Ngày 25/11/2024, nhân kỷ niệm ngày Lâm nghiệp Việt Nam (28/11) và 79 năm thành lập ngành Lâm nghiệp Việt Nam (01/12/1945 -01/12/2024), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Quốc Trị đã có thư chúc mừng và kỳ vọng ngành tiếp tục nỗ lực, đạt được các mục tiêu đề ra.
Trong thư, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị gửi tới các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Lâm nghiệp qua các thời kỳ; người trồng và bảo vệ rừng, người kinh doanh, lao động trong ngành lâm nghiệp; các đối tác và những người yêu rừng lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, trong suốt chặng đường gần tám thập kỷ qua, ngành Lâm nghiệp Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn với biết bao khó khăn, thách thức. Nhưng với tinh thần quyết tâm và sự lao động không ngừng nghỉ của các thế hệ đi trước cũng như hôm nay, chúng ta đã xây dựng ngành Lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, là nền tảng vững chắc, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
"Đặc biệt, ngành lâm nghiệp ghi dấu ấn, khi là lĩnh vực duy nhất có khả năng phát thải ròng âm, nhờ vào quá trình bảo vệ và phát triển rừng của cả hệ thống chính trị và sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế. Điều này thực sự có ý nghĩa trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ", Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh.
Trong không khí kỷ niệm ngày Lâm nghiệp Việt Nam (28/11) và 79 năm thành lập ngành Lâm nghiệp Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng: "Tự hào về những thành quả đã đạt được, chúng ta cũng biết về những thách thức sắp tới, nhưng tôi tin tưởng rằng, với truyền thống vẻ vang của ngành Lâm nghiệp và sự hăng say lao động, cống hiến bằng tình yêu với rừng, cùng sự chung tay của các đối tác, chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đóng góp to lớn hơn nữa cho sự phát triển của đất nước".
Lâm nghiệp là một ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù, chịu trách nhiệm quản lý 16,348 triệu ha đất lâm nghiệp, trong đó, diện tích có rừng là 14,860 triệu ha.
Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), trải qua các giai đoạn phát triển, ngành Lâm nghiệp đã đạt được các kết quả đáng ghi nhận, như: Quản lý, bảo vệ hiệu quả toàn bộ diện tích rừng hiện có, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng rừng, qua đó tỷ lệ che phủ rừng tăng đều qua các năm, năm 2023, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%, cao hơn mức trung bình 31% của thế giới.
Lâm nghiệp đã trở thành ngành kinh tế quan trọng với giá trị xuất khẩu đạt trên 13,2 tỷ USD, đóng góp trên 30% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp, đạt 5% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước (năm 2021 đạt 15,96 tỷ USD, năm 2022 đạt 17,09 tỷ USD, năm 2023 đạt 14,39 tỷ USD); tạo việc làm, nâng cao sinh kế cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, góp phần giữ gìn an ninh quốc phòng, ổn định trật tự xã hội; ngoài ra, rừng còn có vai trò quan trọng trong phòng hộ bảo vệ vùng đầu nguồn, duy trì nguồn nước, bảo vệ vùng ven biển, bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên.