Những năm gần đây, dù đối mặt với nhiều khó khăn chưa từng có tiền lệ, kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn phục hồi tích cực, giữ vững đà tăng trưởng, đặc biệt là trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Năm 2022, tỉnh thu hút 70 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 462 triệu USD, vượt 2,7% kế hoạch năm. Đến năm 2023, tỉnh thu hút mới và điều chỉnh vốn cho 78 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 604,2 triệu USD, tăng 30,76% so với cùng kỳ.
Trong 10 tháng đầu năm 2024, tỉnh tiếp tục cấp giấy chứng nhận và điều chỉnh tăng vốn cho 65 dự án, đạt tổng vốn đăng ký 485,4 triệu USD, tăng 39% so với kế hoạch năm.
Những con số ấn tượng này cho thấy khu vực FDI luôn là nhân tố quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, và tăng thu ngân sách. Hiện nay, khu vực này đóng góp trên 65% tổng thu ngân sách Nhà nước của tỉnh và từ 56% - 70% giá trị sản xuất công nghiệp.
Sự thành công trong thu hút FDI của Vĩnh Phúc được thúc đẩy bởi những đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động xúc tiến đầu tư. Thay vì tổ chức các chương trình xúc tiến quy mô lớn, chung chung, tỉnh đã chuyển hướng tiếp cận nhà đầu tư mục tiêu, tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên và thế mạnh của từng quốc gia.
Vĩnh Phúc đặc biệt chú trọng đến các dự án có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, hạn chế những dự án sử dụng nhiều đất và năng lượng, gây nguy cơ ô nhiễm.
Từ năm 2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao làm cơ quan đầu mối xúc tiến đầu tư. Các chương trình xúc tiến đã được định hướng rõ ràng hơn, tập trung vào các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, và mở rộng sang các thị trường tiềm năng tại châu Âu, Mỹ, Úc.
Đồng thời, tỉnh tận dụng cơ hội từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh các nhà đầu tư lớn đang chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc và Đài Loan. Các tập đoàn như Compal, Dell, IKEA, Google, LG, và Samsung được xác định là đối tượng trọng tâm để mời gọi đầu tư.
Không chỉ dừng lại ở xúc tiến quốc tế, Vĩnh Phúc còn chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo mặt bằng sạch và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Những nỗ lực này đã giúp các nhà đầu tư yên tâm sản xuất, mở rộng quy mô hoạt động và tái đầu tư.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở KH&ĐT, tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ra trụ cột trong chính sách thu hút đầu tư FDI là: Tập trung đầu tư cho hạ tầng mà đặc biệt hạ tầng khu công nghiệp (KCN); thúc đẩy cải cách hành chính tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư; chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các dự án công nghệ cao. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ trương không chọn dự án gây ô nhiễm, sử dụng ít đất, ít lao động và có công nghệ, suất vốn đầu tư, hiệu quả kinh tế cao.
Không chỉ tiếp xúc, trao đổi, mời gọi doanh nghiệp lớn ở nước ngoài mà còn đẩy mạnh "xúc tiến đầu tư tại chỗ" thông qua việc tạo môi trường sản xuất, kinh doanh tốt nhất có thể cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại Vĩnh Phúc. Từ đó, họ giới thiệu với nhau để đến Vĩnh Phúc. Đây là cách xúc tiến đầu tư tối ưu hơn cách chúng ta tự quảng bá rất nhiều.
Về hạ tầng, những năm qua Vĩnh Phúc tập trung cao phát triển hạ tầng giao thông, KCN, cụm công nghiệp; ngoài hệ thống quốc lộ, chủ động phối hợp với các tỉnh giáp ranh cùng phát triển hạ tầng, liên kết vùng.
Nhờ cách tiếp cận bài bản và quyết tâm đổi mới, Vĩnh Phúc đã hoàn thành mục tiêu thu hút FDI cho cả giai đoạn 2020-2025 với tổng vốn 2,5 tỷ USD.
Phần lớn các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc là các doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư chiến lược đứng đầu các chuỗi cung ứng ô tô, xe máy, linh kiện điện tử, có các đề xuất hỗ trợ, hợp tác về năng lượng, cam kết Net zero, đầu tư sản xuất xanh như: Công ty Honda Việt Nam, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Tập đoàn Samsung Việt Nam, Công ty cổ phần T&Y SuperPort, Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam, Tập đoàn Sojitz, Tập đoàn Sumitomo, Tập đoàn Amanta, Công ty cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ, Công ty cổ phần Signetics…, đã góp phần tạo ra hàng nghìn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng và đóng góp tích cực vào ngân sách tỉnh.
Theo Đề án thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2030 thu hút thêm từ 2 - 2,5 tỷ USD vốn đầu tư từ khu vực FDI; thu hút từ 1 - 5 tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới; nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia, vùng lãnh thổ một số khu vực trong tổng số vốn FDI của tỉnh lên hơn 80%.
Để đạt được các mục tiêu này và đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung hoàn thiện các quy hoạch theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhất là quy hoạch xây dựng và quy hoạch hạ tầng khu công nghiệp nhằm giúp tối ưu hóa sử dụng đất đai, tài nguyên, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư - yếu tố then chốt để phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.
Nghiên cứu, xây dựng chính sách ưu đãi cho các dự án FDI theo hướng vận dụng tối đa chính sách ưu đãi của Nhà nước… Trước mắt là xem xét, thực hiện việc hỗ trợ giá thuê hạ tầng đối với nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào các khu công nghiệp được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh; thành lập các quỹ xúc tiến đầu tư, các chính sách liên vùng, xây dựng các cơ chế về thu hút doanh nghiệp khởi nghiệp.
Cùng với đó, tăng cường các hoạt động trao đổi, hợp tác với các bộ, ngành, Đại sứ quán, tham tán, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; các tổ chức Jica, Jetro, KCCI, Kotra...
Thường xuyên tham gia các hội nghị, diễn đàn, hội chợ triển lãm để tiếp xúc với nhà đầu tư, giới thiệu môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. Tiếp tục cải cách hành chính, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư đang hoạt động, đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư tại chỗ, tạo sự uy tín của tỉnh đối với doanh nghiệp trong việc mở rộng, tái đầu tư.
Thúc đẩy phát triển của ngành công nghiệp logistics và dịch vụ hỗ trợ logistics; phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, lao động, nhà ở chất lượng cao cho chuyên gia; các khu văn hóa, vui chơi, giải trí, bảo đảm nhu cầu làm việc, đời sống của Nhân dân, các chuyên gia trong và ngoài nước. Từ đó, tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, níu chân, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng phát triển và chuyển dịch đúng hướng.
Với những nỗ lực bền bỉ, Vĩnh Phúc tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đổi mới xúc tiến đầu tư không chỉ giúp tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai.