Dân Việt

Những vị anh hùng huyền thoại chiến tranh đã và đang cư ngụ ở phường tôi sống

Nguyễn Quốc Phong 27/11/2024 09:23 GMT+7
Dân tộc Việt Nam ta thật vĩ đại. Với cả nghìn năm lịch sử oai hùng gần đây mà dân tộc ta đã chứng kiến và thực sự là phải trải qua không biết bao nhiêu cuộc chiến chống xâm lược trước ngoại bang để bảo vệ giang sơn đất nước. Và có lẽ Việt Nam cũng thuộc quốc gia chịu nhiều tang thương mất mát nhất.

Cùng với chiến tích từ 7 thập kỷ gần đây, dân tộc ta đã có cả triệu người lính đã anh dũng hy sinh trong suốt mấy cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc ấy. Tương tự, trong mỗi cuộc chiến đấu chống quân xâm lược, dân tộc ta luôn xuất hiện những người anh hùng. Họ xứng đáng được nhân dân tôn vinh. Vì thế, việc "ra ngõ gặp Anh hùng" ở Việt Nam dường như cũng là điều tất yếu, đương nhiên.

Ra ngõ gặp anh hùng

Phường Khương Mai, quân Thanh Xuân, Hà Nội, nơi tôi sống có khoảng 23.000 dân trải dài trên 5 con phố thì 2 con phố là tên của 2 danh tướng: Đại tướng Hoàng Văn Thái và Đại tướng Lê Trọng Tấn, 3 con phố nữa là tên của các Anh hùng lực lượng vũ trang (AHLLVT) thời chống Pháp như Nguyễn Ngọc Nại, Cù Chính Lan và thời chống Mỹ là Nguyễn Viết Xuân. 

Đây có lẽ chính là một điển hình cho niềm tự hào hiếm có đó. Nó được ví như là "Đại Quân khu" trong khu vực sân bay Bạch Mai cũ, nơi định cư của các gia đình cựu chiến binh Việt Nam, họ đã từng và đang là những cán bộ trung cao cấp trong quân đội. 

Nơi này không chỉ có quân nhân của Quân chủng Phòng không Không quân mà còn của nhiều đơn vị thuộc Bộ như Tổng cục, Quân khu, Quân đoàn trong toàn quân. Vì thế, nó thuộc diện lớn nhất Thủ đô bởi nơi đây, vốn là vùng đất quân sự của sân bay Bạch Mai cũ do quân đội ta tiếp quản từ thực dân Pháp, sau năm 1954. 

Những vị anh hùng huyền thoại chiến tranh đã và đang cư ngụ ở phường tôi sống - Ảnh 1.

Con phố Nguyễn Ngọc Nại, một con phố đặc biệt ở Hà Nội. Ảnh: Khổng Chí

Sau đó, khoảng những năm 90 cuả thế kỷ trước, khu đất này được quy hoạch, phân phối mở rộng cho các gia đình cán bộ trong quân đội nói chung tuỳ theo cấp bậc, chức vụ mỗi người mà diện tích được chia có sự khác nhau...

Vào thời điểm này, phường Khương Mai hiện có 2.002 hội viên CCB, trong đó có 16 AHLLVT, các vị đều đã nghỉ hưu; có 34 vị tướng trong số gần 1.000 sĩ quan cao cấp của Quân đội đã nghỉ hưu (bằng 1/23 dân số là cựu quân nhân có cấp quân hàm từ thượng tá trở lên). 

Những AHLLVT tiêu biểu đó họ đã ở khi còn sống hoặc đang ở nơi đây và có thề kể ra như: Trung tướng Nguyễn Như Hoạt; Trung tướng, phi công Phạm Tuân (người từng 3 lần được phong Anh hùng); Trung tướng, phi công Phạm Thú Thái, Trung tướng đặc công Dương Công Sửu, Thiếu tướng, phi công Trần Việt... Đặc biệt, năm 2023, Nhà nước ta đã truy tặng AHLLVT cho cố Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp...

Chiến công của những vị AHLLVT ở phường Khương Mai mà tôi cư trú thì cực kỳ phong phú và họ thực sự đều là những nhân vật huyền thoại trong chiến tranh.

Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp

Người được truy phong AHLLVT gần đây nhất lại là người có chức vụ và quân hàm cao nhất ( tính đến thời điểm này) trong quân đội ta. Đó là cố Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị , vị chỉ huy nổi tiếng trên Mặt trận Tây Nguyên trong chiến dịch Mùa Xuân 1975.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cố Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp là một vị chỉ huy vô cùng quyết đoán, gan dạ nơi trận mạc. Ông sống đầy tình cảm với đồng đội và nhân dân những nơi bà con cưu mang đơn vị ông. Ông đã từng tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch, trong đó có những chiến dịch để lại dấu ấn đặc biệt, có ý nghĩa chiến lược trong lịch sử quân đội ta, như: Chiến dịch Plei Me (1965), chiến dịch Đắc Tô 1(1967), chiến dịch Đắc Xiêng (1970), Chiến dịch Đắc Tô -Tân Cảnh (1972)... 

Những vị anh hùng huyền thoại chiến tranh đã và đang cư ngụ ở phường tôi sống - Ảnh 2.

Thượng tướng AHLLVT Đặng Vũ Hiệp. Ảnh: ST

Tướng Đặng Vũ Hiệp kinh qua nhiều chức vụ quan trọng: Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận Tây Nguyên, Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên, Chính ủy Chiến dịch Tây Nguyên - Chiến dịch mở đầu mùa Xuân 1975 Đại thắng, Chính ủy Quân đoàn 3. Ông đã chỉ huy Quân đoàn tham gia trên hướng chính của chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn – Gia Định, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày miền Nam giải phóng, Tướng Đặng Vũ Hiệp được điều về giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Sau ngày nghỉ hưu, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp về sống trên con phố Hoàng Văn Thái. Ông tiếp tục tham gia công tác xã hội, được bầu làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Với ông, đây mới có thể được xem như dấu ấn cuộc đời mà ông để lại cho đất nước. Đó là câu chuyện về danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" hiện nay có từ đâu? 

Theo tài liệu ghi lại thì ông chính là một trong những vị lãnh đạo của Tổng cục Chính trị ngày đó (đầu những năm 90) khi ông được giao theo dõi, thực hiện công tác chính sách người có công với nước. 

Ông đã đề xuất ý tưởng với Ban Bí thư, Bộ Chính trị xem xét, quyết định tưởng thưởng cho những bà mẹ Việt Nam có công đóng góp những người ruột thịt là chồng, con hy sinh vì Tổ quốc danh hiệu cao quý nói trên.

Phi công huyền thoại Phạm Phú Thái

Ông là nguyên Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng, trong chiến tranh chống Mỹ có lẽ cũng là người Anh hùng rất đặc biệt khi trong lực lượng Không quân Nhân dân Việt Nam lại từng có người lính tuy chỉ mang quân hàm Binh nhất phi công nhưng đã được phân công lái máy bay và đã chiến đấu.

Số là vào năm 1967, Phi công Phạm Phú Thái từng là phi công tiêm kích trẻ nhất đoàn bay Mig 21. Ông học rất xuất sắc nên được xét đặc cách cho tốt nghiệp sớm trước toàn khoá để về nước chiến đấu bởi lúc đó đất nước cực kỳ thiếu phi công.

Những vị anh hùng huyền thoại chiến tranh đã và đang cư ngụ ở phường tôi sống - Ảnh 3.

Tác giả chụp kỷ niệm với Trung tướng AHLLVT Phạm Phú Thái (trái) bên chiếc máy bay Mig 21 được Bộ Quốc phòng tặng ông, hiện được đặt tại nhà lưu niệm của gia đình ông - Chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Thái Bình năm 1930 tại quê hương Kiến Xương. Ảnh: QP

Trong chiến tranh, ông đã xuất kích trên 200 lần với hàng chục nhiệm vụ khác nhau và đã gặp địch, đánh địch trên hai chục trận sau 7 lần nổ súng và đã tiêu diệt 4 máy bay F4 của Không quân và Hải quân Hoa Kỳ.

Ông đã kinh qua các chức vụ chỉ huy Không quân như Trung đoàn trưởng, Sư đoàn trưởng , Tham mưu trưởng Quân chủng và phó Tư lệnh thứ nhất kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân. Ông nghỉ hưu tại phố Lê Trọng Tấn . Ông từng được Anh hùng phi công Trần Hanh, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng, nguyên phó Tổng Tham mưu trưởng nhận xét (về phi công Phú Thái) rằng , "đó là chàng phi công hào hoa dưới mặt đất nhưng rất hào hùng trên bầu trời…".

Trung tướng phi công huyền thoại Phạm Tuân

Ông nguyên là Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng, người vô cùng đặc biệt khi từng có đến 3 lần được trao danh hiệu Anh hùng (AHLLVT, Anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô và AHLĐ của Việt Nam). Ông sinh năm 1947 và nhập ngũ khi mới 17 tuổi .

Đêm ngày 27/12/1972, tại vùng trời phía tây Hà Nội, Phạm Tuân lái máy bay MiG-21, vượt qua đội hình dày đặc máy bay F-4 của Mỹ, xông vào tốp B-52 bắn rơi một chiếc, trở về hạ cánh an toàn. Góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không rạng danh quân đội ta.

Năm 1980, ông tham gia chuyến bay lên vũ trụ cùng với phi công Liên Xô Gorơbatcô trên tổ hợp quỹ đạo Chào mừng - 6, Liên hợp - 36, Liên hợp - 37.

Phạm Tuân được Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Hồ Chí Minh, được tuyên dương danh hiệu AHLLVT ngày 03/9/1973. Khi được tuyên dương Anh hùng , Phạm Tuân là thượng uý, Biên đội trưởng Không quân thuộc Đại đội 5, Trung đoàn 921, Sư đoàn 371 Quân chủng Phòng không - Không quân.

Phạm Tuân là phi công vũ trụ đầu tiên của Việt Nam, được Nhà nước ta tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1980, được Nhà nước Liên Xô ( cũ) tặng thưởng Huân chương Lênin, tuyên dương danh hiệu Anh hùng Liên Xô năm 1980... Ông về nghỉ hưu và sống trong một con ngõ ở phố Cù Chính Lan của phường tôi .

Trung tướng Nguyễn Như Hoạt

Đầu con ngõ nhỏ nhà tôi (phố Nguyễn Ngọc Nại, Hà Nội) có những 2 vị cựu chiến binh (CCB) là AHLLVT. Họ ở cạnh nhà nhau. Các ông cùng cùng sinh năm 1950, đó là Trung tướng Nguyễn Như Hoạt và Trung tướng Dương Công Sửu. 

Họ cùng nhập ngũ khi mới 17 tuổi và cùng là thương binh, cùng là đại biểu Quốc hội, cùng có thời gian giữ chức Phó Tư lệnh trong Bộ Tư lệnh Quân khu 1 và cùng mang hàm Trung tướng trước khi nghỉ hưu. Nay họ cùng sinh hoạt trong chi bộ và Chi hội CCB với tôi.

Ông là một chiến sĩ liên lạc đại đội trong chiến trường Trị Thiên. Chàng trai tuổi hai mươi ấy rất đẹp trai,lại thông minh và dũng cảm. Khi đơn vị anh bị địch tập kích, hy sinh và bị thương nặng đến hết cả ban chỉ huy, anh báo cáo ngay cấp trên tình hình cùng những gì nghe được từ cuộc họp của chỉ huy vừa bàn cách đánh địch. 

Cấp trên nhanh chóng quyết định để anh chỉ huy thay theo đúng như những gì anh tiếp thu được trong cuộc họp. Trận chiến đấu đã thu về thắng lợi giòn giã.

Những vị anh hùng huyền thoại chiến tranh đã và đang cư ngụ ở phường tôi sống - Ảnh 4.

Trung tướng AHLLVT Nguyễn Như Hoạt. Ảnh: NVCC

Trong cả đợt chiến đấu, bản thân ông đã hoàn thành nhiệm vụ liên lạc cho đơn vị và trực tiếp chiến đấu, tiêu diệt 37 lính Mỹ khi chỉ huy bị hy sinh. Ông đã đứng lên tiếp tục chỉ huy đơn vị, giữ vững trận địa và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao. 

Đại đội của anh và bản thân ông đều đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương AHLLVT năm 1970. Hàng chục cán bộ chiến sĩ của đại đội ông đã chiến đấu dũng cảm được tưởng thưởng xứng đáng. Ông được đề bạt từ một người lính liên lạc lên thẳng chức Trung đội trưởng. 

Trận đánh ngày đó tại Quảng Trị , đơn vị ông đã tiêu diệt được lực lượng đổ bộ đường không của địch, tiêu diệt hàng trăm tên địch, bắn trúng 12 xe tăng và xe bọc thép, bắn hạ 2 máy bay trực thăng đổ quân. Đơn vị ông cũng đã bảo vệ an toàn cho 15 đồng chí thương binh và đưa 9 liệt sĩ về phía sau. Tiểu đoàn cũng bị hy sinh trên 80 đồng chí, bị thương gần 140 cán bộ, chiến sĩ... Ông được phong AHLLVT khi tròn 20 tuổi ( 1970).

Trận đánh vang dội này từng được Đài Tiếng nói Việt Nam ngày đó đưa tin: “Quân ta xuất trận cứ như trên trời rơi xuống, như thiên thần trên sông Cửa Việt”...

Ông từng là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3 -Sư đoàn Sao Vàng Anh hùng trong chiến tranh biên giới khi mới có 37 tuổi (1987) và cũng đã từng là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Bắc rồi sau đó tách tỉnh, thì làm Chỉ huy trưởng Bộ CHQS Bắc Giang, là Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng BTL Quân khu 1. Năm 2002, là Tư lệnh Quân khu Thủ đô và được phong hàm Trung tướng . Năm 2008, là Giám đốc Học viện Quốc phòng ( được phong hàm Phó Giáo sư 2009 ) rồi về nghỉ hưu tại phố Nguyễn Ngọc Nại năm 2011 sau 44 năm trong quân ngũ .

Trung tướng Dương Công Sửu

Ông là người dân tộc Tày )từng lập chiến công vang dội trong suốt thời gian ông là người lính cho đến lên chức Tiểu đoàn trưởng Đặc công của chiến trường Nam bộ. Năm đó ,anh 23 tuổi, anh được phong danh hiệu AHLLVT do có nhiều thành tích đặc biệt, trực tiếp tiêu diệt được 149 lính Mỹ, chủ yếu bằng cách đánh du kích lợi hại, phá hủy 4 xe tăng, 12 lô cốt, 12 nhà lính.

Ông được Nhà nước tặng thưởng 12 huân chương, trong đó có 2 Huân chương Quân công các loại, 3 Huân chương Chiến công các loại cùng nhiều huân, huy chương khác và 15 huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe cơ giới các loại. Đồng đội biết ông, họ nói vui: Huân, Huy chương và Huy hiệu Dũng sĩ của Tướng Sửu, muốn chứa hết phải dùng đến chiếc "hăng gô" của bộ đội cũng chưa chắc đã hết...

Những vị anh hùng huyền thoại chiến tranh đã và đang cư ngụ ở phường tôi sống - Ảnh 5.

Trung tướng, AHLLVT Dương Công Sửu. Ảnh: NVCC

Chiến tranh kết thúc, ông Sửu được cử đi đào tạo tại các trường sĩ quan quân sự cũng như Học viện quân sự rồi về Bộ Tư lệnh Đặc công làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 198. Trung đoàn này sau đó được điều lên biên giới phía Bắc, bàn giao cho Quân khu 1 để tham gia trực tiếp chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược. 

Tiếp đó, từ năm 1986, ông về quê nhà Lạng Sơn công tác khi trung đoàn đặc công này chuyển về phía Nam. Tính cho đến năm 2000 ông đã có 10 năm giữ chức Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn. Tướng Sửu cũng từng có 10 năm giữ cương vị Phó Tư lệnh Quân khu 1 rồi nghỉ hưu (2011) rồi nghỉ hưu sau 44 năm trong quân ngũ.

Những vị Anh hùng với nhiều chiến công lừng lẫy và đầy huyền thoại ấy, họ đều đã trưởng thành trong chiến tranh và nay, đều đã nghỉ hưu . Nhưng những chiến tích ngày xưa của các vị luôn nhắc nhở lớp trẻ chúng ta trong quân ngũ sau này. Họ như những tấm gương sáng để học tập, giữ gìn phẩm chất người lính- anh bộ đội Cụ Hồ.