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, ý thức tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết trong nội bộ và sự đồng thuận trong nhân dân để tạo sức mạnh tổng hợp. 

"Các chủ trương, nghị quyết, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội thực sự thể hiện được “Ý Đảng - Lòng Dân” sẽ tạo được sự đồng thuận và huy động được sức mạnh trong nhân dân"- Bí thư thành uỷ Lê Tiến Châu nhấn mạnh.