Ngày 26-28/11, cuộc gặp mặt cấp khu vực của các đại diện Cơ quan Hợp tác Nga Rossotrudnichestvo tại Trung Đông, Nam Á và Đông Nam Á, đã diễn ra tại Hà Nội.
Nhân dịp này Tổng Giám đốc Cơ quan Hợp tác Nga E.A. Primakov đã có buổi gặp gỡ báo chí.
Nga có sự quan tâm đặc biệt với các đối tác ở Việt Nam và Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam là đối tác cực kỳ quan trọng, là ưu tiên hàng đầu – ông Primakov cho biết. "Chúng tôi hiểu rõ bối cảnh lịch sử, sự tương trợ giữa hai nước từ khi Việt Nam giành độc lập".
Về những sáng kiến mới trong hợp tác với Việt Nam, ông Primakov cho biết, bên cạnh các dự dự án truyền thống về giáo dục đào tạo, văn hóa, Cơ quan Hợp tác Nga sẽ cử các tình nguyện viên sang thực hiện các dự án về xã hội, về trẻ em bao gồm cả trẻ em có nhu cầu đặc biệt, về sinh thái, các bác sĩ thú y để giúp đào tạo chuyên gia địa phương.
Trong lĩnh vực văn hóa, Nga sẽ cử chuyên gia sang làm việc về mảng nhà hát, giúp hỗ trợ đào tạo diễn viên, đạo diễn.
Ông Primakov cho biết việc tổ chức triển lãm có khó khăn do Nga bị cấm vận, có thể một số nước muốn giữ tài sản trong đó có tài sản nghệ thuật của Nga, vì thế một số bộ sưu tập khó đưa ra khỏi nước Nga. Tuy nhiên Nga có thể tổ chức triển lãm các bộ sưu tập trưng bày trực tuyến.
Ông Primakov cũng cho rằng, khi nổi lên xu hướng quan tâm đến khoa học tự nhiên, kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, việc hợp tác xã hội và nhân văn giữa Nga và các nước giảm đi.
"Trong cộng đồng hàn lâm Nga có những thảo luận sôi nổi về lý tưởng quốc gia mới, về định vị nước Nga, những giá trị tinh thần trong thế giới ngày nay" – ông Primakov cho biết. "Việt Nam và Nga chia sẻ các giá trị như yêu tổ quốc, giá trị gia đình, nhân đạo, tôn trọng các nền văn hóa khác mà không ảnh hưởng đến chủ quyền… đó là những cơ hội để hợp tác".
Ông bày tỏ mong muốn trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn sẽ có trao đổi giữa thế hệ trẻ hai nước, thêm nhiều sinh viên từ Việt Nam và các nước khác sang học tại Nga. "Chúng tôi mong muốn trao đổi các ý tưởng chung mà chúng ta cùng nhau hướng tới về một thế giới bình đẳng, có chủ quyền" – ông nói.
Về khả năng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, ông Primakov nói: Nga đã hợp tác với VIệt Nam về chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Nhà máy này bị tạm dừng năm 2016 vì một số lý do. Chúng tôi được biết Việt Nam đang xem xét quay lại sử dụng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Nga có công nghệ để thực hiện dự án ở Việt Nam. Nếu Việt Nam đề nghị thì chúng tôi sẵn sàng tham gia dự án công nghệ cao quan trọng này.
Ông cho biết Việt Nam đã tích cực hợp tác với Rosatom trong lĩnh vực đào tạo nhân lực công nghệ cao, công nghệ xanh. Đã có các học viên sang Nga học và chúng tôi rất vui mừng vì họ có nền giáo dục chất lượng cao và sẽ có việc làm tốt tại Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng xanh, sạch
Với nhiệm vụ thúc đẩy hiểu biết giữa Nga với các nước, Cơ quan Hợp tác Nga đã có nhiều chương trình đào tạo tiếng Nga, các hoạt động giao lưu văn hóa như triển lãm, hòa nhạc tại các nước
"Nhiệm vụ quan trọng nhất là giúp cho các đối tác của chúng tôi phát triển, giúp nhân dân các nước phát triển, mang lại nền giáo dục tốt cho họ" – ông Primakov nói. Sự hợp tác của chúng tôi dựa trên bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng chủ quyền của các dân tộc. Chúng tôi tin rằng phần đông các quốc gia chia sẻ quan điểm đó với chúng tôi.
Hợp tác giáo dục là lĩnh vực quan trọng của Cơ quan hợp tác Nga. Hiện ở Nga có 360 nghìn sinh viên nước ngoài theo học, sắp tới là 500 nghìn. Hơn 1000 trường đại học mở cửa chào đón sinh viên nước ngoài. trong đó các ngành y tế, kỹ sư, công nghệ thông tin, dầu khí, nông nghiệp rất được ưa chuộng.
"Mục tiêu của chúng tôi là sinh viên có nền tảng tốt nhất học tập ở Nga rồi quay lại kiến thiết đất nước của họ trong các lĩnh vực" – ông Primakov nói.
Với Việt Nam, Nga dành 1.000 học bổng mỗi năm. Đây là con số rất lớn và chỉ có Belarus có thể so sánh với Việt Nam về số lượng học bổng.