Trước vụ Trương Mỹ Lan đưa hối lộ, những trường hợp quan chức nhận hối lộ và giấu tiền rất lạ

Bách Thuận Thứ năm, ngày 23/11/2023 19:00 PM (GMT+7)
Trước vụ nữ Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước nhận hối lộ 5 triệu USD đựng trong thùng xốp, ở một số vụ án trước đây, các quan chức cũng từng có cách nhận hoặc giấu tiền nhận hối lộ rất lạ.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, trong vụ Vạn Thịnh Phát, cơ quan điều tra đã xác định có bị can nhận hối lộ hàng triệu USD và cách người này nhận và giấu tiền hối lộ cũng ngay lập tức gây chấn động dư luận. Không chỉ vụ án này, lịch sử tố tụng cũng từng ghi nhận, nhiều bị can trong các vụ án trước đã có những cách nhận, giấu tiền hối lộ rất lạ.

Tiền nhận hối lộ mang đi gửi họ hàng

Trong vụ Vạn Thịnh Phát, nữ bị can Đỗ Thị Nhàn - cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước bị đề nghị truy tố về tội "Nhận hối lộ".

Người này bị cáo buộc nhận hối lộ 5,2 triệu USD của Trương Mỹ Lan – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát khi giúp chỉnh sửa số liệu, tẩy trắng cho Ngân hàng SCB.

Theo đó, trong thời gian thanh tra tại SCB, Đỗ Thị Nhàn đã nhận hối lộ tổng cộng 5,2 triệu USD của Trương Mỹ Lan. Lần đầu vào tháng 3/2018, người của SCB ra Hà Nội, tặng nữ Cục trưởng một túi quả Cherry kèm một túi đựng 200.000USD.

Khoảng cuối năm 2018, bị can Đỗ Thị Nhàn nhận 3 thùng xốp do Trương Mỹ Lan gửi, cảm ơn "tạo điều kiện trong quá trình thanh tra" gồm 1 thùng đựng 1 triệu USD và 2 thùng đựng 2 triệu USD.

Số tiền này, Đỗ Thị Nhàn cất giấu trong phòng ngủ riêng nhà mình, sau đó mang 2,6 triệu USD đi gửi nhà họ hàng.

Trước vụ Vạn Thịnh Phát, quan chức từng có cách nhận và giấu tiền nhận hối lộ rất lạ - Ảnh 1.

Đỗ Thị Nhàn - cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước (trái) bị cáo buộc nhận hàng triệu USD của Trương Mỹ Lan rồi cất giấu ở phòng ngủ. Ảnh: DV

Đó là cách nhận và giấu tiền nhận hối lộ của Đỗ Thị Nhàn sau khi giúp SCB "tẩy trắng". Trước cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, nhiều quan chức cũng từng có những cách nhận hối lộ hoặc giấu tiền nhận hối lộ rất đáng chú ý khác.

Giấu 3 triệu USD ngoài ban công

Trường hợp cựu Bộ trưởng  Nguyễn Bắc Son là một ví dụ. Trong vụ án liên quan việc MobiFone mua Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), ông Nguyễn Bắc Son cũng được xác định nhận hối lộ hàng triệu USD của doanh nghiệp.

Cụ thể, sau khi thương vụ MobiFone mua cổ phần AVG hoàn thành, Phạm Nhật Vũ - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG đã đến nhà riêng của vị cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ở Lý Nam Đế (Cửa Đông, Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội).

Tại đây, Phạm Nhật Vũ đã đưa cho ông Son số tiền 3 triệu USD. Nhận tiền, vị cựu Bộ trưởng đã mang số tiền này lên phòng làm việc tại tầng 2. Người này sau đó xếp đầy vào 1 chiếc va li du lịch loại nhỏ màu đen nhãn hiệu Samsonite, xếp đầy 1 ba lô du lịch tối màu.

Với số tiền còn thừa ra, ông Son tiếp tục cho vào 1 chiếc va li du lịch loại to màu trắng nhãn hiệu Samsonite, sau đó cất ra ngoài ban công được quây kín bằng khung nhôm kính.

Gia đình ông Nguyễn Bắc Son khóc như mưa và làm theo tâm nguyện

Ông Nguyễn Bắc Son được xác định nhận hối lộ và giấu tiền ở ngoài ban công. Ảnh: DV

Toàn bộ số tiền hàng triệu đô nhận hối lộ này, ông Son khai đưa cho con gái khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300 nghìn USD đến 400 nghìn USD khi con gái từ TP.HCM ra TP.Hà Nội thăm gia đình. Đáng chú ý, ông Son dặn con không được gửi tiết kiệm còn đầu tư vào đâu thì tùy.

Ngoài ra, ông Son còn thừa nhận đã nhận của Cao Duy Hải, cựu Tổng giám đốc MobiFone số tiền 200 triệu đồng dịp 30/4/2015 và số tiền 200.000 USD của Lê Nam Trà - cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone dịp Tết âm lịch năm 2016.

Nhận hối lộ qua tài khoản của bảo vệ, thông gia

Phạm Duy Tuyến - cựu Giám đốc CDC Hải Dương bị cáo buộc nhận hối lộ trong đại án Việt Á. Trước khi CDC Hải Dương hợp thức hồ sơ đấu thầu, thanh toán tiền cho Công ty Việt Á, Phạm Duy Tuyến và Phan Quốc Việt- Tổng giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á thỏa thuận, thống nhất:

Việt Á sẽ chi cho Phạm Duy Tuyến và một số lãnh đạo tỉnh Hải Dương số tiền từ 20 - 25% giá trị hợp đồng, để CDC Hải Dương ưu tiên sử dụng test xét nghiệm của Việt Á (hạn chế sử dụng test xét nghiệm của các đơn vị cung cấp khác) và tạo điều kiện ký hợp đồng, thanh toán tiền cho Công ty Việt Á theo đơn giá mà công ty đưa ra.

Thực hiện thỏa thuận chi "hoa hồng" nói trên, từ ngày 19/5 – 19/11/2021, Phạm Duy Tuyến đã 3 lần nhận tổng số tiền 27 tỷ đồng do Công ty Việt Á chuyển. Tiền được chuyển vào các tài khoản do Tuyến cung cấp.

Trước vụ Vạn Thịnh Phát, quan chức từng có cách nhận và giấu tiền nhận hối lộ rất lạ - Ảnh 2.

Phạm Duy Tuyến (phải) nhận tiền hối lộ từ Phan Quốc Việt qua cả tài khoản của thông gia, bảo vệ. Ảnh: DV

Kết luận cho thấy, 22 tỷ đồng được chuyển đến tài khoản của Phạm Văn Cường - bảo vệ CDC Hải Dương (bạn học của Phạm Duy Tuyến); 5 tỷ đồng chuyển tới tài khoản của chủ tiệm vàng Kim Hiển - thông gia với gia đình Tuyến.

Theo lời khai của chủ tiệm vàng Kim Hiển, khoảng tháng 7/2021, vợ Tuyến có gọi điện mượn tài khoản để nhận tiền và bà đã đồng ý. Sau đó, tài khoản nhận được 13 tỷ đồng, trong đó có 5 tỷ đồng được chuyển đến tài khoản với nội dung: "HO THI THANH THAO: nhờ tt tiền mua hàng". Bà này đã rút tiền mặt đưa cho vợ Tuyến.

Số tiền nhận hối lộ được Phạm Duy Tuyến dùng hơn 10 tỷ đồng đưa cho một số lãnh đạo, cán bộ CDC Hải Dương. Phạm Duy Tuyến đã nhờ Phạm Văn Cường là bảo vệ CDC Hải Dương mở 1 sổ tiết kiệm 1 tỷ đồng vào ngày 27/7/2021. Số tiền còn lại, Tuyến khai đã sử dụng cá nhân nhưng không nhớ được.

Nhận hối lộ qua tài khoản mẹ vợ

Đó là trường hợp của Phạm Trung Kiên – cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế trong đại án "Chuyến bay giải cứu". Là Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, Kiên có nhiệm vụ tiếp nhận, trình Thứ trưởng duyệt, ký văn bản trả lời liên quan đến việc cho ý kiến xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tin tức, sự kiện liên quan đến Bị cáo phạm trung kiên | Dân Việt

Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế thì nhận tiền hối lộ qua tài khoản của mẹ vợ, sau đó dùng để chi tiêu và mua đất. Ảnh: DV

Phạm Trung Kiên đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền từ 50 -200 triệu đồng cho mỗi chuyến bay hoặc từ 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng mỗi hành khách. Đối với khách lẻ, chi phí này là từ 7 - 15 triệu đồng/người.

Từ tháng 2/2021 đến tháng 12/2021, Kiên đã nhận hối lộ của 18 cá nhân đại diện doanh nghiệp và một số khách lẻ.

Nhà chức trách xác định, Kiên không những nhận hối lộ tại trụ sở Bộ Y tế mà còn nhận tiền hối lộ qua tài khoản của mình, thậm chí còn dùng tài khoản của mẹ vợ Kiên để nhận những khoản tiền phi pháp này.

Khai về việc sử dụng số tiền này, Kiên cho biết đã dùng để mua đất ở Mũi Né (mua chung với bạn). Ngoài ra, Kiên cũng thừa nhận mua 2 mảnh đất ở Ba Vì và Hoài Đức (TP.Hà Nội).

Khi vụ án xảy ra, Kiên đã trả lại 12 tỷ đồng cho phía doanh nghiệp, khai cho vay 10 tỷ đồng, hơn 20 tỷ đồng dùng để đầu đầu tư vào đất đai, sửa chữa nhà cửa; số tiền còn lại sử dụng chi tiêu cá nhân.

Bên cạnh những trường hợp này, có nhiều trường hợp khác còn nhận tiền hối lộ qua trung gian như thầy phong thủy, cấp dưới, cất giấu tiền tại văn phòng làm việc… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem