Bò tót lai chưa thể sinh sản
Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm đa dạng sinh học vườn Quốc gia Phước Bình cho biết, sau 12 chăm sóc và thực hiện 3 đề tài nghiên cứu về đàn bò tót lai F1 ở Ninh Thuận, đến nay các cá thể bò tót lai chưa có dấu hiệu sinh sản trong quần thể. Số lượng cá thể chỉ còn 9 con lai F1, 1 con lai F2 và 1 con lai F3.
Các con bò tót-động vật hoang dã thả nuôi trong môi trường bán tự nhiên ở rừng Ninh Thuận. Bò tót rừng, có tên khoa học là Bos gaurus, Sách đỏ Việt Nam xếp bò tót vào nhóm nguy cấp, là động vật quý hiếm, nghiêm cấm mọi hành vi săn bắn, xâm hại. Ảnh: Đức Cường.
Trước đó, đề tài nghiên cứu giám định và khả năng sinh sản của bò lai F1 được thực hiện tại vùng rừng giáp ranh tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng từ năm 2012.
Năm 2015, tiếp tục thực hiện đề án nghiên cứu cấp nhà nước. Đến năm 2020, Vườn Quốc gia Phước Bình chính thức nhận quản lý và chăm sóc đàn bò nói trên và tiếp tục thực hiện đề án nghiên cứu bảo tồn đàn bò nói trên.
Hiện nay, các cá thể bò tốt lai được chăm sóc và phát triển tốt. Bản năng hoang dã "hồi sinh" mạnh mẽ.
Tuy nhiên, do xung đột trong quá trình nuôi, một 1 cá thể bò tót lai F1 bị chết. Tổng đàn còn 9 cá thể bò tót lai F1, 1 cá thể bò tót lai F2 và 1 cá thể bò tót lai F3.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó giám đốc phụ trách Vườn Quốc gia Phước Bình cho biết, hiện nay chi phí chăm sóc đàn bò tót lai khoảng 2,5 tỉ đồng/năm nhưng kết quả nghiên cứu, bảo tồn chưa khả quan.
Cận cảnh đàn bò tót lai F1 ở Vườn Quốc gia Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận. T/h: Đức Cường
Sau 12 chăm chăm sóc và thực hiện 3 đề tài nghiên cứu về đàn bò tót, đến nay các cá thể bò tót lai F1 vẫn chưa có dấu hiệu giao phối và sinh sản trong quần thể. Các cá thể bò này chủ yếu phục vụ nhu cầu tham quan, giáo dục đa dạng sinh học.
Hội thảo khoa học đánh giá khả năng phát triển của đàn bò tót lai và đề xuất phương án quản lý, chăm sóc. ẢNh: Đức Cường
Một con bò tót cái chưa thể sinh sản sau nhiều năm chăm sóc, nghiên cứu. Ảnh: Đức Cường.
Tại hội thảo, Giáo sư Tiến sĩ Dương Nguyên Khang – Trường Đại học nông lâm TP.HCM cho rằng, các ngành chức năng tỉnh Ninh Thuận cần xác định mục đích hướng tới trong việc quản lý và chăm sóc bò tót.
"Một là chăm sóc để phục vụ hoạt động du lịch, giáo dục đa dạng sinh học cộng động. Hai là để phục vụ nghiên cứu, nhân giống để bảo tồn nguồn gen quý của bò tót. Từ đó, đề ra hướng đi tối ưu nhất trong việc để khai thác, bảo tồn và nhân giống bò tót lai quý hiếm…", Giáo sư Tiến sĩ Dương Nguyên Khang nhấn mạnh.
Cũng theo GS.TS Dương Nguyên Khang, để nhân giống và bảo tồn nguồn gen quý của đàn bò tót lai cần xác định lại bộ gen và độ sinh tinh của các cá thể bò đực lai F1 hiện có. Từ đó xác định những cá thể phù hợp để tách đàn nuôi dưỡng để phục vụ nhân giống.
PGS.TS Lê Xuân Thám- Giảng viên ĐH Văn Lang, nguyên giám đốc Sở KH&CN Lâm Đồng. Ảnh: Đức Cường.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu là chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp như: Liên kết khai thác và sử dụng phát triển nguồn gen quần đàn con lai bò tót tại Vườn quốc gia Phước Bình; Ứng dụng các phương pháp sản xuất tinh, Phôi; Phối hợp công tác bảo tồn con lai bò tót với phát triển du lịch địa phương
Ông Võ Quang Lãm, Phó giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Ninh Thuận cho biết, dự kiến khi đề tài cấp tỉnh đang thực hiện hiện (sẽ kết thúc vào tháng 12/2025) đàn bò sẽ ở độ tuổi là 15 năm so với vòng đời của bò là 15-20 năm. Do đó, khả năng sẽ xuất hiện các hiện tượng bò bệnh, chết là rất cao.
"Do đó, trên cơ sở những ý kiến đề xuất tại hội thảo, đơn vị sẽ đề xuất với UBND tỉnh để có hướng giải quyết cấp thiết đối với đàn bò tót lai F1 nói trên…", ông Lãm cho hay.