ĐBQH Phạm Văn Hòa: Vụ Vạn Thịnh Phát có thể chỉ là bề nổi của tảng băng bị vỡ

Quỳnh Nguyễn Thứ ba, ngày 21/11/2023 11:13 AM (GMT+7)
Vụ án bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và đồng phạm là vụ nhận hối lộ bằng tiền mặt nhiều nhất từ trước đến nay và số lượng tiền bị chiếm dụng, thất thoát cũng nhiều nhất, theo nhận xét của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).
Bình luận 0

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 21/11, Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của TANDTC, Viện KSNDTC; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Vụ Vạn Thịnh Phát có tiền nhận hối lộ nhiều nhất từ trước đến nay

Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, công tác phòng chống tội phạm trên các lĩnh vực thời gian qua mặc dù đạt được nhiều kết quả rất khích lệ, tuy nhiên, các loại tội phạm có loại giảm không nhiều, có nhiều loại lại tăng, tài sản bị thiệt hại tăng hơn 450%.

ĐBQH Phạm Văn Hoà: Vụ Vạn Thịnh Phát có thể chỉ là bề nổi của tảng băng bị vỡ - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). Ảnh: Quốc hội

Ông Hoà dẫn chứng, số vụ giết người tăng 12,65%, cướp tài sản tăng 44,40%, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng 61,52%, cho vay nặng lãi tăng 67,85%, gây rối trật tự công cộng tăng 80,75% tội phạm công nghệ thông tin, mạng internet tăng hơn 200 vụ, xâm hại trẻ em tăng hơn 41%...

"Đã xuất hiện băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức với nhiều đối tượng tham gia để in ấn mua bán bằng cấp giấy tờ giả ở nhiều địa phương, vụ tiếp viên hàng không vận chuyển 11 kg ma tuý được giấu trong tuýp kem đánh răng là hiện tượng bất thường", đại biểu Phạm Văn Hoà đánh giá.

Theo vị ĐBQH đoàn Đồng Tháp, những con số nêu trên thể hiện sự hạn chế nhất định trong công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực. Trong đó, nổi cộm là một số vụ việc như vụ bạo loạn khủng bố có vũ trang xảy ra ở tỉnh Đắc Lắk làm chết 9 cán bộ chiến sỹ công an và cán bộ lãnh đạo xã. 

"Đây là vụ điển hình cho sự lơ là mất cảnh giác của cán bộ ở cơ sở và tranh chấp đất đai ở nơi đây, gây dư luận xã hội không tốt, cho nên các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về ninh trật tự ở những nơi được chấm điểm phức tạp, rút kinh nghiệm sự việc xảy ra, phát động phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc có chất lượng, nắm chắc tình hình cụ thể không để xảy ra vụ việc tương tự", ông Hoà nêu.

Liên quan vụ án bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và đồng phạm, ông Hoà cho biết, tội phạm thực hiện hành vi làm khống cả ngàn hồ sơ để vay chiếm dụng trên 1 triệu tỷ đồng của ngân hàng SCB, trong đó có trên 500 nghìn tỷ đồng tiền gửi của người dân. Thậm chí, trưởng đoàn thanh tra của Ngân hàng nhận hối lộ 5,2 triệu USD.

Đại biểu nhận định, đây là vụ nhận hối lộ bằng tiền mặt nhiều nhất từ trước đến nay và vụ án này có số lượng tiền bị chiếm dụng, có khả năng thất thoát cũng nhiều nhất.

"Vụ này có thể chỉ là bề nổi của tảng băng bị vỡ, còn những tảng băng khác chưa bị vỡ. Người dân rất trông chờ vào việc thu hồi tài sản tiền của các đối tượng trong vụ án này", ông Hoà bày tỏ và cho biết, dư luận đang đặt vấn đề việc có hay không sự bắt tay giữa một số ngân hàng với các công ty bảo hiểm.

Theo đó, các ngân hàng này giao cho nhân viên tư vấn khách hàng sai sự thật nhằm mục đích chuyển từ tiền gửi sang mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm đầu tư. Hậu quả, có cả nghìn người đã gửi đơn khiếu nại, làm giảm lòng tin người dân vào hệ thống ngân hàng và hoạt động bảo hiểm.

Đặc biệt là trong năm tội phạm tham nhũng, chức vụ tăng hơn 51% số vụ , số người tăng hơn 96%, trong đó tội nhận hối lộ tăng 346%. Điều này cho thấy công tác phòng chống tham nhũng rất là quyết liệt, phát hiện đến đâu sẽ xử lý đến đó, không vùng cấm không ngoại lệ.

Điều đáng quan tâm là những vụ án tham nhũng điều có liên quan đến người đứng đầu, lợi dụng pháp luật chưa chặt chẽ, câu kết với nhau để thực hiện hành vi tham nhũng, trục lợi. 

Dư luận cũng rất quan tâm đến việc lãng phí tài sản công, mua sắm, bất động sản, chi tiêu... Số này lại không phát hiện xử lý, nếu lãng phí mà có số liệu chứng minh có thể thất thoát ngân sách không ít hơn tham nhũng.

Xuất phát từ những vấn đề trên, đại biểu mong muốn Chính phủ, các ngành chức năng có đánh giá kỹ lưỡng, khách quan, cầu thị về những thực trạng trên, nhất là trong năm nay các vụ việc, số người vi phạm lại tăng, trong khi các vụ giảm thì không đáng kể. Tìm nguyên nhân để có biện pháp khắc phục hữu hiệu lấy lại lòng tin với người dân, nhất là các vụ án nghiêm trọng, rất nghiêm trọng liên quan đến cuộc sống sinh hoạt, tâm lý, tình cảm, cuộc sống bình yên của người dân, giảm thiểu tối đa các vụ án tăng bất thường.

Đại biểu lo ngại, trong năm tới, tình hình trật tự xã hội lại diễn biến phức tạp khó lường, gây tâm lý hoang mang lo lắng trong lòng nhân dân. Các vụ án tham nhũng lớn, đối tượng cầm đầu mặc dù được ngăn chặn kịp thời, nhưng vẫn còn "lọt lưới những con cá to trốn khỏi đất nước" chưa bắt giữ được, gây khó khăn cho công tác tố tụng. Cùng đó, tài sản tham nhũng được thu hồi cao hơn cùng kỳ nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng. 

Tuy nhiên, với những tín hiệu đáng mừng như chủ trương nêu gương, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm với công việc của mình, cũng như quy định về kiểm soát quyền lực phòng chống tham nhũng tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, đại biểu Phạm Văn Hoà tin tưởng, thời gian tới có sự chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tội phạm trên tất cả các lĩnh vực.

 Số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng 346,88%

Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 51,63% về số vụ, tăng 96,85% số đối tượng, đặc biệt, số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng 346,88%. Điều này cho thấy, nhờ quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta, công cuộc chống tham nhũng ngày càng hiệu quả hơn với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực".

Bên cạnh đó, kết quả nói trên cũng thể hiện công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa tham nhũng trên nhiều lĩnh vực vẫn còn hạn chế, nhất là về: đấu thầu, mua sắm công, quản lý tài sản công; quản lý đất đai, đấu giá quyền sử dụng đất, đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, khai thác tài nguyên, khoáng sản; tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; mua sắm trang, thiết bị, cơ sở vật chất trong ngành y tế, giáo dục...

"Đáng chú ý là trong các vụ việc trên, nhiều trường hợp liên quan đến người đứng đầu trong cơ quan quản lý nhà nước đã lợi dụng triệt để những lỗ hổng của pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm, trục lợi. Do đó, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu, người có thẩm quyền, kiểm soát hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm khách quan, minh bạch và đúng pháp luật", Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhấn mạnh.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem