"Người ta đang xem, cắt ngang nhào vô quảng cáo thì kỳ lắm"
Góp ý về quảng cáo trên báo in, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị nghiên cứu phương án lược bỏ giới hạn tỷ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống; để cho cơ quan báo chí tự quyết định theo nhu cầu quảng cáo của bạn đọc, thị trường.
Theo đại biểu, hiện nay, báo chí là đơn vị sự nghiệp có thu, nên việc quảng cáo trên báo in của cơ quan báo chí đó, nên cho họ được quyết định diện tích bao nhiêu; nếu bạn đọc chấp nhận thì không sao, nhưng bạn đọc thấy quảng cáo nhiều quá thì có thể họ sẽ tẩy chay, tờ báo không phát triển, không có doanh thu.
Về quảng cáo trên báo nói, báo hình, đại biểu đề cập thời gian qua, có trường hợp xem phim, hoặc nội dung khác, khi đang tới chỗ hấp dẫn, tự dưng cắt ngang đem ra quảng cáo.
Cho rằng đây là điều "hết sức là vô duyên, không tôn trọng khách hàng", đại biểu đề nghị cần quy định quảng cáo trong thời điểm nào cho phù hợp, "chứ tự nhiên người ta đang xem, cắt ngang nhào vô quảng cáo thì kỳ lắm".
Về quảng cáo trên mạng, đại biểu cho rằng cần quy định người truyền thông tin quảng cáo phải chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo và sản phẩm mà mình quảng cáo.
"Sản phẩm quảng cáo kém chất lượng, ví dụ thực phẩm chức năng, hoặc dược phẩm kém chất lượng mà cũng đem ra quảng cáo. Mà người quảng cáo đó rất có uy tín, người dân xem là rất tốt, như MC, nghệ sĩ nổi danh", đại biểu nêu thực tế.
Từ đó, đại biểu đề nghị quy định rạch ròi cụ thể những đối tượng quảng cáo phải chịu trách nhiệm về hành vi quảng cáo của mình, không để tình trạng "người ta sử dụng sản phẩm dởm, giả, gian; mình chỉ biết hưởng tiền bỏ túi".
Liên quan đến Luật Quảng cáo, tại thảo luận tổ trước đó, một số ý kiến đại biểu cho rằng cần cân nhắc việc tăng thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo từ 1,5 giây lên 6 giây để vừa bảo đảm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quảng cáo vừa bảo đảm không gây khó chịu cho người dùng.
Cũng có ý kiến cho rằng không nên quy định giới hạn thời gian chờ tắt mở quảng cáo đối với các nền tảng mạng xã hội miễn phí, mà chỉ áp dụng quy định này với các nền tảng mà người dùng đã trả phí.
Trao đổi lại với đại biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự luật quy định hoạt động quảng cáo trên mạng bao gồm: quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, thiết bị quảng cáo sử dụng phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối, các thiết bị khác có kết nối mạng viễn thông, mạng internet.
Theo đó hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, công cụ tìm kiếm cũng chịu sự điều chỉnh của các quy định tại dự luật.
Bên cạnh đó khi soạn thảo dự luật, Chính phủ cũng đã nghiên cứu, bổ sung trách nhiệm đối với các nền tảng trên như xác minh danh tính của người quảng cáo; lưu trữ thông tin, hồ sơ về hoạt động quảng cáo (thông tin về tên, địa chỉ và thông tin liên hệ để xác minh danh tính người quảng cáo; tên sản phẩm quảng cáo; mẫu quảng cáo...).
Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định quản lý những clip ngắn trên mạng xã hội có lồng ghép giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu, bổ sung nội dung trên vào dự thảo luật.
Về ý kiến đề nghị bỏ các quy định giới hạn về tỷ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí và để cho cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu của bạn đọc và sự điều tiết của thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết cùng với xu thế của thế giới khi loại hình báo chí điện tử phát triển, hiện nay là nền tảng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok..., số lượng phát hành báo, tạp chí in có xu hướng ngày càng giảm, thậm chí có cơ quan báo chí trên thế giới đã đóng cửa.
Các cơ quan quản lý nhà nước về truyền thông nhận được nhiều đề xuất của cơ quan báo chí về việc giảm kỳ xuất bản, giảm trang xuất bản, hoặc dừng xuất bản ấn phẩm in, chỉ duy trì loại hình điện tử.
Trước kia thuế thu nhập doanh nghiệp đối với 4 loại hình (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình) được áp dụng như nhau; tuy nhiên do những khó khăn của báo in, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với báo in đã được ưu đãi hơn, chỉ 10% so với 3 loại hình kia (là 20%), được áp dụng từ năm 2015.
Mặc dù xu thế quảng cáo trên báo chí in so với trước đây đã giảm, tuy nhiên đối với một số báo, tạp chí vẫn còn có quảng cáo (hoặc vào các dịp lễ, Tết, kỷ niệm..., cơ quan báo chí thường tăng số trang nội dung, đầu tư chất lượng để có thêm nhiều quảng cáo) thì việc tăng diện tích số trang quảng cáo là cần thiết, có ý nghĩa đối với cơ quan báo chí (vẫn đang duy trì loại hình in) trong bối cảnh khó khăn của kinh tế báo chí hiện nay.
"Với vị trí, vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí hiện nay, việc lược bỏ các quy định giới hạn về tỷ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống có thể làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị về tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước", báo cáo nêu.