Dân Việt

NATO cân nhắc tấn công phủ đầu để ngăn chặn đòn tấn công của Nga

PV (Theo Pravda) 26/11/2024 06:36 GMT+7
NATO đang thảo luận về các cuộc tấn công phòng ngừa có độ chính xác cao nhằm vào Nga trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự giữa Nga và NATO, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, Đô đốc Rob Bauer cho biết, RIA Novosti đưa tin.
NATO cân nhắc tấn công phủ đầu để ngăn chặn đòn tấn công của Nga - Ảnh 1.

Binh lính NATO. Ảnh Pravda

 Theo Đô đốc Bauer, liên minh đã thay đổi cách tiếp cận chiến lược quốc phòng. "Sẽ khôn ngoan hơn nếu không chờ đợi mà tấn công các bệ phóng ở Nga nếu Nga tấn công chúng ta", ông tuyên bố, đồng thời lưu ý rằng các thành viên NATO nên đầu tư nhiều hơn vào hệ thống phòng không và tấn công có độ chính xác cao.

Ông Bauer chỉ ra rằng liên minh cần kết hợp các cuộc tấn công có độ chính xác cao để vô hiệu hóa các hệ thống tấn công. "Và chúng ta phải tấn công trước", ông kết luận.

Ông Bauer trước đó đã nói rằng những người đứng đầu các công ty lớn của phương Tây nên chuẩn bị cho một kịch bản sản xuất quân sự. Ông thúc giục các doanh nghiệp điều chỉnh dây chuyền sản xuất và phân phối của mình cho phù hợp, để ít bị tổn thương hơn trước sự tống tiền từ các quốc gia như Nga và Trung Quốc. 

Phát biểu tại sự kiện của nhóm chuyên gia Trung tâm Chính sách Châu Âu ở Brussels, ông kêu gọi các ngành công nghiệp và doanh nghiệp phương Tây thực hiện các biện pháp răn đe.

Bauer lập luận rằng: "Nếu chúng ta có thể đảm bảo rằng tất cả các dịch vụ và hàng hóa quan trọng đều có thể được cung cấp bất kể điều gì xảy ra, thì đó chính là một phần quan trọng trong khả năng răn đe của chúng ta" .

"Các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị cho một kịch bản thời chiến và điều chỉnh các dây chuyền sản xuất và phân phối của họ cho phù hợp. Bởi vì trong khi quân đội có thể giành chiến thắng trong các trận chiến, thì nền kinh tế mới là bên giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh", viên chức NATO cho biết. Ông đã đề cập đến Trung Quốc và Nga trong bối cảnh ông tin rằng các cuộc chiến tranh được tiến hành trong lĩnh vực kinh tế.

NATO từ lâu đã tuyên bố Nga là mối đe dọa trực tiếp, và các quan chức phương Tây đã nhiều lần tuyên bố rằng nếu Moscow giành chiến thắng trong cuộc xung đột ở Ukraine, họ có thể tấn công các nước châu Âu khác.

Nga đã bác bỏ những tuyên bố này là vô nghĩa. Những hạn chế mà Moscow đưa ra trong thương mại với phương Tây phần lớn là để đáp trả các lệnh trừng phạt kinh tế chưa từng có đối với quốc gia này liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Bắc Kinh cũng phải đối mặt với các rào cản và hạn chế thương mại do các quốc gia phương Tây đưa ra, và đã đưa ra các biện pháp tương tự để ứng phó. Theo hầu hết các chuyên gia, bao gồm nhiều người ở phương Tây, chính sách trừng phạt đã phản tác dụng đối với các nền kinh tế phương Tây, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung và lạm phát.