Từ một tỉnh nghèo, thuần nông…, đến nay Hòa Bình đã trở thành địa phương thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến đầu tư.
Luôn đồng hành với sự phát triển của các nhà đầu tư
Trong những năm vừa qua, tỉnh Hòa Bình đã và đang phát triển nhiều lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp, du lịch... Tỉnh chú trọng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng. Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập 8 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 1.500ha; đang đề nghị mở rộng Khu công nghiệp Lạc Thịnh lên khoảng 1.000ha, bổ sung 3 khu công nghiệp mới với diện tích trên 1.260ha và 21 cụm công nghiệp với diện tích trên 800ha.
Với mong muốn mời gọi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào tỉnh đầu tư, tháng 4/2024, đoàn công tác của tỉnh Hòa Bình đã tham gia chương trình quảng bá địa phương Việt Nam tại Mỹ - Canada; tháng 6/2024 tại Hà Lan – Đức do Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao tổ chức. Đoàn đã đến thăm và làm việc với Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc; Tổng Lãnh sự quán/Đại sứ quán Việt Nam; chính quyền nước sở tại và tham gia các buổi tọa đàm kết nối địa phương, doanh nghiệp…
Hòa Bình phấn đấu đến năm 2025 diện tích đất các khu, cụm công nghiệp chiếm khoảng 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Các khu, cụm công nghiệp nằm ở các huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn nên các nhà đầu tư sẽ được hưởng nhiều ưu đãi. Hiện nay tỉnh đã và đang kêu gọi đầu tư hạ tầng và đầu tư sản xuất kinh doanh ở các khu, cụm công nghiệp này.
Cùng với đó, tỉnh Hòa Bình có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, tâm linh… Với mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Hòa Bình luôn chú trọng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào đầu tư, từ đó xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Hiện tỉnh có một số khu, điểm du lịch đã và đang cần đầu tư khai thác, như: Khu du lịch nước khoáng Kim Bôi, Khu du lịch tâm linh Chùa Tiên (Lạc Thủy), Khu du lịch văn hóa Bản Lác (Mai Châu), Bản Giang Mỗ (xã Bình Thanh, huyện Cao Phong); khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông (xã Tân Lạc, huyện Lạc Sơn); Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh (huyện Đà Bắc)... Đặc biệt là Khu du lịch Hồ Hòa Bình đã được quy hoạch là một trong 12 Khu du lịch quốc gia.
Được biết, đến tháng 8/2024, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có gần 720 dự án đang hoạt động, trong đó có 36 dự án đầu tư vốn nước ngoài, tổng số vốn khoảng 469,2 triệu USD và 683 dự án vốn đầu tư trong nước với tổng số vốn trên 247.000 tỷ đồng. Ngoài ra có 33 dự án đang được tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, tổng vốn đăng ký gần 21.000 tỷ đồng… Các dự án này đã, đang và sẽ góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững của tỉnh.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2023, theo Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long, ngoài các chính sách ưu đãi chung cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, Hòa Bình còn có một số cơ chế chính sách ưu đãi như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; miễn giảm thuế xuất, nhập khẩu... Tỉnh đã ban hành chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo Nghị định 210/2013 của Chính phủ, chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
9 tháng đầu năm 2024, Hoà Bình có 15 dự án đầu tư được cấp mới, 6 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được chấp thuận nhà đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư 17 dự án. Tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 9.500 tỷ đồng.
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình nhấn mạnh, Hòa Bình luôn thực hiện nhất quán quan điểm "Chính quyền địa phương luôn đồng hành cùng sự phát triển của các nhà đầu tư" và mong muốn hợp tác phát triển có hiệu quả với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và bè bạn gần xa. Tỉnh Hòa Bình luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với địa phương".
Nỗ lực tháo gỡ khó khăn
Trong các cuộc họp, hội nghị chỉ đạo về gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long nhiều lần chia sẻ cần phải thay đổi tư duy với quan điểm rõ ràng là phải chăm sóc cái đã có, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tìm cách giữ được "chim đậu" không để chim bay, tuột mất cơ hội phát triển của tỉnh. Thực tế trong chỉ đạo các dự án trọng điểm có những lúc đến gay gắt, nhưng tất cả vì việc chung, có sự thống nhất trong trong thường trực Tỉnh ủy, có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng cho lãnh đạo thường xuyên cập nhật tình hình khó khăn vướng mắc của từng dự án để chỉ đạo đôn đốc. Mục tiêu cuối cùng là hấp thu và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ ngân sách Trung ương, nguồn lực của doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc để phát triển của tỉnh.
Tại các cuộc họp của Ban chỉ đạo, hay các cuộc kiểm tra thực tế, Thường trực Tỉnh ủy, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh theo dõi bản đồ kế hoạch, nắm bắt khung thời gian các công việc phải triển khai từng dự án, yêu cầu có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thường xuyên truy vấn đến cùng những nguyên nhân chủ quan trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, trong phối hợp chỉ đạo, hỗ trợ các dự án trọng điểm...
Thời gian qua ghi nhận sự chuyển động của hệ thống chính trị, của bộ máy nhà nước trong phối hợp chỉ đạo các dự án trọng điểm của tỉnh. Những biểu hiện làm việc cầm chừng nghe ngóng, chùng chình và "nằm im nghe ngóng" của không ít cán bộ, công chức dần được loại bỏ. Tiến độ giải quyết những khó khăn, vướng mức của từng công đoạn các dự án cũng cải thiện.
Năm 2024 là năm có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị tỉnh Hòa Bình trong chỉ đạo các dự án trọng điểm. Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm của tỉnh đã chỉ đạo Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các chủ đầu tư các đơn vị liên quan tăng cường trách nhiệm, phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi đất rừng, đất lúa, thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định; xây dựng kế hoạch chi tiết tháo gỡ khó khăn cho từng việc, từng dự án để tập trung chỉ đạo, hoàn thành tiến độ giải ngân...
Lần đầu tiên những vấn đề liên quan đến thủ tục đất đai, đầu tư xây dựng, môi trường thuộc thẩm quyền địa phương được triển khẩn trương đến vậy, cho thấy sự chuyển động của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, triển khai các dự án trọng điểm. Những khó khăn về thủ tục đầu tư xây dựng, đất đắp, chuyển đổi đất lúa, đất rừng từng bước được giải quyết. Tỉnh đã khởi công dự án: Đường cao tốc Hòa Bình- Mộc Châu; đường liên kết vùng cũng đang được tích cực triển khai; dự án cáp treo Hương Bình - Lạc Thủy, dự án Nhà máy sản xuất, chế tạo các loại bảng mạch in điện tử có vốn đầu tư 200 triệu USD của tập đoàn Meiko (Nhật Bản)… Những dự án này sau khi hoàn thành sẽ mở ra cơ hội rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội, tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân…