Dân Việt

Trồng hoa lan theo quy trình khoa học công nghệ khắt khe, quy mô lớn kết hợp nhân giống bảo tồn

Trần Hậu - Tuyết Nhung 04/12/2024 16:54 GMT+7
Nhờ mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất mà vườn lan rừng quý hiếm của chị Nguyễn Thị Thu Hiền (46 tuổi, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) phát triển lớn mạnh, được nhiều người biết đến và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ứng dụng công nghệ vào trồng hoa lan

Đến thăm vườn hoa lan rừng của chị Hiền, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi giữa lòng thành phố có một vườn lan rừng quy mô lớn được đầu tư xây dựng một cách khoa học.

Một nông dân ở Đà Nẵng ứng dụng công nghệ trồng lan rừng quý hiếm đạt hiệu quả cao, vườn đẹp như phim - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền bén duyên với hoa lan từ năm 2016, hiện đang trồng vườn hoa lan rừng với diện tích 1.000m2.

Chị Hiền cho biết, trước kia chị làm giáo viên, sau này nghỉ việc về phụ giúp gia đình và bén duyên với cây hoa lan vào năm 2016. Thời điểm đó, chị trồng hoa lan trong sân vườn với diện tích chỉ 35m2 và xem đây là thú vui tao nhã. Khi nhận thấy giá trị kinh tế cao của loài hoa lan và xu hướng phát triển của thị trường hoa lan, chị quyết định khởi nghiệp với mô hình trồng và bảo tồn hoa lan rừng.

Một nông dân ở Đà Nẵng ứng dụng công nghệ trồng lan rừng quý hiếm đạt hiệu quả cao, vườn đẹp như phim - Ảnh 2.

Chị Hiền xây dựng vườn lan rừng với quy mô lớn, đầu tư nhà lưới, mái che, giàn treo, giăng lưới chống nắng, quạt gió, lắp đặt hệ thống tưới phun sương tự động....

Ban đầu, chị thu mua cây hoa lan từ thợ đi rừng ở nhiều tỉnh, thành để về nuôi trồng và chăm sóc. Sau quá trình thuần dưỡng cây cho ra hoa, chị tuyển chọn giữ lại những cây hoa đẹp để nhân giống bảo tồn và bán ra thị trường.

Chị Hiền chia sẻ: "Lan rừng là loài cây ưa nắng nhưng sợ nóng, ưa nước nhưng sợ ẩm. Thời tiết miền Trung lại nắng nóng khắc nghiệt, mưa gió thất thường, nên tôi phải chăm sóc rất kỹ lưỡng. Tôi thường xuyên dọn vệ sinh để vườn thông thoáng, thay giá thể trồng đã hư mục, sang chậu khi tách chiết lan và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh định kỳ.

Một nông dân ở Đà Nẵng ứng dụng công nghệ trồng lan rừng quý hiếm đạt hiệu quả cao, vườn đẹp như phim - Ảnh 3.

Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ mà vườn lan rừng của chị Hiền phát triển tốt, các yếu tố ánh sáng, độ ẩm, thoáng gió, nhiệt độ được duy trì hợp lý.

Một nông dân ở Đà Nẵng ứng dụng công nghệ trồng lan rừng quý hiếm đạt hiệu quả cao, vườn đẹp như phim - Ảnh 4.

Khi trồng lan rừng người trồng phải nắm rõ đặc tính, điều kiện sống của từng giống lan để từ từ chăm sóc, thuần dưỡng, nếu không cây sẽ lụi dần và chết hết. Điều quan trọng nhất là phải chọn được cây giống chất lượng, nguồn gốc rõ ràng thì cây hoa lan đó mới thực sự có giá trị".

Để lan rừng có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt, chị mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất bằng việc đầu tư xây dựng nhà lưới, mái che, giăng lưới chống nắng, lắp quạt gió.

Một nông dân ở Đà Nẵng ứng dụng công nghệ trồng lan rừng quý hiếm đạt hiệu quả cao, vườn đẹp như phim - Ảnh 5.

Sau hơn 8 năm khởi nghiệp, thương hiệu hoa lan BaNa GH của chị Hiền có chỗ đứng trên thị trường, được người yêu thích sưu tầm hoa lan tin tưởng.

Theo chị Hiền, ưu điểm của trồng hoa lan trong nhà lưới là giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho chất lượng hoa cao, giảm sâu bệnh hại. Đặc biệt là giúp nhà vườn khắc phục được sự bất lợi của thời tiết khắc nghiệt, cho độ an toàn cao; điều khiển được nhiệt độ, ánh sáng.

Bí quyết từ phân bón sinh học hữu cơ

Nhằm đảm bảo độ ẩm cho cây lan phát triển, chị Hiền đầu tư hệ thống giàn treo hiện đại với tầng trên là những loại phong lan ưa thông thoáng để đón ánh nắng mặt trời, tầng dưới là những loại lan ưa ẩm; lắp đặt hệ thống tưới phun sương tự động để giảm thời gian tưới cây và giảm chi phí nhân công, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Một nông dân ở Đà Nẵng ứng dụng công nghệ trồng lan rừng quý hiếm đạt hiệu quả cao, vườn đẹp như phim - Ảnh 6.

Chị Hiền trồng hoa lan trong nhà lưới giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho chất lượng hoa cao, giảm sâu bệnh hại, khắc phục được sự bất lợi của thời tiết khắc nghiệt....

Đồng thời, chị nhập các loại phân bón sinh học hữu cơ từ Mỹ, Nhật, Đài Loan, Tây Ban Nha... để cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho lá lan bóng, hoa lan to, đẹp và lâu tàn. Sử dụng giá thể trồng là vỏ thông được nhập khẩu từ New Zealand giúp cây lan rừng dễ dàng thoát nước, phát triển tốt, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để giảm thiểu tác động tới môi trường.

Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ và chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ mà chị Hiền duy trì vườn hoa lan sinh trưởng khỏe mạnh, chủ động điều tiết sinh trưởng, phát triển, ra hoa theo ý muốn và cho hoa nở một cách đồng đều.

Một nông dân ở Đà Nẵng ứng dụng công nghệ trồng lan rừng quý hiếm đạt hiệu quả cao, vườn đẹp như phim - Ảnh 7.

Mỗi giống lan có vẻ đẹp riêng, vì vậy giá trị của mỗi giò lan rừng phụ thuộc vào độ quý hiếm và sở thích của mỗi người.

Chị Hiền bộc bạch: "Mỗi cây lan từ khi bắt đầu trồng đến khi cho hoa phải mất từ 2-3 năm. Để có được các giống hoa lan rừng đẹp, tôi tìm đến nhiều vườn trồng lan uy tín trong và ngoài địa phương để học hỏi kinh nghiệm, sưu tầm cây về nhân giống. Hiện vườn lan BaNa GH có các dòng hoa lan rừng chính như lan hoàng thảo giả hạc (hoàng thảo phi điệp), các loại lan kiếm, lan hài, nghinh xuân....

Chủ yếu được bán, trao đổi qua mạng xã hội Facebook, bạn bè và qua một số khách hàng giới thiệu. Ngoài bảo tồn các giống hoa lan rừng quý hiếm, vườn lan của tôi còn là địa chỉ cung cấp vật tư trồng cây như: chậu, phân, thuốc, đất trồng... và tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng lan cho nhiều người muốn học hỏi, cùng nhau phát triển kinh tế nông nghiệp đô thị bền vững".

Một nông dân ở Đà Nẵng ứng dụng công nghệ trồng lan rừng quý hiếm đạt hiệu quả cao, vườn đẹp như phim - Ảnh 8.

Chị Hiền trang bị quạt gió và hệ thống tưới phun sương tự động để làm mát nền nhiệt trong vườn hoa, chăm sóc tỉ mỉ và cẩn thận để có những chậu lan đẹp.

Ông Hồ Đắc Lành – Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) nhận xét: "Hiện nay, nông nghiệp đô thị trên địa bàn phường đang phát triển rất tốt, có nhiều mô hình cho sản phẩm đạt chất lượng cao, sản lượng tốt. Trong đó, vườn hoa lan rừng của chị Nguyễn Thị Thu Hiền là một mô hình điển hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, cho nguồn thu nhập ổn định, có giá trị kinh tế cao, được nhiều người tìm đến để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm...".