Dân Việt

Vụ "phá" đấu giá đất ở Sóc Sơn: Trả 30 tỷ đồng/m2 rồi dừng tham gia có bị xử lý theo quy định pháp luật?

Quang Trung 30/11/2024 13:04 GMT+7
Phiên đấu giá đất ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) có dấu hiệu bị "phá" sau khi khách trả giá lên đến 30 tỷ đồng/m2 rồi lại xin dừng tham gia. Chuyên gia pháp lý cho rằng, hành vi này có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng.

Công an làm rõ vụ "phá" đấu giá đất ở Sóc Sơn

UBND huyện Sóc Sơn đã giao Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) điều tra, làm rõ động cơ của nhóm khách hàng có hành vi "phá" đấu giá khi trả 3 lô đất ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) lên hơn 30 tỷ đồng/m2, sau đó xin rút vì "sợ quá".

Trước đó, ngày 29/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn tổ chức đấu giá 58 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến. Các lô đất diện tích 90-224 m2 với giá khởi điểm 2,4 triệu đồng một m2. Tiền đặt trước tương ứng 223-550 triệu đồng một lô.

Theo quy chế, cuộc đấu giá được tổ chức trực tiếp, phải trải qua tối thiểu 6 vòng bắt buộc. Khách hàng trả giá cao nhất tại vòng 6 sẽ là người trúng đấu giá.

Tuy nhiên, tại vòng thứ 6, sự cố xảy ra khi một nhóm khách hàng có dấu hiệu "phá" phiên đấu giá này, theo một lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn.

Cụ thể, nhiều khách hàng tại các vòng trước đó đã trả giá các lô lên đến hơn 100 triệu đồng một m2, trong đó thậm chí có 3 lô được trả đến 30 tỷ đồng/m2. Đến vòng 6, họ lại trả giá 0 đồng, rồi xin dừng tham gia đấu giá.

Vụ "phá" đấu giá đất ở Sóc Sơn: Trả 30 tỷ đồng/m2 rồi dừng tham gia có bị xử lý theo quy định pháp luật?- Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên đấu giá 58 lô đất ở thôn Đồng Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn tổ chức ngày 29/11. Ảnh: CTV

Lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho biết, tình huống này khiến 30 trong tổng số 58 thửa đất không thể đấu giá thành công. Huyện Sóc Sơn sẽ báo cáo vấn đề này với cơ quan chức năng, cũng như đề nghị cơ quan công an điều tra. Trong thời gian tới, huyện sẽ tổ chức bán lại 30 thửa đất có dấu hiệu bị "phá" hôm 29/11.

Có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, bản chất của hoạt động đấu giá đất là giao đất có thu tiền sử dụng đất thông qua hình thức đấu giá về quyền sử dụng đất, đây là thủ tục hành chính trong việc giao đất, đồng thời là quan hệ dân sự.

Tuy nhiên, nếu có hành vi cản trở, khiến cho hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất không thể thực hiện được, đây là hành vi gây rối trật tự công cộng, là hành vi trái pháp luật nên người thực hiện hành vi có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Theo đó, ông Cường cho biết, trong hoạt động đấu giá tài sản, pháp luật nghiêm cấm người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác thực hiện các hành vi cản trở hoạt động đấu giá tài sản.

Nếu người nào không có nhu cầu, không có khả năng thanh toán tiền để nhận đất sử dụng, không muốn mua nhưng vẫn tham gia đấu giá, trả giá cao rồi bỏ cọc, bỏ đấu giá khiến cho cuộc đấu giá không thành công, phải tổ chức đấu giá lại, đây là hành vi vi phạm điều cấm của pháp luật và là hành vi gây rối trật tự công cộng.

Người thực hiện hành vi cản trở đấu giá quyền sử dụng đất có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người cản trở hoạt động đấu giá tài sản được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 23 Nghị định 82/2020/NĐ-CP. Mức phạt cao nhất có thể tới 10 triệu đồng.

Còn trường hợp hành vi cản trở hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất bằng hình thức trả giá cao đến mức bất thường rồi không tham gia tiếp khiến cho hoạt động đấu giá không thể tổ chức được, tổ chức không thành công, và nếu bị xác định là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng, với hình phạt tù thấp nhất 3 tháng, cao nhất 7 năm tù.

Bởi vậy, theo luật sư Cường, trong vụ việc nêu trên, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ danh tính của những người đã trả giá cao rồi không tham gia tiếp, đồng thời đánh giá hậu quả đã gây ra để xem xét mức độ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Vị chuyên gia nêu quan điểm, trong thời gian qua, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra với nhiều bất thường, hiện tượng trả giá cao rồi bỏ cọc ở nhiều địa phương gây bức xúc trong dư luận xã hội, khiến nhiều cuộc đấu giá không thực hiện được.

Điển hình nhất có thể kể đến như cuộc đấu giá ở Thủ Thiêm (TP.HCM) trước đây và một số địa phương ở Hà Nội thời gian gần đây. Qua xác minh, cơ quan chức năng xác định có dấu hiệu trục lợi, phá rối nên nhiều đối tượng đã bị xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.