Chiều 26/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Công chứng (sửa đổi). Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với Dân Việt về những điểm đại biểu quan tâm và kỳ vọng sau khi Luật Công chứng (sửa đổi) chính thức thông qua, Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An - cho biết bà rất kỳ vọng vào lần sửa Luật này.
Theo bà Phan Thị Mỹ Dung, Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ tạo một hành lang pháp lý đầy đủ cho các tổ chức hành nghề công chứng có cơ chế để kiện toàn tổ chức và hoạt động đúng theo chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm.
Điều này cũng sẽ tạo hành lang pháp lý để các tổ chức và hoạt động hành nghề công chứng phát triển bền vững, đáp ứng được yêu cầu về vị trí và vai trò mới hiện nay.
Đặc biệt, những quy định đối với công chứng viên sẽ là cơ sở để trong thời gian tới lực lượng công chứng viên sẽ được hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng vai trò thực hiện ủy nhiệm nhiệm vụ do Nhà nước giao; bảo đảm an toàn pháp lý về việc hoạt động hành nghề của công chứng viên không phải là một hoạt động kinh doanh đơn thuần mà là thực hiện nhiệm vụ của Nhà nước giao.
"Một điểm mới và cũng là điều mà chúng tôi mong mỏi là việc phân cấp mạnh cho địa phương trong việc quyết định chuyển giao thẩm quyền chứng thực ở cấp huyện, cấp xã cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Việc này phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương", bà Dung nói.
Ngoài ra, theo Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, quy định về công chứng điện tử cũng như việc xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc sẽ là công cụ hỗ trợ rất lớn cho việc bảo đảm ngày càng chặt chẽ hơn an toàn pháp lý cho hoạt động công chứng, đáp ứng xu thế về Chính phủ số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các hoạt động quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, bà Dung lưu ý, hiện nay cơ sở dữ liệu công chứng vẫn nằm ở phạm vi một tỉnh, một địa phương. Cạnh đó là các thách thức đến từ tội phạm công nghệ cao với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp.
"Chúng ta đã và đang xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng trên toàn quốc, cần theo lộ trình từng bước. Với hệ thống pháp luật chúng ta đang có như Luật An ninh mạng, Quốc hội cũng đang bàn Luật Dữ liệu cùng các bước tiến về công nghệ thông tin…, tôi nghĩ sắp tới chúng ta sẽ đáp ứng được các điều kiện để áp dụng", bà Dung chia sẻ.
Một trong những điểm đáng chú ý trong Luật Công chứng sửa đổi là quy định bắt buộc về việc chụp ảnh khoảnh khắc ký kết văn bản công chứng. Theo Điều 67 của luật mới, hồ sơ công chứng phải có ảnh ghi lại thời điểm người yêu cầu công chứng ký văn bản trước sự chứng kiến của công chứng viên.
Quy định này ra đời trong bối cảnh đang tồn tại tình trạng một số bên cố tình thực hiện giao dịch mà không có mặt công chứng viên - một hành vi vi phạm nghiêm trọng có thể dẫn đến việc văn bản công chứng mất giá trị pháp lý. Đáng lo ngại hơn, có những trường hợp tổ chức hoạt động công chứng theo hình thức đa cấp bất hợp pháp.
Ông Lê Minh Hoàng - công chứng viên tại Hà Nội - cho biết, đây là một bước tiến quan trọng nhằm tăng cường tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên tham gia giao dịch.
Trong thời đại công nghệ số, việc giả mạo hình ảnh bằng AI và các ứng dụng chỉnh sửa ảnh đang là mối lo ngại không nhỏ. Các chuyên gia đề xuất cơ quan soạn thảo cần có những quy định chi tiết về quy trình quay phim, chụp ảnh trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Đồng thời, cần xây dựng chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm liên quan đến việc làm giả bằng chứng hình ảnh trong hồ sơ công chứng.
Công chứng viên Lê Minh Hoàng
Quy định mới không chỉ đáp ứng mong đợi của đội ngũ công chứng viên luôn tuân thủ pháp luật mà còn góp phần xây dựng môi trường công chứng chuyên nghiệp, văn minh.
"Với quy định mới này, ngành công chứng đang từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý, hướng tới mục tiêu số hóa và hiện đại hóa hoạt động công chứng, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý trong các giao dịch dân sự", ông Hoàng đánh giá.
Cũng theo ông Hoàng, Luật Công chứng (sửa đổi) vừa được thông qua đã chính thức đưa công chứng điện tử vào khuôn khổ pháp lý, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình số hóa ngành công chứng.
Quy định mới này được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi đáng kể cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời đặt ra những thách thức không nhỏ trong quá trình triển khai.
Theo đó, công chứng điện tử có thể thực hiện theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Trong đó, hình thức trực tuyến cho phép các bên tham gia giao dịch không cần có mặt tại cùng một địa điểm, thay vào đó có thể giao kết thông qua phương tiện trực tuyến dưới sự chứng kiến của công chứng viên.
Đây là bước đột phá trong việc tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng số hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Với văn bản công chứng điện tử, các bên có thể tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, đồng thời góp phần giảm thiểu việc sử dụng giấy tờ, hướng tới môi trường làm việc xanh.
Luật mới cũng quy định rõ văn bản công chứng điện tử có giá trị pháp lý tương đương văn bản công chứng giấy truyền thống. Điều này tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc sử dụng và lưu trữ văn bản công chứng điện tử trong các giao dịch dân sự.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng, việc triển khai công chứng điện tử cũng đặt ra nhiều thách thức cần được giải quyết như yêu cầu về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị kỹ thuật, việc xác thực danh tính trong môi trường trực tuyến...
Theo Điều 63, các tổ chức hành nghề công chứng muốn cung cấp dịch vụ công chứng điện tử phải đáp ứng đủ điều kiện về tài khoản, chữ ký số, dịch vụ cấp dấu thời gian và trang thiết bị kỹ thuật.
"Đầu tư ban đầu cho hệ thống công nghệ thông tin và đào tạo nhân sự là không nhỏ, chưa kể đến việc bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu theo quy định của pháp luật", ông Hoàng bày tỏ.