Dân Việt

Giật mình vì mức giá 800.000 đồng/kg cá kho tại “chợ nhà giàu” ở Hà Nội

Nhật Hà 28/11/2024 10:26 GMT+7
Chợ Hàng Bè nức tiếng với nhiều món ngon của lạ đi kèm với đó là giá cả cao. Chính vì thế mà người dân ở phố cổ Hà Nội thường gọi nơi đây là chợ dành cho nhà giàu.

Chợ nào đắt nhất Hà Nội? 1 cân cá kho có giá lên gần cả triệu đồng

Giật mình vì giá “chát” tại “chợ nhà giàu” ở Hà Nội - Ảnh 1.

Người Hà Nội vẫn luôn rỉ tai nhau, muốn ăn ngon thì lên chợ Hàng Bè bởi ở đây có đủ món ngon vật lạ. Ảnh: Nhật Hà

Hôm nay là ngày trong tuần, nên càng gần trưa, chợ Hàng Bè càng trở nên đông đúc. Mặt hàng được mọi người mua sắm nhiều đó là các thực phẩm được chế biến sẵn như cá kho, thịt kho, và rau củ. Đây là những thực phẩm thường thấy trên mâm cơm tối của người Việt. 

Chị Nguyễn Thị Anh Thảo (20 tuổi – nhân viên một quán cá kho) cho biết, chị chủ của chị có thâm niên kho cá và bán cá trên 20 năm, chính vì vậy lượng khách quen tới cửa hàng rất đông.

Giật mình vì giá “chát” tại “chợ nhà giàu” ở Hà Nội - Ảnh 2.

Chỉ cần dạo một vòng chợ Hàng Bè, bạn có thể bắt gặp nhiều món ăn với màu sắc bắt mắt và hương vị đậm đà. Ảnh: Nhật Hà

Cửa hàng mở ở chợ Hàng Bè được 10 năm, mặt tiền bán hàng chỉ để vừa một chiếc bàn, trên đó bày đủ các món ăn đậm vị Bắc như: thịt kho tàu, cá trắm kho, cá bống kho, tôm rim thịt … Tuy nhiên, món ăn bán chạy nhất và làm nên "thương hiệu" của quán là cá trắm kho.

Thậm chí, có nhiều khách chi tới 5-6 triệu đồng cho một lần mua chỉ để gửi làm quà tặng cho người thân, bạn bè ở Sài Gòn hoặc gửi đi cả nước ngoài.

Cá trắm sông kho có giá 200.000 đồng/kg, cá nục kho 250.000 đồng/kg, cá bạc má 500.000 đồng/kg, cá thu kho có giá đắt nhất lên tới 700.000 - 800.000 đồng/kg, xá xíu 450.000 đồng/kg, chân giò kho tàu 350.000 đồng/kg, thịt kho tàu 350.000 đồng/kg.

Giật mình vì giá “chát” tại “chợ nhà giàu” ở Hà Nội - Ảnh 3.

Rau củ ở chợ Hàng Bè đắt gấp đôi thậm chí gấp 3 chợ dân sinh ở khu vực ngoại thành. Ảnh: Nhật Hà

Tương tự các món ăn chế biến sẵn, rau củ và trái cây ở chợ Hàng Bè cũng có giá đắt hơn gấp 2-3 lần so với chợ dân sinh ở khu vực khác.

Cà chua có giá 35.000 đồng/kg, rau muống, rau cải chíp có giá 15.000 đồng/mớ, xoài 70.000 đồng/kg, bưởi 50.000 đồng/qủa.

Chợ nào đắt nhất Hà Nội? Người dân khu vực đã quen với mức giá đắt

Giật mình vì giá “chát” tại “chợ nhà giàu” ở Hà Nội - Ảnh 4.

Một nải chuối được bán với giá 70.000 đồng/nải. Với số tiền như vậy, bạn có thể mua được 2 nải ở chợ dân sinh khu vực ngoại thành. Ảnh: Nhật Hà

Chia sẻ với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thị Ngân (67 tuổi, ở Hoàn Kiếm) cho biết, là người phố cổ, bà đã quen với giá cả ở khu "chợ nhà giàu".

"Tôi là người dân gốc ở đây, ngay từ bé tôi thường theo mẹ tới chợ Hàng Bè. Khi cuộc sống dần hiện đại hơn, mức giá ở đây, cũng vì thế mà tăng dần lên. Đó là xu thế rồi, tôi đã quen với mức giá đắt nên không phàn nàn gì".

Chị Phạm Bích Hạnh (38 tuổi, ở Hoàn Kiếm) chia sẻ, là một nữ văn phòng bận rộn, nên càng về cuối năm chị thường mua đồ nấu sẵn ở chợ Hàng Bè.

Giật mình vì giá “chát” tại “chợ nhà giàu” ở Hà Nội - Ảnh 5.

Gà ngậm hoa hồng cũng là món ngon nổi tiếng ở khu "chợ nhà giàu", với giá bán lên tới nửa triệu đồng/con. Ảnh: Nhật Hà

"Thật ra tôi cũng mê nấu ăn và thích vào bếp, nhưng càng về cuối năm, công việc nhiều, lắm khi về tới nhà thì đã muộn. Nên tôi thường chọn mua đồ chế biến sẵn tại đây. Chỉ cần 20 phút qua chợ, tôi đã lựa chọn được nhiều món ngon cho bữa cơm tối của gia đình"

Ngày nay, vào dịp lễ Tết, tiệc tùng, hay cúng giỗ, nhiều người nội trợ muốn có một mâm cỗ mang đậm hương vị Hà thành với những món ăn truyền thống như: gà luộc, xôi gấc, bánh chưng, nem rán, canh măng, canh bóng … Họ sẽ chọn cách đặt hàng chế biến sẵn tại chợ.

Giật mình vì giá “chát” tại “chợ nhà giàu” ở Hà Nội - Ảnh 6.

Bà Chính Lan (75 tuổi) chủ cửa hàng mắm tép có thâm niên hơn 40 năm cho biết, "Việc thuê 1 kiot nhỏ khu vực đất vàng này có giá rất đắt đỏ, vì thế, giá các mặt hàng tại đây có giá cao hơn các chợ khác cũng là lẽ thường tình". Ảnh: Nhật Hà

Việc đặt cỗ, mua đồ chế biến sẵn không chỉ giảm bớt căng thẳng mà còn mang lại cơ hội cho những người nội trợ cơ hội được nghỉ ngơi, thư giãn, hoặc tham gia vào các hoạt động yêu thích khác như dành thời gian cho gia đình, chăm sóc bản thân, thay vì lao tâm khổ tứ trong bếp. Từ đó, cuộc sống của người họ trở nên dễ dàng hơn, đồng thời vẫn giữ được sự đủ đầy và ấm cúng cho gia đình.