Dân Việt

Vụ đưa hối lộ cho thẩm phán ở Gia Lai dưới góc nhìn pháp lý

Phi Long 30/11/2024 14:10 GMT+7
Theo luật sư, người đưa hối lộ cho thẩm phán ở Gia Lai có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, với khung hình phạt nghiêm khắc.

Bắt tạm giam thẩm phán ở Gia Lai

Ngày 29/11, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã khởi tố điều tra bị can Nguyễn Duy Sâm (SN 1964, trú tại thôn Qúy Tân, xã Ia Trôk, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) về tội đưa hối lộ. 

Thông tin ban đầu, ông Bùi Viết Minh Quân khi còn là thẩm phán ở huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai đã nhận hối lộ của ông Nguyễn Duy Sâm để xử thắng kiện vụ án dân sự về tranh chấp hợp đồng.

Cụ thể, ngày 16/12/2022 ông Sâm đã gặp và đưa 70 triệu đồng cho thẩm phán Quân tại TAND huyện Ia Pa để nhờ giúp đỡ chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Sâm đối với trạm bơm Bình Hòa và chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện đối với trạm bơm Bình Tây.

Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 17/11/2023, Hội đồng xét xử đã bác bỏ toàn bộ đơn khởi kiện của ông Nguyễn Duy Sâm. Sau đó, ông Sâm đã điện thoại yêu cầu thẩm phán Quân trả lại số tiền 70 triệu đồng. Thẩm phán Quân đã trả lại số tiền cho ông Sâm ngày 19/11/2023.

Đến ngày 9/9/2024, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã thực hiện lệnh bắt và khám xét nơi làm việc của ông Bùi Viết Minh Quân (41 tuổi, lúc đó là Phó Chánh án TAND huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) để điều tra về hành vi nhận hối lộ.

Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm hoãn xuất cảnh, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Duy Sâm.

Vụ đưa hối lộ cho thẩm phán ở Gia Lai dưới góc nhìn pháp lý- Ảnh 1.

TAND huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, nơi ông Bùi Viết Minh Quân từng công tác. Ảnh: DV.

Quy định về tội đưa hối lộ

Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh cho hay, Điều 364, Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội đưa hối lộ cụ thể như sau:

Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; Lợi ích phi vật chất. 

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 02 lần trở lên; Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng sẽ bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên sẽ bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Theo luật sư Sơn, người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.

Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác sẽ được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.