Phát huy lợi thế
Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Thanh Minh, Trưởng phòng Kinh tế – Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TP.Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, cho biết: Thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) TP.Phú Quốc có nhiều thuận lợi, là điểm tham quan du lịch nổi tiếng cả nước, khu vực và trên thế giới. Hàng năm du khách đến tham quan du lịch, mua sắm kết hợp thưởng thức các sản phẩm, sản vật địa phương, từ đó xác định việc xây dựng các sản phẩm truyền thống, chủ lực của địa phương trở thành sản phẩm OCOP để phục vụ du lịch và người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, Phú Quốc có nhiều sản phẩm truyền thống, mỗi địa phương xã, phường đều có những đặc sản riêng, đây là cơ sở để vận động doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến tham gia chương trình OCOP.
Đặc biệt, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, UBND thành phố, sự phối hợp của các phòng, ban ngành đoàn thể thành phố, UBND các xã, phường và được sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, nên chương trình OCOP của Phú Quốc phát triển mạnh.
Phú Quốc có những sản phẩm OCOP gì?
Nhắc đến đặc sản Phú Quốc, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nước mắm truyền thống làm từ cá cơm của vùng biển Tây Nam. Nước mắm Phú Quốc có lịch sử hình thành và phát triển trên 200 năm, không chỉ là thương hiệu của địa phương mà còn là thương hiệu mạnh của quốc gia đã được nhiều nước trên thế giới biết đến như một thương hiệu nổi tiếng.
Một nhà nghiên cứu nói rằng ở Phú Quốc có nhiều dòng họ nổi lên nhờ làm nước mắm. Và ngược lại, cũng chính nước mắm Phú Quốc với những thương hiệu nổi tiếng trăm năm như: Khải Hoàn, Thanh Quốc, Mỹ Hảo, Hải Sơn, Hồng Đức, Huỳnh Khoa, Kim Hoa, Sáng Tươi, Thanh Hà, Hiệp Thạnh, Huỳnh Thành, Hưng Thành... đã làm nên uy tín cho các dòng họ khai sinh ra nó.
Là một trong những gia đình đầu tiên ở Phú Quốc làm nghề nước mắm truyền thống, ông Trương Đức Phương, chủ doanh nghiệp Tư nhân Hồng Đức, chia sẻ, gia đình ông 3 đời làm nghề nước mắm cá cơm truyền thống. Nước mắm Phú Quốc nói chung và nước mắm Hồng Đức nói riêng được sản xuất truyền thống theo phương pháp cá được trộn với muối tỷ lệ 3 cá 1 muối, thời gian ủ chượp là 12 tháng, sau đó tháo trộn cho ra thành phẩm gọi là nước mắm. Nước mắm có mùi thơm nhẹ, màu hồng nâu sậm, vị mặn đầu lưỡi, hậu ngọt béo của cá cơm.
Hiện nay doanh nghiệp của ông có khoảng 100 thùng ủ chượp, hàng năm sản xuất khoảng 50 thùng, với sản lượng khoảng 300.000 lít nước mắm. Tuy nhiên, trước đây gia đình ông chủ yếu sản xuất bán sản phẩm thô bán cho các đối tác, chỉ giữ lại một phần đóng chai bán với thương hiệu nước mắm cá cơm truyền thống Hồng Đức.
Để đẩy mạnh thương hiệu được nhiều người tiêu dùng trong cả nước biết đến, khi được phòng Kinh tế TP.Phú Quốc vận động ông Phương đã đăng ký làm hồ sơ xét công nhận sản phẩm OCOP. Tháng 8/2023 doanh nghiệp của ông Phương có 5 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, gồm: Nước mắm Hồng Đức 30 độ đạm, 35 độ đạm, 40 độ đạm, 43 độ đạm và Nước mắm chỉ dẫn địa lý Phú Quốc Hồng Đức 43 độ đạm.
"Trong thời buổi cạnh tranh về thương hiệu và chất lượng, việc sản phẩm được cơ quan chức năng công nhận đạt chuẩn OCOP là tấm giấy thông hành để sản phẩm đặc thù của địa phương tự tin phục vụ người tiêu dùng và cạnh tranh với các thương hiệu nước mắm khác. Thời gian tới tôi đầu tư đáp ứng các tiêu chí sẽ đăng ký tăng hạng các sản phẩm lên 4 sao, để nâng giá trị sản phẩm của mình"- ông Trương Đức Phương chia sẻ.
Cũng là một thương hiệu nước mắm truyền thống làm nên thương hiệu của nước mắm Phú Quốc, đó là nước mắm Mỹ Hảo. Anh Ngô Thành Trung, chủ Doanh nghiệp tư nhân nước mắm Mỹ Hảo, cho biết, nghề làm nước mắm của gia đình đã trải qua 3 đời, năm 1960, bà nội anh là người khởi nghiệp. Với quyết tâm bảo tồn và phát triển nghề truyền thống này, anh Trung đưa dòng sản phẩm nước mắm 45 độ đạm đăng ký và đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Theo anh Trung, doanh nghiệp của anh có xưởng sản xuất tại xã Dương Tơ với 45 thùng ủ chượp, mỗi thùng chứa 10-12 tấn cá cơm. Sau 12 tháng ủ chượp, xưởng của anh sẽ có khoảng 300.000 lít nước mắm mỗi năm.
"Nước mắm Mỹ Hảo và nhiều nhà thùng nước mắm Phú Quốc khác trước đây chủ yếu sản xuất bán thô, ít quan tâm đến thương hiệu và thị trường. Sau đại dịch Covid-19, các đối tác không mua hoặc giảm số lượng khiến cho các nhà thùng lao đao. Chính vì vậy việc xây dựng thương hiệu và thị trường là rất quan trọng, giúp cho các nhà thùng chủ động, không phụ thuộc vào đối tác. Việc đăng ký sản phẩm OCOP là con đường xây dựng thương hiệu và quảng bá thương hiệu hiệu quả nhất trong giai đoạn này. Từ ngày nước mắm Mỹ Hảo được công nhật đạt chuẩn OCOP, được thành phố đưa sản phẩm đi xúc tiến từ Nam ra Bắc, thương hiệu nước mắm Mỹ Hảo được nhiều người biết đến và tin tưởng sử dụng hơn.
Sắp tới, tôi sẽ đăng ký sản phẩm đạt OCOP 3 sao cho dòng nước mắm 35 và 43 độ đạm của mình và nâng cấp 4 sao cho sản phẩm 45 độ đạm"- anh Trung chia sẻ.
Trải qua ba thế hệ phát triển nước mắm Mỹ Hảo luôn quan niệm phát triển về số lượng nhưng vẫn giữ tính truyền thống trong từng sản phẩm. Để luôn mang đến sản phẩm truyền thống mà vẫn đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Theo phòng Kinh tế TP.Phú Quốc, tính đến cuối tháng 11/2024, TP.Phú Quốc đã có 58 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 6 sản phẩm OCOP 5 sao, 25 sản phẩm OCOP 4 sao và 27 sản phẩm OCOP 3 sao, với các sản phẩm đặc trưng của thành phố hải đảo, như: nước mắm, ngọc trai, cá trích, cá cơm, tiêu, sim…
Cụ thể 6 sản phẩm OCOP 5 sao, gồm: Nước mắm Phú Quốc Khải Hoàn 38 độ đạm, 40 độ đạm, 43 độ đạm và Nước mắm Thanh Quốc 35 độ đạm, 40 độ đạm, 43 độ đạm. 25 sản phẩm OCOP 4 sao, với các sản phẩm như: nước mắm cốt Kim Hoa 40 độ đạm, 35 độ đạm; nước mắm cốt Huỳnh khoa 43 độ đạm; mắm ruốc ăn liền, tiêu chín tươi ngào đường, tiêu sọ (tiêu trắng), muối tiêu chanh Sáng Lợi, Rượu Vang sim 10% Vol, Rượu sim rừng… Các sản phẩm OCOP 3 sao như: Nước mắm Nàng cơm Mỏ cú nguyên chất, cá cơm kho Phú Vị, cá trích kho Phú Vị, mắm ruốc Phú Vị, Tiêu ngào đường Phú Vị; muối hồng tiêu, ngọc trai Akoya, ngọc trai Maxima…
Đẩy mạnh xúc tiến đưa sản phẩm OCOP Phú Quốc vươn xa
Để sản phẩm OCOP của Phú Quốc ngày càng nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến, Phòng Kinh tế TP.Phú Quốc đã tích cực vận động các chủ thể đưa sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử, đảm bảo duy trì tốt chuỗi sản xuất đến cung ứng sản phẩm, làm ấn phẩm các sản phẩm OCOP của thành phố; hỗ trợ các chủ thể giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các trang thương mại điện tử trong và ngoài tỉnh, như: Postmart-VNPost, hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP Quốc gia,…
Bên cạnh, trong năm 2024 phòng Kinh tế đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho sản phẩm đạt OCOP, như: Tổ chức xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP TP.Phú Quốc tham gia Tuần lễ Văn hóa - Ẩm thực Hà Tiên năm 2024, nhân dịp Lễ giỗ lần thứ 289 Đức khai trấn Mạc Cửu; tổ chức tham gia Hội chợ Quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư hành lang kinh tế Đông Tây Đà Nẵng năm 2024; tổ chức tham dự Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2024 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và báo cáo theo quy định, tham gia chuỗi sự kiện ngành Công thương các tỉnh, thành phố Khu vực phía Nam 2024 TP.Phú Quốc. Bên cạnh đó, quảng bá, giới thiệu và tặng cẩm nang sản phẩm OCOP TP.Phú Quốc đến tay người tiêu dùng với 300 quyển cẩm nang,…
Ngoài ra, Phú Quốc còn xây dựng và phối hợp xây dựng chiến dịch truyền thông đa dạng, tập trung quảng bá, tiếp thị sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức, như: tạo điều kiện để các chủ thể sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại tại các vùng, miền để giao thương, kết nối, tìm đối tác cung ứng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên; tổ chức và phối hợp tổ chức các hội chợ sản phẩm OCOP tại TP.Phú Quốc, triển khai xây dựng điểm, trưng bày miễn phí, quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại TP.Phú Quốc…